Bánh xèo núi Cấm có rau ăn kèm thật phong phú, ưu điểm là rau xanh thiên nhiên non mơn mởn, thơm nồng nàn, cay ngọt, hăng hắc như: kim thất, sung, sộp, quỷnh, bứa, mã đề, hồng ngọc, cát lồi... quyến rũ thực khách.
Bánh xèo núi Cấm có rau ăn kèm thật phong phú, ưu điểm là rau xanh thiên nhiên non mơn mởn, thơm nồng nàn, cay ngọt, hăng hắc như: kim thất, sung, sộp, quỷnh, bứa, mã đề, hồng ngọc, cát lồi... quyến rũ thực khách.
Bánh xèo núi Cấm với nhiều loại rau |
Với vẻ đặc thù huyền bí tâm linh của núi Cấm (An Giang), du khách tham quan vẻ đẹp hùng vĩ, phong cảnh hữu tình, khí hậu trong lành mát mẻ, với nhiều danh lam thắng cảnh như chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lạc, hồ Thủy Tiên, chùa Vạn Linh …
Ngoài ra, du khách được xem những hoạt động khoảng năm bảy chục người vào buổi sáng, đòn gánh trên vai nhóm chợ trên đỉnh núi hay lắng nghe mùi hương lẩn khuất đâu đó đưa bước chân ta ghé để thỏa mãn cái bụng đang cồn cào bằng món bánh xèo với rau rừng thơm ngon độc đáo của vùng núi Cấm.
Bánh xèo núi Cấm không biết có tự bao giờ, so ra rất khác lạ với bánh xèo đồng bằng. Gạo để làm bánh là gạo lúa Sóc, được ngâm và xay bằng cối đá, bột xay được để trong thau và dằn những tấm thớt nặng để ráo nước (bồng bột).
Dừa khô cũng được nạo bằng tay với cái bàn nạo mòn theo năm tháng, nghệ tươi đào ngoài vườn vắt nước trộn vào.
Món rau ăn kèm thật phong phú, ưu điểm là rau xanh thiên nhiên non mơn mởn, mùi thơm nồng nàn, cay ngọt, hăng hắc, quyến rũ thực khách yên tâm khi dùng nó mà không lo sợ ô nhiễm.
Nào rau càng cua, cải trời, kim thất, đinh lăng, mã đề, lá lốt, hồng ngọc, cát lồi… Có những lá cây phải leo hái để tăng thêm hấp dẫn cho món bánh xèo như sung, sộp, quỷnh, bứa, xoài, ngành ngạnh, đọt vừng, cốc rừng…
Nước mắm pha chế không chỉ ớt, tỏi, chanh, đường, dấm… để làm nước mắm chua ngọt. Vị chua ở đây được thay bằng trái " trúc" đặc trưng ở bản địa. Trái trúc bén duyên cùng nước chấm tạo mùi hương không gì thay thế được.
Để rồi thức chấm quyến rũ khách hàng, chút chua, chút ngọt, chút bùi, chút mặn, chút hăng, chút nồng… được chủ tiệm pha chế tỉ lệ rạch ròi để người sành ăn luôn vấn vương đầu lưỡi.
Hái rau ăn kèm với bánh xèo ở núi Cấm |
Bánh xèo núi Cấm nổi bật ở cái ngon từ những nguyên liệu thông thường để làm nên danh phận của nó. Nhờ thế không riêng gì tôi mà đa số du khách hành hương đến núi Cấm đều không quên ghé lại quán bánh xèo để thưởng thức món ăn hết sức gần gũi, mộc mạc, giản dị, đơn sơ.
Bột của bánh trộn đủ độ béo, độ mặn ngọt, bột không nhão, không khô, hương vị vừa béo bùi vừa đậm đà của gạo lúa Sóc.
Chiếc bánh mỏng, tròn đều bìa bánh giòn rụm mà bên trong vừa đậu xanh, mấy con tép tươi ngọt lịm, bánh vẫn mềm được biến tấu vừa đẹp vừa ngon. Cho lửa vừa, gấp đôi bánh và chờ khi bánh giòn hẳn, vàng đều cả hai mặt.
Bánh xèo ở đây có hai loại chay, mặn. Khi thưởng thức bánh xèo, cảnh tượng cực kỳ thú vị là nhiều du khách ăn bằng tay.
Xé miếng bánh để vào lòng bàn tay, thích loại rau nào cho vào cuốn lại để món ăn đạt đỉnh cao của sự hài hòa, nào chất bột, chất đạm, sinh tố… cuốn cho tròn, chấm nước chấm.
Khi ăn, tinh thần thư thái, hành động ung dung, nhẩn nha từng thứ một để tận hưởng cái đậm đà, ngon ngọt của miếng ăn hòa lẫn với gió rừng lồng lộng.
Bánh xèo núi Cấm giờ nổi tiếng khắp nơi, du khách nước ngoài đều biết và thưởng thức khi đến núi Cấm.
Mỗi lần ăn một miếng bánh xèo ở đâu đó, chúng tôi không thể nào quên hình ảnh chiếc bánh xèo bằng bột gạo lúa Sóc, màu nghệ vàng tươi, thức chấm với vị chua đậm đà của trái trúc, mùi thơm nồng nàn, hăng hắc của rau rừng, gợi nhắc cho ta nhớ món ăn vùng bán sơn địa mà không nơi nào có được.
Theo TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin