Từng một thời được xem là loài cây hoang dại, bồn bồn giờ đây đã "vươn mình" trở thành một loại đặc sản trứ danh của vùng Đất Mũi Cà Mau.
Từng một thời được xem là loài cây hoang dại, bồn bồn giờ đây đã “vươn mình” trở thành một loại đặc sản trứ danh của vùng Đất Mũi Cà Mau.
Những năm gần đây, nhờ loại đặc sản này, đời sống của nhiều hộ nông dân trở nên khá giả.
Huyện Cái Nước là địa phương có diện tích bồn bồn lớn của tỉnh Cà Mau với khoảng 90ha và hơn 150 hộ tham gia trồng; trong đó, tập trung nhiều ở xã Tân Hưng Đông với khoảng 60ha, năng suất khoảng 3 tấn/ha/năm.
Ông Nguyễn Phi Hùng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước cho biết, giờ đây, cây bồn bồn trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình tại địa phương.
Cây bồn bồn dễ sống và phát triển tốt ở vùng đất này, ít tốn công chăm sóc. Bồn bồn là loại cây trồng một lần và có thể thu hoạch tới mười mấy năm.
“Cây bồn bồn giờ đã trở thành đặc sản, nhu cầu của thị trường tăng cao theo từng năm. Không chỉ vào dịp lễ, Tết, cây bồn bồn mới hút hàng mà những ngày thường giá bồn bồn ổn định ở mức cao. Giá bồn bồn tươi hiện là 30.000 - 45.000 đồng/kg, dưa bồn bồn là 55.000 - 60.000 đồng/kg”, ông Nguyễn Phi Hùng, chia sẻ.
Với khoảng 6.500m2 diện tích đất dùng để trồng bồn bồn, gia đình anh Nguyễn Văn Nhân (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) trung bình có thu nhập từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày.
Anh Nhân cho biết, giờ đây, trồng cây bồn bồn là phương án sản xuất hiệu quả và bền vững, góp phần cải thiện điều kiện sống đối với nhiều gia đình tại địa phương.
Theo đánh giá Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước, những năm gần đây, việc trồng bồn bồn đem lại thu nhập khá cho người dân, với khoảng 100–120 triệu đồng/ha/năm.
Từ năm 2016, nhãn hiệu bồn bồn Cái Nước đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Theo đó, sản lượng bồn bồn tiêu thụ tăng lên rõ rệt, giá trị hàng hóa nâng cao.
Huyện Cái Nước đang xây dựng dự án nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả cây bồn bồn với diện tích 100ha. Ngoài thu nhập từ cây bồn bồn, người dân còn có thêm nguồn thu từ việc thả nuôi tôm càng xanh hay cá đồng kết hợp trên cùng diện tích đất.
Huyện Cái Nước hiện có 19 hợp tác xã đang hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, có 2 hợp tác xã là Cái Bát và Đông Hưng hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho các thành viên.
Hiện 2 hợp tác xã này được đối tác đặt hàng 4 tấn bồn bồn/tháng. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu nhỏ nên không đảm bảo đủ nguồn cung cấp cho thị trường, trong khi đó, tiềm năng phát triển diện tích loại cây này là rất lớn.
Phát huy tiềm năng của loại cây đặc sản này, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị chức năng rà soát kỹ hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, yêu cầu của thị trường đối với chất lượng, số lượng dưa bồn bồn.
Qua đó, tính toán, hỗ trợ hợp tác xã Cái Bát trong việc đầu tư cơ sở sản xuất, trang thiết bị, quy trình kỹ thuật chế biến, bảo quản, đóng gói sản phẩm, đăng kí nhãn hiệu… Bên cạnh đó, việc liên kết trồng tại các tỉnh lân cận, cải tiến kỹ thuật trồng được chú trọng.
Trong buổi làm việc với 2 hợp tác xã Cái Bát (xã Hòa Mỹ) và Đông Hưng (xã Tân Hưng Đông) của huyện Cái Nước, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau phải cụ thể hóa chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bằng dự án mở rộng vùng trồng bồn bồn phù hợp nhu cầu thị trường.
Quy trình kỹ thuật trồng cây bồn bồn chuyên canh, xen canh được hoàn thiện nhưng phải theo hướng hữu cơ. Trong trồng và tiêu thụ phải đi theo chuỗi và nghiên cứu sử dụng phụ phẩm cây bồn bồn để nâng giá trị loại cây này.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin