Chẳng biết thói quen đã hình thành tự bao giờ mà mỗi khi Giêng sang lòng tôi lại nao nao nhiều luyến tiếc. Phải chăng một cái tết sum vầy sao thoáng chốc qua mau? Ra Giêng, tôi bắt nhịp lại với công việc thường ngày.
Chẳng biết thói quen đã hình thành tự bao giờ mà mỗi khi Giêng sang lòng tôi lại nao nao nhiều luyến tiếc. Phải chăng một cái tết sum vầy sao thoáng chốc qua mau? Ra Giêng, tôi bắt nhịp lại với công việc thường ngày.
Ra Giêng, đã khép lại những ngày tết đoàn viên, sum họp. Vậy mà ra Giêng, mùi dưa cải muối chua vẫn dậy đều nơi góc bếp. Để rồi chiều nay, trên mâm cơm thịt, trứng cũng khá đủ đầy mà sao nghe thèm quá một ơ cá kho khô.
Chiều tháng Giêng, trời không dịu nắng sớm. Cơn gió Nam về đẩy nhiều chiếc lá bay vào sân. Chồng bảo “trời này phải có canh thì ăn cơm mới nổi”. Hiểu ý chồng, tôi vào xem lại tủ lạnh nhà mình. Còn ít dưa cải mẹ cho, tôi bắc nồi nước lên nấu canh chua thịt bò. Ăn kèm theo đó là dĩa trứng gà kho mẳn. Đơn giản vậy thôi mà chồng con khen quá đỗi. Riêng tôi, tôi lại ước có ơ cá kho tiêu. Cá kho khô ăn với canh dưa cải thì chỉ có nước “hao cơm”.
Tôi mê nhất là món cá kho khô của mẹ. Mẹ bảo muốn kho cá ngon thì phải kho thật lâu, để lửa nhỏ liu riu cho cá thấm đều gia vị. Đặc biệt là khi nước trong ơ cạn và sệt lại, cá bắt đầu chuyển sang màu vàng ươm thì mẹ cho ít tóp mỡ vào và rải đều lên trên ít tiêu đen đâm nhuyễn. Đủ đầy gia vị, món cá kho khô dậy lên mùi thơm chẳng những từ trong bếp mà đến tận ngoài sân cũng sẽ bắt được mùi- một mùi thơm dân dã, đặc trưng và lâu lâu lại thấy nhớ!
Tôi nhớ những ngày còn là sinh viên, mỗi cuối tuần, tôi lại tranh thủ về bên mẹ. Đó cũng là dịp tôi được thưởng thức món cá kho khô của mẹ. Khi thì ơ cá lóc, cá trê, lúc là mớ cá rô, cá sặt, cá lòng tong…
Dù là cá gì mẹ kho cũng rất ngon, mười lần như một vẫn là cái vị ấy- vị cá kho khô của mẹ. Bên hiên nhà, tôi ngồi cạnh mẹ. Tôi kể cho mẹ nghe câu chuyện về bạn bè, thầy cô, trường lớp. Mẹ bảo ban tôi cách cư xử với người, với đời. Chốc chốc mẹ quay sang xoa đầu tôi như một cách thay cho lời nựng nịu, thương yêu.
Trong cơn gió chiều tháng Giêng thổi ngược, vậy mà từ chái bếp sau nhà, ơ cá kho khô vẫn tỏa lên mùi thơm nức mũi réo gọi cả nhà giờ đã đến giờ cơm. Có gì đâu ngoài cá, rau đạm bạc nhưng ai cũng hít hà khen ngon.
Vì mẹ nấu ngon hay là vì cả nhà được quây quần, xúm xít mà cơm canh trở nên đậm đà quá đỗi? Câu trả lời đến giờ này tôi đã hiểu. Dù chồng con khen ngon nhưng tôi vẫn nghe thiêu thiếu. Đó là thiếu vị mặn của tình mẹ thương con mà càng nêm mới càng biết thiếu và càng xa mới càng nghe thấm!
Như một quy luật cá lớn phải ra sông, chim lớn sẽ rời tổ. Thời gian hun hút trôi, anh em chúng tôi giờ đã lớn và có cuộc sống của riêng mình nên những chuyến về quê mẹ cũng dần thưa... Còn mẹ ngày một già, sức khỏe ngày một vơi...
Vậy mà mẹ chẳng nửa lời than trách chỉ âm thầm trông hết ngày này tháng nọ để mau đến ngày tụi nhỏ tụ họp về. Con cháu về mẹ có nài chi cực khổ, hết món này đến món nọ mẹ bày ra. Đứa nào thích gì là mẹ liền làm nấy. Và chẳng khi nào thiếu một ơ cá kho khô. Cũng mùi vị đó nên đến khi về là thèm thuồng và muốn được thưởng thức ngay. Nhiều khi mới về tới ngõ là đã nghe dậy mùi của ơ cá kho khô!
Chiều nay, ngồi bên mâm cơm đủ đầy trứng, thịt... Tự dưng tôi thấy nhớ mẹ và thèm món cá kho khô của mẹ! Hứa với lòng, cuối tuần này sẽ tạm gác lại những bộn bề của cuộc sống để về với mẹ, về với mảnh đất thâm tình còn nguyên vẹn những ký ức ngọt ngào của tuổi ấu thơ. Nơi đó, mẹ vẫn chờ để nêm nếm một ơ cá kho khô.
Bài, ảnh: DIỄM KIỀU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin