Dồi nếp hương thảo quả thơm lừng cả bản Thái

10:07, 27/07/2019

Để chế biến món dồi nếp, dân bản bao giờ cũng chọn đoạn nõn đuôi (còn được gọi là khấu đuôi) làm vỏ nhồi chứ không dùng ruột trường. Nõn đuôi có lớp mỡ béo bám sẽ giúp tăng thêm độ ngậy, vừa mới cắn chạm răng là đã thấy ngầy ngậy ngon miệng.

Để chế biến món dồi nếp, dân bản bao giờ cũng chọn đoạn nõn đuôi (còn được gọi là khấu đuôi) làm vỏ nhồi chứ không dùng ruột trường. Nõn đuôi có lớp mỡ béo bám sẽ giúp tăng thêm độ ngậy, vừa mới cắn chạm răng là đã thấy ngầy ngậy ngon miệng.

Món dồi nếp hương thảo quả và nước chấm làm từ quả mã có
Món dồi nếp hương thảo quả và nước chấm làm từ quả mã có

Không phải ai cũng từng được thưởng thức món dồi nếp đậm nồng hương thảo quả bởi chỉ dân bản người Thái mới hay chế biến món dồi nếp thơm nức chật cả không gian bếp này. 

Nhà nào có dịp mổ lợn nếu biếng ngại không làm món dồi nếp, đến khi ngồi vào mâm nhắp rượu khai bữa rồi, trước mặt dù bày nhiều món thì vẫn cảm thấy thiêu thiếu một thứ gì đó.

Chuẩn bị nhân để nhồi món dồi nếp cũng khá giống món dồi trường, gồm có bổi thịt băm, tiết hãm, một số loại rau thơm, song khác đặc biệt ở chỗ là được cho thêm gạo nếp và thảo quả tạo hương vị. Gạo nếp trộn làm nhân phải được ngâm nước ấm trước vài tiếng đồng hồ.

Những ai từng biết về gia vị đặc sản mák khén của miền rừng chắc sẽ hơi ngạc nhiên. Sao không bỏ mák khén vào món dồi nếp mà lại dùng thảo quả nhỉ? 

Lý do đơn giản thôi, bởi hương thảo quả thơm mạnh hơn hương mák khén, thôi thúc hơn hương mák khén.

Mỗi khi dùng làm phụ gia cho món ăn thì hương thảo quả luôn thơm nồng nã, bật dậy sấn thẳng vào khứu giác con người ta, buộc con người ta phải chú ý tới món ăn chứa thứ hương đang tỏa bung tở mở, khiến con người ta cứ thế đứng ngây ra mà nuốt ực cơn thèm… 

Vậy nên khi ứng vào món dồi nếp, hương thảo quả kết hợp với hương rau gia vị, cùng hương nếp thơm sẽ giúp món dồi nếp rất đỗi bình thường trở thành món hấp dẫn đáng để thưởng thức hương vị.

Sẽ là thiếu nếu chỉ kể về mùi hương thảo quả mà quên đi vai trò của hạt gạo nếp trong món này. 

Chính vị ngọt dền dẻo của hạt gạo nếp đã góp phần tăng thêm độ ngon lạ cho món ăn, giúp món này này không đơn giản chỉ là dồi nữa mà còn khiến người ăn liên tưởng tới món bánh chưng gù vẫn được dân bản Thái gói trong dịp Tết. 

Có điều, hạt gạo nếp không còn phủ bao quanh nhân mà đã được trộn hòa đều cùng với nhân làm nên món dồi nếp đậm hương thảo quả.

Để có được món dồi nếp ngon thì khi luộc phải kỹ cho dền dẻo hạt nếp. Nếu bên trong hạt nếp còn chút sượng thì món ngon bỗng trở thành món dở.

Luộc xong dồi nếp, nước xuýt sẽ được tận dụng luôn làm canh. Người đứng bếp chỉ việc thái chút hành lá rắc vào là đã có bát canh trôi cơm, giã rượu. 

Thực ra, nêm thêm hành lá chủ yếu là để điểm xuyết xanh cho bát canh nhìn ngon mắt, chứ nước xuýt đã thơm luếnh loáng hương thảo quả rồi thì cần gì tới mùi vị của hành nữa.

Vào những buổi trời lạnh, thật sự thú vị khi được ăn món dồi nếp nóng hổi, vị thảo quả ấm sực từ đỉnh tóc cho tới đầu mút ngón chân. 

Nếu bạn là người mê ẩm thực, thích khám phá văn hóa ẩm thực thì nên một lần rong du về thăm bản Thái, tìm gặp ai đó giỏi nấu nướng, nhờ họ ra chợ mua nguyên liệu, và sau đó chỉ cho bạn cách chế biến món dồi nếp hương thảo quả để cùng thưởng nếm và chiêm nghiệm.

Theo TTO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh