Theo y học cổ truyền, le le là loài động vật sống ngoài thiên nhiên. Thịt le le rất bổ dưỡng, vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng ích khí, tiêu thực, ăn nhiều có lợi cho sức khỏe. Còn lá lốt thì theo GS.TS. Đỗ Tất Lợi là loại thảo dược có tính năng trị tê thấp, đau nhức xương. Chính vì vậy mà trong kho tàng văn hóa ẩm thực dân gian, ông cha ta đã có câu:
Le le cuốn lá lốt, ốp lá bạc hà trước khi đem nướng. |
Theo y học cổ truyền, le le là loài động vật sống ngoài thiên nhiên. Thịt le le rất bổ dưỡng, vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng ích khí, tiêu thực, ăn nhiều có lợi cho sức khỏe. Còn lá lốt thì theo GS.TS. Đỗ Tất Lợi là loại thảo dược có tính năng trị tê thấp, đau nhức xương. Chính vì vậy mà trong kho tàng văn hóa ẩm thực dân gian, ông cha ta đã có câu:
Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông bí nấu chè hạt sen.(*)
Trong hành trình tìm về gia vị Việt, một quán ăn ở miền Tây Nam Bộ đã không ngừng sáng tạo và thường xuyên thay đổi thực đơn cho du khách. Trong đó, món le le cuốn lá lốt nướng trên bếp than hồng đã làm cho nhiều thực khách ngưỡng mộ.
Cách làm món này rất kỳ công. Trước hết đầu bếp phải tìm cho được những con le le tươi sống hoặc làm sẵn (loại le le nuôi trong chuồng trại) đem về làm sạch, chọn lấy thịt bằm cho thật nhuyễn, trộn đều với nấm rơm, bún tàu và các loại gia vị như muối, đường, bột ngọt, bột nêm, tiêu, hành, tỏi, ớt...
Tiếp theo dùng lá lốt trải ra, xúc một muỗng thịt cho vào rồi cuộn lại. Sau đó dùng một que tre xiên qua từng cuộn để giữ chặt không rời ra. Công đoạn kế tiếp là dùng lá bạc hà và lá sen gói tất cả các que thịt lại thành nhiều lớp trước khi đem nướng độ 30 phút. Đợi đến khi nào các lớp lá bên ngoài cháy xém, mùi thơm bốc lên thơm phức là thịt đã chín.
Cách làm này được các đầu bếp dựa vào cách nướng cổ truyền mà ông cha ta đã từng trải nghiệm, tuyệt đối không sử dụng hóa chất và màu công nghệ nên thịt có vị ngọt đậm đà, tự nhiên, ngon và lành.
Làn khói từ những tấm lá bạc hà, lá sen cháy xém, quyện vào nhau, lan tỏa, quấn quýt như ẩn chứa bao điều thú vị. Đặc biệt lá lốt không chỉ là món rau mà còn là vị thuốc chống đau lưng, nhức mỏi.
Trước khi thưởng thức, thực khách gỡ bỏ các lớp lá cháy bên ngoài, giữ lại chiếc lá lốt còn nguyên trước khi cho vào dĩa.
Mùi thịt nướng hòa quyện với mùi lá lốt, lá sen và lá bạc hà đi kèm với gia vị tạo thành một thứ hương vị nồng nàn lan tỏa khiến cho người ăn có cảm giác lâng lâng khó tả. Chính những món ăn phối hợp với nhiều nguyên liệu xanh, sạch từ “cây nhà lá vườn” đã tạo nên sức quyến rũ và ngày càng níu chân du khách.
Có thể nói đây là món ăn chế biến thật công phu, tỉ mẩn từ khâu chọn nguyên liệu, ướp thịt cho đến lúc cuốn, gói, nướng và đãi khách trên bàn tiệc. Đúng là một khám phá mới mẻ, sáng tạo, một thứ tinh hoa ẩm thực mang tính hào sảng của vùng đất phương Nam.
Món le le nướng lá lốt dùng làm món khai vị hoặc món ăn chính trong bàn tiệc đều là món hảo hạng, nhưng có lẽ tuyệt chiêu nhất là dành cho khách “lai rai”. Đặc sản le le nướng lá lốt ngon nhất là chấm với một loại nước chấm riêng được pha chế bằng nước mắm hòn với ớt hiểm xanh và lá chúc xắt nhuyễn, vượt hẳn nhiều món nước chấm khác.
(*) Có tài liệu ghi “bông lý, thiên lý”.
Bài, ảnh: THÀNH HIỆP
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin