Bùi bùi củ ấu

07:07, 02/07/2019

Nếu có dịp đi ngang Vĩnh Long (trên con đường tránh thành phố, đoạn từ cầu Tân Hưng đến cầu Tân An) thì người đi đường không khỏi bị thu hút bởi những túp lều nhỏ nối tiếp nhau trên lề đường, cạnh bên có những chiếc nồi to đùng đang bốc hơi nghi ngút. 

Nếu có dịp đi ngang Vĩnh Long (trên con đường tránh thành phố, đoạn từ cầu Tân Hưng đến cầu Tân An) thì người đi đường không khỏi bị thu hút bởi những túp lều nhỏ nối tiếp nhau trên lề đường, cạnh bên có những chiếc nồi to đùng đang bốc hơi nghi ngút.

Đó là những “gian hàng” bán ấu luộc. Một bịch ấu luộc giá mười ngàn nhưng sẽ đủ làm vui miệng những ai đang trên chuyến xe đường dài. Hoặc khách gần- khách xa, dừng xe ghé lại mua vài bịch ấu mang về làm quà cho tụi nhỏ rồi cả nhà cùng quây quần cắn cắn, gỡ gỡ cũng hay.

Ấu là món ăn vặt dân dã nhưng được nhiều người yêu thích. Bởi, bên trong lớp vỏ đen đúa, xấu xí là “phần thịt” trắng phao bùi bùi, ngọt ngọt. Thế nên dân gian mới có câu: “Thân em như củ ấu gai/ Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen/ Ai ơi nếm thử mà xem/ Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi”.

Thật vậy, nếu ai mới lần đầu có ý định thưởng thức củ ấu hẳn sẽ phần nào giảm đi sự háo hức bởi cái hình dáng kỳ dị gây khó khi ăn mà còn phủ bên ngoài lớp vỏ đen nhẻm hễ chạm vào là bẩn tay nữa chứ!

Thế nhưng một khi đã ăn rồi ai cũng muốn ăn tiếp vì trời đã phú cho ấu đặc tính càng ăn càng ngọt, càng nhai càng bùi và đã “cắn” thì cứ “mắt ngây”. Còn nhớ, khi tôi còn bé, ngoài mê hương vị của ấu, đám trẻ gái chúng tôi còn thích cả vỏ ấu. Từ vỏ ấu, chúng tôi móc vào các ngón tay làm thành những bàn tay của “hồ ly tinh” rượt “trả thù” bọn con trai rắn mắt cứ hay chọc ghẹo lũ con gái. Mùa ấu, chiều chiều cả xóm quây quần bên những rổ ấu luộc.

Người lớn sau một ngày đồng áng, ruộng vườn thì đây là phút thảnh thơi nhấp ngụm trà, nhẩn nha củ ấu, thăm nom, chuyện vãn. Còn trẻ con thì thỏa sức cười đùa vang dậy xóm làng. Thấy bọn con gái chúng tôi đuổi không kịp, bọn con trai liền giơ lên những chiếc sáo bằng vỏ ấu huýt huýt như thách thức: “Tôi ở đây này! Rượt đi… Rượt đi…”. Mùa ấu về xóm làng thiệt vui.

Thế mới thấy củ ấu đã thân quen với chúng ta như củ khoai, trái bắp vậy! Từ xa xưa, hình tượng củ ấu đã được dùng để ví von: “Thương nhau củ ấu cũng tròn/ Ghét nhau trái bồ hòn cũng méo”.

Đã “thương” thì vẻ bên ngoài không quan trọng. Và, đôi khi chính những điểm “chưa tròn” lại làm nên nét đẹp riêng của mỗi người giống như một nốt ruồi duyên hay một chiếc răng khểnh chẳng hạn. Củ ấu có đen đúa, hình dạng có dị kỳ nhưng hẳn là điểm hấp dẫn đối với trẻ con và là điều thách thức đối với người lớn: tôi xấu nhưng tôi rất ngon. Vậy nên, khi ăn ấu không phải để no mà là để thưởng thức.

Ăn chậm rãi, cẩn thận mới cảm nhận trọn vẹn vị tinh túy trong từng củ ấu. Ta có thể dùng răng cắn hoặc lấy dao để tách ấu ra. Chỉ cần tránh để gai ấu đụng vào nướu hay lưỡi là được. Và, việc cần làm là sau khi ăn xong phải gom vỏ ấu bởi gai ấu khô đâm vào chân tay rất đau nhức.

Từ vị ngon của ấu cộng với theo Đông y, ấu có tác dụng mát, tính bình, chứa nhiều dinh dưỡng, tinh bột, có tác dụng chữa một số bệnh về tiêu hóa, dạ dày, người dùng đã sáng tạo thêm nhiều món ngon từ ấu như chè củ ấu, ấu hầm xương,...

Cứ mỗi lần có dịp đi ngang con đường tránh TP Vĩnh Long hay thi thoảng bắt gặp những bà, những chị quảy gánh hàng rong bán ấu luộc là tôi tranh thủ mua. Cầm củ ấu trên tay, tôi nghe sống dậy cả bầu trời tuổi thơ của những đứa trẻ miền sông nước. Ước gì mình vẫn là một đứa trẻ để được mẹ dắt tay ra chợ trong mùa ấu vui rộn ràng.

Bài, ảnh: DIỄM KIỀU

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh