Chén sương sâm thanh mát

10:11, 24/11/2020

Cuối tuần, cô Bảy hàng xóm mang sang nhà tôi biếu một ít lá sương sâm. Cô bảo: "Con vò lấy nước, để đặc lại ăn mát lắm!" Cầm mớ lá sương sâm trên tay, tôi bỗng nhớ những ngày tuổi thơ trưa trốn ngủ đi tìm hái lá mối. Ôi! lá sương sâm, lá mối- những loại lá hoang dại ngày nào nay vẫn còn đây một chỗ đứng hiếm hoi ở góc phố thị thành.

Cuối tuần, cô Bảy hàng xóm mang sang nhà tôi biếu một ít lá sương sâm. Cô bảo: “Con vò lấy nước, để đặc lại ăn mát lắm!” Cầm mớ lá sương sâm trên tay, tôi bỗng nhớ những ngày tuổi thơ trưa trốn ngủ đi tìm hái lá mối. Ôi! lá sương sâm, lá mối- những loại lá hoang dại ngày nào nay vẫn còn đây một chỗ đứng hiếm hoi ở góc phố thị thành.

Không chần chừ, tôi đem rửa sạch và vò ngay mớ lá sương sâm. Hẳn cô Bảy đã chọn hái cho tôi những chiếc lá “đủ già” nên nước lá rất mau đặc. Với lượng nước vừa đủ, sau khi vò, lược bỏ xác, đem phơi nắng chừng hơn tiếng đồng hồ là tôi đã có một tô lớn thạch sương sâm với màu xanh đẹp mắt. Thạch sương sâm ăn rất mát- nhất là lúc này, ăn một chén sương sâm pha đường, đá lạnh thì nóng nực nào rồi cũng sẽ tiêu tan.

Theo y học cổ truyền, sương sâm không độc, có tác dụng giải nhiệt, nhuận gan, chữa đau họng, đau dạ dày, tiêu chảy, kiết lỵ, bệnh về gan, trĩ, đau răng, tổn thương do té ngã. Sương sâm thường mọc hoang ở vườn, nơi có bóng râm mát. Sương sâm là dạng dây leo, có thể bò tít lên ngọn cây, càng vươn cao, càng xanh tốt. Ngoài ra, sương sâm cũng thích mọc gần bờ tường hay bờ rào rồi bám víu lấy bất kỳ cây nào cạnh đó, cứ thế mà xanh tươi.

Ở quê, có nhiều loại rau lá vừa lành vừa mát mọc ngay ở vườn nhà, trời nắng nóng, chỉ cần hái một ít vò uống hoặc nấu canh ăn là thấy “mát ruột mát gan” như lá sương sâm là một ví dụ.

Điều lưu ý là tùy theo độ đậm đặc của nước sương sâm (tức khi vò cho nhiều hay ít nước) mà thạch “cứng” nhanh hay chậm. Để qua đêm, thạch càng đông đặc lại. Khi ăn cắt thạch sương sâm thành từng miếng nhỏ vuông vuông cho vào ly hoặc chén, thêm chút đường, vài viên đá là đã đủ ngon.

Món sương sâm ăn vào mát lạnh, ngọt thanh, mùi lá sương sâm thơm đầm, tạo cảm giác dễ chịu. Thạch mềm mềm tan ngay trong miệng, mùi thơm đặc trưng của sương sâm hòa với vị ngọt nhẹ của nước đường, lành lạnh của nước đá thấm vào ngõ ngách từng giác quan. Đây không chỉ là món “ăn vặt” ngon mà còn mát, thanh nhiệt, tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, người miền Tây làm thạch sương sâm bán thường cho thêm dầu chuối, nước cốt dừa beo béo, nước đường thắng kẹo kèm ít gừng đập giập càng tạo thêm hương vị tuyệt vời cho chén thạch sương sâm.

Ngày nay, lá sương sâm được trồng “công nghiệp” cũng khá nhiều, lá to, mướt nhưng theo nhận định của một số người thì ăn không ngon, không mát bằng sương sâm vườn mọc tự nhiên với lá hơi nhỏ nhưng dày.

Những loại rau, lá mát này không phải lúc nào bạn cũng có thể tìm thấy ở thị thành nên nếu may mắn gặp thì cứ tranh thủ mua để có thể “giải nhiệt” cho cả nhà.

Như chén sương sâm tôi có được từ mảnh vườn nho nhỏ nhà cô Bảy chẳng hạn. Cảm ơn cô Bảy đã cho tôi “dịp” sống lại ký ức của tuổi thơ một thời. Cảm ơn cô- một con người sống ở phố nhưng nghĩa tình thì lúc nào cũng như chốn chân quê. Mới hay, có những thứ dù mọn mằn nhưng đôi khi lại hóa điều đặc biệt.

Bài, ảnh: DIỄM KIỀU

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh