Chạy dọc theo vùng biên giới Tây Nam là hình ảnh những cánh đồng lúa bao la bát ngát, điểm tô thêm những hàng thốt nốt mạnh mẽ vươn mình trước nắng gió của đất trời biên giới.
Chạy dọc theo vùng biên giới Tây Nam là hình ảnh những cánh đồng lúa bao la bát ngát, điểm tô thêm những hàng thốt nốt mạnh mẽ vươn mình trước nắng gió của đất trời biên giới.
Trái thốt nốt tươi được tách ra lấy phần cơm, hoà chung nước thốt nốt để lạnh là một món giải khát tuyệt vời cho những ngày nắng nóng. |
Cây thốt nốt là loài thực vật họ cọ, tán lá xoè như cánh quạt, thân cây to cao giống thân dừa nhưng ít xù xì hơn. Thốt nốt cho những chùm quả lớn, mọc thành quày giống trái dừa, có màu tím sậm, khi chín lại có màu hạt dẻ, ruột vàng, hương thơm nồng nàn và cuống có màu xanh.
Tuy nhiên, trái thốt nốt không có nước bên trong như dừa, khi muốn ăn phải bổ ra lấy phần thịt mềm mịn bên trong.
Thốt nốt mọc nhiều ở các tỉnh giáp biên giới như An Giang, Kiên Giang và gắn bó mật thiết với cuộc sống đồng bào dân tộc Khmer. Tên gọi “thốt nốt” có nguồn gốc từ tiếng Khmer là “th’not”, dân địa phương đôi khi đọc trại ra thành thốt lốt.
Tất cả những bộ phận của cây thốt nốt đều được bà con tận dụng, từ thân tới lá, quả. Vào mùa khô, khi những mảnh ruộng bắt đầu thời gian ngơi nghỉ thì người dân nơi đây lại sống dựa vào nguồn thu từ cây thốt nốt. Có nhà làm nghề thu lấy trái, cũng có hộ thu nước nấu đường, làm bánh...
Dù nguồn lợi không quá khấm khá nhưng nhiều gia đình vẫn giữ nghề gia truyền, làm kế sinh nhai từ loài cây đa chức năng này.
Thời vụ khai thác nước và nấu đường thốt nốt thường bắt đầu từ tháng 11 kéo dài đến khoảng tháng 5 (âm lịch) năm sau. Vào thời điểm này, nước thốt nốt rất ngọt, sản lượng đường thu được sau khi nấu cũng nhiều hơn. Nước thốt nốt được thu hoạch từ sáng sớm.
Thời điểm thu hoạch, trên những ngọn đồi thốt nốt vang vọng tiếng người lấy trái trên đọt cây cao hàng chục mét, tiếng dao vỗ vào những lớp vỏ thốt nốt thô cứng, tạo ra thứ âm thanh mộc mạc, giản dị.
Nước thốt nốt sau khi lấy xuống được lọc qua miếng màng mỏng cho sạch bông và côn trùng, sau đó cho vào chảo lớn, trung bình 8 lít nước phải nấu khoảng 6-7 tiếng mới cô đặc lại thành một mẻ đường.
Đường thốt nốt cô đặc từ nước thốt nốt vẫn giữ vị ngọt dịu, được đóng thành bánh tròn nhỏ hoặc chứa trong hũ. Người sành ăn thường chọn loại đường màu ngả vàng nâu vì vẫn giữ được vị tự nhiên, còn đường thốt nốt nếu màu trắng là đã qua tinh chế.
Những đứa trẻ theo cha mẹ làm nghề thu hoạch thốt nốt chỉ tầm mười tuổi đã có thể phân biệt được trái non hay trái già, hạt nằm phía bên nào để canh chặt không bị phạm.
Đến mùa mưa, thân thốt nốt trơn trượt, việc leo cây thu hoạch trái vất vả hơn rất nhiều. Nên cứ từ tháng 6 trở đi, giá thốt nốt cao hơn những tháng nắng.
Để có ly nước thốt nốt, người dân phải cất công đặt ống nứa vào những cuống hoa từ đêm tới sáng mai mới cho ra được thứ dịch thơm nồng.
Dùng chung với cơm thốt nốt và đá lạnh sẽ cho ra hương vị thơm ngon lạ lùng khó quên. Nước thốt nốt hoà nhập vào cơm thốt nốt thành món đồ ăn mềm dai và ngọt không thể tả. Nước thơm như mùi hoa rừng, mát lạnh và tinh khiết, cơm giòn mềm dai như cơm dừa nước.
Nước để lâu lên men sẽ bị chua người dân còn sáng tạo thành một loại rượu có hương vị vô cùng đặc biệt. Đối với trái thốt nốt chín, người ta lấy cơm (thịt, cùi) đã già giã nhuyễn chắt lấy nước trộn cùng bột gạo và đường thốt nốt làm bánh bò.
Bánh bò thốt nốt khi hấp chín có màu vàng nâu và xốp nhẹ. Bánh bò thốt nốt nổi tiếng nhất là của người Chăm vùng Tân Châu, Châu Giang (An Giang).
Được kết tinh từ sự lao động cần cù và tâm huyết của cư dân, từ một loại hương vị dân dã nơi chái bếp ngày nào, giờ đây đặc sản từ cây thốt nốt trở nên quen thuộc với du khách gần xa, là một món quà quê thơm thảo, nhưng thấm đẫm nghĩa tình của quê hương xứ sở./.
Theo Cà Mau
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin