Ngoại tôi có thói quen ra thăm vườn vào mỗi buổi sáng. Người già mà, ở không chịu chẳng được, phải làm gì đó để giãn gân giãn cốt. Vì vậy mà cứ mới hừng đông là bà đã cắp rổ khom lưng đi ra vườn.
Ngoại tôi có thói quen ra thăm vườn vào mỗi buổi sáng. Người già mà, ở không chịu chẳng được, phải làm gì đó để giãn gân giãn cốt. Vì vậy mà cứ mới hừng đông là bà đã cắp rổ khom lưng đi ra vườn.
Ngoại ngồi nhổ cỏ trong những bồn cây ăn quả cho sạch, sau đó thì vun đất, bón phân hữu cơ dưới gốc cây. Lẽ ra việc này do cậu mợ tôi làm. Nhưng công chuyện đồng áng quá bận rộn nên chừng nửa tháng cậu mợ mới dọn cỏ một lần.
Vậy mà cỏ chưa kịp nhú lá non là ngoại đã nhanh tay nhổ sạch. Có khi ngoài vườn chẳng còn cọng cỏ, đống rác nào ngoại vẫn cứ ra. Thói quen cố hữu của người già là vậy.
Ngoại nhổ cỏ bỏ nhưng chừa lại rau. Những đọt rau non được ngoại hái tỉ mẩn rồi cho vào rổ tre. Có những loài rau dại không tên, ngoại vẫn hái vì biết chắc ăn được và ăn rất ngon nữa là đằng khác.
Vì vậy lúc nào nhà cậu cũng có món canh trên bàn. Khi thì canh rau dền, lúc canh dây bình bát, lúc rau má, có khi là canh rau tập tàng (tổng hợp nhiều loại rau). Nhớ nhất là những lần về thăm ngoại, ngoại đều nấu cho tôi món canh rau tập tàng với đầu cá lóc.
Ngoại trêu tôi: “Món này chỉ có khách quý ngoại mới đãi à nha”. Đoạn ngoại bảo tôi chở ngoại ra chợ mua đầu cá lóc nuôi. “Món này phải nấu với đầu cá lóc nuôi mới ngon, cháu ạ!”- ngoại nhẹ nhàng nói thế. Rồi ngoại giải thích, sở dĩ đầu cá lóc nuôi ngon vì to, béo, ngọt (nhưng phần mình của cá lóc nuôi lại thua cá lóc đồng).
Khi đầu cá được mua về, ngoại làm sạch, để lại ruột (ruột cá lóc nuôi ăn rất giòn). Muối được xát thật nhiều vào cá cho biến đi chất tanh, do cá nuôi ăn thức ăn nên rất tanh. Rồi ngoại đem rổ rau đã hái ngoài vườn khi sáng đi rửa cho sạch bụi.
Rau ngoại hái dù gầy guộc, ốm yếu nhưng lại rất an toàn vì không thuốc trừ sâu, không hóa chất. Trong thời gian này, tôi được ngoại giao nhiệm vụ bắc nồi nước lọc nấu. Khi nước đã sôi, ngoại thả đầu cá lóc vào và tiếp tục nấu cho đến khi cá chín. Giờ thì ngoại cho rau vào, nêm nước mắm, bột ngọt, muối cho vừa miệng rồi tắt bếp.
Rau mau mềm nên ngoại không để lâu sợ mất chất giòn. Vả lại khi cậu mợ ngoài đồng về còn phải hâm lần nữa (canh nóng ăn mới ngon) nên rau chỉ gặp nước sôi là phải nhắc nồi xuống ngay.
Tầm 11 giờ cậu mợ lấm lem bùn đất bước vào nhà, ngoại nhanh tay đi hâm canh cho nóng hổi. Bữa cơm được dọn ra nhẹ nhàng đơn giản. Chỉ mấy món và mấy thành viên thôi nhưng thật vui vẻ, ấm cúng.
Canh rau tập tàng rất ngọt, giòn nên ngoại nấu đến hai rổ vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của cả nhà. Dùng đũa gắp một miếng ruột cá chấm với nước mắm trong nguyên chất (hoặc nước mắm nhĩ), độ giòn, ngọt của nó làm tôi không muốn buông đũa.
Biết ý, cậu bảo: “Người nhà không hà, con khách sáo làm gì? Cứ ăn cho no đi”. Như mở cờ trong bụng, tôi nhanh nhẩu gắp nguyên cái ruột cá cho vào chén. “Nếu thấy ngon, thấy thích thì cứ ghé thăm ngoại thường xuyên đi, ngoại nấu cho mà ăn. Chứ ở nhà, cha mẹ mày đi suốt ngày, bắt ăn cơm tiệm hoài sao mà ngon được”- ngoại nói như ra lệnh.
Tôi gật đầu, vâng dạ lia lịa chứ đâu thể về thăm ngoại hoài được. Việc học ở ngành nông lâm đã chiếm gần hết thời gian rồi. Nhiều lúc đến những miền xa, ngồi ăn đĩa cơm “bụi” nhạt thếch mà nhớ làm sao món canh rau “thần thánh” của ngoại. Chỉ việc nghĩ đến thôi đã muốn chạy về ngay bên vòng tay gầy guộc của ngoại yêu.
Bài, ảnh: ĐẶNG TRUNG CÔNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin