Càng gần cuối năm, 24 giờ trôi qua thoăn thoắt. Đầu tuần, nào việc cơ quan, công ty, xí nghiệp,… Cuối tuần, nhà nhà lại rộn ràng lau chùi, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón xuân sang.
Càng gần cuối năm, 24 giờ trôi qua thoăn thoắt. Đầu tuần, nào việc cơ quan, công ty, xí nghiệp,… Cuối tuần, nhà nhà lại rộn ràng lau chùi, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón xuân sang.
Bận bịu là vậy nhưng đâu đâu cũng rộn rã tiếng cười. Phố những ngày này không còn những buổi ngủ trưa im phăng phắc nên khi có một sề bánh bò, bánh chuối, bánh bèo,… của những bà, những chị bưng ngang là nhà nhà lại gọi nhau mang chén, mang dĩa ra.
Dì Bảy bảo: “Hôm nay dì bán lẹ hơn mọi ngày. Mới đi tới đây mà bán hết phân nửa rồi. Chắc tại hôm nay là chủ nhật nên có nhiều người ở nhà”. Vừa nói, dì Bảy vừa thoăn thoắt đôi tay cho bánh vào dĩa theo sự lựa chọn của khách. Niềm vui hiện rõ qua nụ cười của người phụ nữ đã gần cả đời người gắn bó với sề bánh dân gian.
Dì Bảy mừng vì hôm nay chắc sẽ bán hết sớm, còn phố vui vì phố trưa nay rôm rả những câu chuyện, những lời bình của những người vốn đã chọn cho mình cuộc sống gắn liền với phố nhưng tuổi thơ là những ngày quấn quýt theo bà, theo mẹ học làm bánh dân gian.
Sề bánh của dì Bảy cũng như bao sề bánh khác. Nào là bánh bò, bánh chuối, bánh lá, bánh bèo nhưng nổi bật hơn cả là bánh tằm khoai mì bởi có sự kết hợp bắt mắt của nhiều màu sắc trong cùng một loại bánh.
Đó là màu vàng nhẹ đặc trưng của khoai mì, đỏ của củ dền, xanh của lá dứa và tím của lá cẩm. Tất cả được lăn điểm bên ngoài là màu trắng của cơm dừa rám nạo. Mỗi một loại bánh dân gian đều có một đặc trưng riêng. Bánh nào cũng ngon, cũng cần bàn tay khéo léo, tỉ mẩn của người phụ nữ nhưng kỳ công nhất có lẽ là bánh tằm khoai mì.
Ngày trước, để làm bánh tằm khoai mì cho chúng tôi, mẹ phải chọn khoai ngon và lột vỏ ngâm từ chiều hôm trước. Sáng hôm sau, mẹ rửa khoai sạch rồi mài nhuyễn, vắt ráo. Để cho bánh có nhiều màu sắc, mẹ chia khoai ra làm ba phần.
Một phần hóa màu xanh của lá dứa, được làm bằng cách xay lá dứa rồi lọc lấy nước; một phần mang màu đỏ của nước củ dền và phần còn lại là màu vàng nhẹ tự nhiên của khoai mì. Kế tiếp, mẹ cho vào mỗi phần ít đường, nước cốt dừa, trộn đều đạt độ hơi sền sệt là được, vì nếu bột khô quá bánh sẽ bị cứng không ngon.
Mỗi phần bột, mẹ dàn đều vào một xửng riêng hấp chừng 10 phút, khi thấy bột trong là bánh đã chín. Bánh chín, chờ nguội, mẹ cắt thành từng sợi dài vừa ăn, rồi lăn qua dừa rám nạo để dừa bám đều lên bánh, rắc lên một ít mè rang là có thể thưởng thúc.
Bánh tằm khoai mì hẳn đã gắn liền với ký ức tuổi thơ của rất nhiều người. Từng cọng bánh mang đặc trưng dai dai, bùi bùi của khoai mì bào, hấp, thoang thoảng mùi thơm của lá dứa, béo béo vị béo của dừa. Tất cả được gói gọn trong hai từ: độc đáo và hấp dẫn.
Sống ở phố, thời hiện đại, thế giới ẩm thực vô cùng phong phú và đa dạng. Muốn ăn mì Ý, món Thái, món Trung, món Hàn,… chỉ cần bỏ công đến quán ăn, nhà hàng đợi năm, mười phút là có ngay.
Còn đặc sản vùng miền thì hình như đã không còn khoảng cách về không gian và địa lý. Nhưng đôi khi sự lai căng, biến tấu lại không làm ưng bụng một số người.
Duy chỉ có bánh dân gian là mãi tròn vị trong lòng người thưởng thức. Mỗi một loại bánh dân gian tuy không đòi hỏi nguyên liệu cao sang, đắc đỏ nhưng lại mang một hồn cốt riêng nên thành ra dù trải qua bao thăng trầm bánh dân gian vẫn khẳng định được vị thế của mình trong lòng người tiêu dùng dù chỉ làm từ nguyên liệu cây nhà, lá vườn.
Tôi nhẩn nha từng cọng bánh tằm khoai mì mà mắt không quên dõi theo người phụ nữ đang địu bên hông sề bánh dân gian. Tôi thầm cảm ơn dì! Cảm ơn những con người vẫn nặng lòng với bánh dân gian- trong đó có bánh tằm khoai mì cực ngon.
Bài, ảnh: DIỄM KIỀU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin