Từ bến cảng Cửa Đại, thuyền rẽ sóng vượt biển đưa chúng tôi đến với đảo cù lao Chàm (TP Hội An- Quảng Nam) trong một ngày nắng hanh vàng. Tàu vừa cập bến cũng đúng lúc ánh chiều buông dần trên xứ đảo.
Nguyên liệu món dân dã, mới lạ: nộm bào ngư. |
Từ bến cảng Cửa Đại, thuyền rẽ sóng vượt biển đưa chúng tôi đến với đảo cù lao Chàm (TP Hội An- Quảng Nam) trong một ngày nắng hanh vàng. Tàu vừa cập bến cũng đúng lúc ánh chiều buông dần trên xứ đảo.
Chỉ mới vài bước theo chân chàng hướng dẫn viên thổ địa, tôi đã ấn tượng với những hàng quán bày bán nhiều loại đặc sản tươi sống. Những con mực, ốc, tôm đang cựa quậy... và cả những thau bào ngư được người dân bày sẵn nơi góc chợ.
Cù lao Chàm quanh năm có nhiều loại hải sản tươi sống, đa dạng. Riêng độ tháng 4, tháng 5, khách du lịch đến đây thường hỏi thăm bào ngư bởi mùa này, bào ngư xuất hiện nhiều, giá cả lại mềm hơn.
Bề ngoài bào ngư trông chẳng đẹp mã tí nào nhưng được xếp bậc thượng hạng trong các loài ốc biển. Thịt bào ngư có giá trị dinh dưỡng cao, là một vị thuốc quý có tác dụng trong việc tăng khí, hạ nhiệt, bổ thận, chống suy nhược cơ thể...
Bên cạnh đó còn có tác dụng bổ mắt, tráng dương, tăng cường sinh lực cho phái mạnh. Bào ngư không những quý mà còn hiếm bởi để bắt được bào ngư, phải lặn sâu xuống biển, tách chúng ra khỏi những tảng đá ngầm. Quả thật không ngoa khi nói bào ngư là nhân sâm của biển.
Ở các nhà hàng trên cù lao Chàm, phổ biến nhất là bào ngư nướng, hấp, xào,… Trong chuyến tham quan lần này, tôi may mắn thưởng thức nộm bào ngư, món “ruột” của ngư dân nơi đây. Nộm bào ngư tuy chỉ là món ăn chế biến kiểu dân dã nhưng lại khá mới lạ, giúp cho du khách thêm một trải nghiệm thú vị, khó quên.
Làm nộm bào ngư không khó, tương tự như cách chế biến các món nộm từ những loại hải sản khác, quan trọng là phải có tay nghề khi chọn bào ngư. Bào ngư nhất thiết phải là loại mới được bắt về, con sống. Con nào con nấy mình dày, thân tròn đều. Khâu sơ chế chỉ cần rửa sạch đất cát, không ngâm xả chất thải như các loại ốc khác. Dùng một chiếc muỗng cứng để tách thân bào ngư ra khỏi vỏ.
Khéo léo loại bỏ nội tạng rồi dùng bàn chải cọ sạch hai bên mép thân bào ngư. Tiếp tục ngâm nguyên con vào nước nóng khoảng mươi phút để sớ thịt được săn chắc, vàng ươm và ngọt thịt. Cắt bào ngư thành lát mỏng vừa ăn.
Nộm bào ngư cũng như các món nộm khác sẽ được kết hợp với các loại rau củ như hành tây, cà rốt, rau thơm... Hành tây, cà rốt rửa sạch, xắt sợi để khi trộn sẽ ngấm đều gia vị. “Chất xúc tác” quan trọng để phối vị rau và bào ngư chính là nước mắm và giấm được pha chế theo tỷ lệ vừa ăn để có vị chua, mặn và ngọt hòa quyện cùng với đường, tỏi, ớt...
Sau đó, tất cả được cho vào trộn đều, đợi thấm gia vị rồi bày lên đĩa, rắc tiêu đã giã nhuyễn cho thêm rau thơm như húng quế, rau răm… Lúc này chỉ cần đủ bè bạn là đã có một buổi chiều miệt biển thi vị. Bẻ miếng bánh tráng nướng giòn nhai tí tách và nâng ly rượu gạo xứ Quảng, nhâm nhi vị ngọt lịm của bào ngư, đơn giản vậy thôi mà cứ gật gù xuýt xoa.
Rời khỏi cù lao Chàm, bào ngư theo chân tôi về phố. Một buổi sáng loay hoay cũng cho ra “lò” đủ các món xào, nướng, hấp… và tất nhiên không thể thiếu món nộm. Nhâm nhi lại hương vị quen thuộc, một chút gì vấn vương, một chút gì nhớ thương nơi xứ đảo.
Bài, ảnh: PHAN THỊ THANH LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin