Bánh chưng- hương tết ấm nồng vị quê

12:02, 07/02/2019

Có thể nói ẩm thực tết của người miền Bắc đã được gói trọn vẹn trong mấy câu thơ trên. Thịt mỡ, dưa hành, đặc biệt là bánh chưng- món ăn không thể thiếu trong mấy ngày tết của người miền Bắc, "trước là để dâng ông bà tổ tiên, sau là để biếu tặng và mời khách khi có dịp đến chơi nhà".

 “Xuân về hoa cải nở vàng hoe.

Gạo nếp ngày xuân gói bánh chưng,

Cả đêm cuối Chạp nướng than hồng.

Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn,

Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông”

Có thể nói ẩm thực tết của người miền Bắc đã được gói trọn vẹn trong mấy câu thơ trên. Thịt mỡ, dưa hành, đặc biệt là bánh chưng- món ăn không thể thiếu trong mấy ngày tết của người miền Bắc, “trước là để dâng ông bà tổ tiên, sau là để biếu tặng và mời khách khi có dịp đến chơi nhà”.

Bánh chưng- món bánh không thể thiếu trong mấy ngày xuân của người miền Bắc.
Bánh chưng- món bánh không thể thiếu trong mấy ngày xuân của người miền Bắc.

Chính vì vậy mà dù đã xa quê hơn 30 năm, nhiều bà con ở “xóm Địa chất” (thuộc Tổ 23, ấp Tân Vĩnh Thuận, xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) vẫn giữ nguyên truyền thống gói bánh chưng vào dịp tết.

“28- 29 tết là nhà nào cũng gói, riết thành thông lệ rồi. Tùy nhà gói ít hay nhiều, nhà gói ít để cúng ông bà thì cứ mang sang góp với nhà khác”- cô Nguyễn Thị Tín vừa gói bánh chưng vừa vui vẻ cho hay. Năm nay nhà cô Tín cũng gói vài chục cái bánh chưng vì “tết của người Bắc là phải có cặp bánh chưng để trên bàn thờ, rồi còn biếu cho bạn bè mỗi người một cặp”.

Làm “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ, cô Tín dẫn tôi sang các nhà lân cận, tiếng nói cười cứ vang khắp xóm, xôm tụ vô cùng. Phụ nữ thì chuẩn bị nguyên liệu rồi gói bánh chưng, trai tráng cùng nhau khiêng củi nhóm lửa.

Được quây quần gói bánh bên nhau đã phần nào làm kết chặt thêm tình làng nghĩa xóm ở nơi đây.
Được quây quần gói bánh bên nhau đã phần nào làm kết chặt thêm tình làng nghĩa xóm ở nơi đây.

Gia đình bác Đinh Xuân Át là một trong những hộ vào Vĩnh Long sinh sống đã hơn 40 năm, thế nhưng bác vẫn dạy bảo các con của mình giữ đúng tục lệ của người dân Ninh Bình và cùng gói bánh chưng vào mỗi dịp tết đến xuân về.

“5 năm tôi mới về quê một lần để viếng tổ tiên, thăm họ hàng bà con ngoài đó. Đón tết trong Nam cũng vui nhưng vẫn thấy nhớ quê. Gói bánh chưng cho nó có hương vị quê cũng thấy ấm áp”- bác Át tay khéo léo gói bánh rồi tươi cười bảo.

Để có được chiếc bánh chưng ngon đòi hỏi rất nhiều sự tinh tế, tỉ mỉ và khéo léo của người gói. Sự kết hợp từ vị thơm của gạo nếp, vị ngọt bùi của đậu xanh đã đãi vỏ, vị béo của thịt mỡ, vị cay nhè nhẹ của hạt tiêu đã mang đến một chiếc bánh chưng trọn vị, được gói ghém vuông vức trong những chiếc lá dong.

Cô Bùi Thị Lá vào Nam công tác từ năm 1980. Khi về hưu cô dành nhiều thời gian cho gia đình, thế nhưng cô vẫn về thăm Hà Nội mỗi khi có việc cần.

Năm nay cũng vậy, trước tết 1 tháng, cô Lá đã trở về Hà Nội, dù không đón tết ở quê nhưng bao kỷ niệm về Tết cổ truyền bên nồi bánh chưng trong cái giá lạnh của miền Bắc vẫn còn vẹn nguyên.

“Trời rét đến mức nào không biết, nhưng chỉ cần ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, bao nhiêu cái lạnh cũng chẳng thể đến gần”- cô Lá tâm sự.

Chiều hôm trước ngày gói bánh, nhà cô Lá cũng như nhiều bà con khác đã phải đi mua đậu, gạo nếp, lá dong, dây lạt. Đến khuya, cô lại tất tả ra chợ chọn mua thịt mỡ về sơ chế ướp gia vị, rồi vo gạo nếp.

“Làm sớm vậy để gói cho sớm, tại thời gian nấu mất đến 12 tiếng thì bánh mới chín ngon được”- chị Nguyễn Thị Hương gốc người Hà Giang cho biết.

Việc duy trì gói bánh chưng vào ngày tết đã góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Việc duy trì gói bánh chưng vào ngày tết đã góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Năm nay nhà cô Đặng Thị Lan chỉ gói ít bánh để cúng nên cô mua nguyên liệu sang góp với nhà Lê Huy Trạch cùng gói bánh. “Xóm này hồi nào cũng vậy, thân thích với nhau lắm.

Toàn là dân xa quê nên thương quý nhau. Hễ gói ít thì nhiều nhà góp lại cùng gói, cùng nhau thức canh nồi bánh rồi uống chè rồi tâm sự nhắc nhớ kỷ niệm hồi ở ngoài Bắc, nhờ vậy mà tình làng nghĩa xóm khăng khít hơn”- chú Trạch phấn khởi cho biết.

Theo đà phát triển của kinh tế- xã hội, mâm cỗ ngày tết cũng trở nên đa dạng hơn song nhiều mâm cơm vẫn giữ được những nét văn hóa cổ truyền, đậm đà bản sắc dân tộc, giữ được trọn cái ấm áp quen thuộc tưởng như đánh rớt đâu đó giữa dòng chảy hiện đại.

Hơn ai hết, với những người xa quê, cứ mỗi khi nhìn thấy màu xanh của bánh chưng, màu đỏ của xôi gấc, màu tinh tươm của khoanh giò… là lại thấy ấm lòng đến lạ.l

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh