Thời kháng chiến chống Pháp, để tránh lùng sục của bọn giặc, Ban Mặt trận Liên Việt Sóc Trăng bí mật dời về khu căn cứ ở Búng Tàu – tiếp giáp xã Châu Hưng, Mỹ Tú (Sóc Trăng) với sông Ngã Bảy, Phụng Hiệp (Hậu Giang) ngày nay.
Thời kháng chiến chống Pháp, để tránh lùng sục của bọn giặc, Ban Mặt trận Liên Việt Sóc Trăng bí mật dời về khu căn cứ ở Búng Tàu – tiếp giáp xã Châu Hưng, Mỹ Tú (Sóc Trăng) với sông Ngã Bảy, Phụng Hiệp (Hậu Giang) ngày nay.
Đây là vùng đất hoang sơ, um tùm lau sậy với cảnh "chim trời cá nước" bao la. Dựng cơ quan xong, thấy đời sống anh em khó khăn, thiếu thốn đủ bề, anh Hai Khuynh, tức đồng chí Nguyễn Văn Khuynh - nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng TX.
Sóc Trăng năm 1945 vận động anh em xin gia đình mua ngư cụ gởi về "cứ" để đánh bắt tôm cá, cải thiện đời sống, tạo kinh phí hoạt động cho cơ quan.
"Lúc đó xứ này cá tôm nhiều vô kể. Mình chỉ cần buộc thòng lọng vào cổ tay, quăng mồi xuống lung đìa, gặp cá lóc bông cỡ vài ba ký táp mồi, giựt câu là mình muốn té chúi nhủi. Mình bủa chài, giăng lưới thì cũng ê hề tôm cá nhảy soi sói…".
Nhờ vậy mà anh em tự túc đổi thêm gạo, muối, đường… Cá nhiều ăn không hết, cơ quan còn để dành làm mắm ăn lâu dài.
"Con mắm trở" như món đặc sản trong thời kháng chiến. |
Có một dịp các má vô thăm, mọi người trong cơ quan rất mừng rỡ. Anh em định nấu mắm kho cá lóc bông, chấm rau đồng để liên hoan vui vẻ. Nhưng khi giở lu mắm sặc ra thì con mắm xanh dờn, bốc mùi khó chịu, do cá ướp ít muối quá nên bị "ươn".
Nhìn thấy đám đực rựa mặt mày bí xị, buồn xo, các má cười lớn mắng yêu: "Tổ cha tụi bây! Làm ăn sống nhăn như vậy coi chừng ế vợ nghe con! Thôi tụi bây chịu khó chạy ra ngoài lung lùa đại mớ đọt rau muống rồi đem muối, đường lại đây để má giúp cho.
Coi mắm trở hôi như vậy, "sửa bài" lại có khi đám con gái ăn thấy còn ngon, còn ghiền hơn mắm chợ nghe mậy?!".
Nghe các má an ủi ngọt ngào tâm lý như vậy, anh nào anh nấy đều hăm hở chạy như "ba cào", hy vọng lấy lòng các "mẹ vợ" tương lai.
Sau đó, lu mắm sặc được các má giở ra, chao lại với đường, muối, trộn với đọt rau muống bóp dập rồi cho vào lu đậy kín cỡ tuần lễ.
Lúc mở ra thì lu mắm thơm lừng, nước và con mắm sặc đỏ au nhờ nước đường mật và chất mủ của đọt rau muống non biến hóa thành "đặc sản".
Đặc biệt ngon nhất khi ăn mắm sống với cơm nguội. Nó ngon nhờ con mắm trở càng thêm "chín" ngấu mặn mòi, cộng thêm mớ đọt rau muống độn thành chất bổi nhai giòn rụm, tạo nên một hương vị khó tả, thơm, mặn, giòn, ngọt… ngon nhớ đời, so với cách ăn mắm sống thông thường.
Nhắc kỷ niệm về "con mắm trở" như món đặc sản trong thời kháng chiến, để con cháu chúng ta càng thấm thía sự hy sinh chịu đựng gian khổ của cha ông ngày xưa.
Càng yêu quý tình cảm, kinh nghiệm cuộc sống của các bà mẹ Việt Nam anh hùng đã góp phần hiệu quả vào cuộc chiến tranh nhân dân trường kỳ kháng chiến của dân tộc để giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc và xây dựng xã hội văn minh, giàu đẹp ngày nay.
Theo Báo Sóc Trăng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin