Tôi được "hân hạnh" thưởng thức món "mít hấp ong" rất đặc biệt của già Đinh Văn Bớt (72 tuổi), người Cơ Tu ở thôn Tà Lâu (xã Ba, huyện Đông Giang- Quảng Nam), vào những ngày cuối tháng 8. Phải nói là rất tuyệt!
Tôi được “hân hạnh” thưởng thức món “mít hấp ong” rất đặc biệt của già Đinh Văn Bớt (72 tuổi), người Cơ Tu ở thôn Tà Lâu (xã Ba, huyện Đông Giang- Quảng Nam), vào những ngày cuối tháng 8. Phải nói là rất tuyệt!
Vợ chồng già Bớt chế biến món mít hông với nhộng ong. |
Già làng Đinh Văn Bớt cho biết: Ở trên rừng Trường Sơn có giống mít rừng (mít nài), người Cơ Tu gọi là “pa’neh p’nit”, trái nhỏ, chỉ để ăn chơi, không làm món mít hông được. Tuy nhiên, người nào ăn 2 trái là bị say, say như say rượu.
Xưa kia, tổ tiên người Cơ Tu “di thực” giống mít (pa’neh) từ đồng bằng lên miền núi, do phù hợp đất rừng núi Trường Sơn nên cho quả rất to và sai.
Đồng hành với mít, những khách buôn người Kinh đã hướng dẫn cho cư dân nơi đây dùng mít non chế biến nhiều món ăn hấp dẫn, nhớ đời như mít non luộc xắt phay chấm mắm ruốc, mắm cái hoặc làm gỏi mít; mít già xắt phơi khô để ghế (sáo) cơm...
Đặc biệt là món mít hông của người Cơ Tu tuy mới “du nhập”, song là món ăn cực kỳ hấp dẫn mà ngày nay, khi viết bài này, trong tôi vẫn nhớ tới cái ngon và hương vị độc đáo do người Cơ Tu chế biến.
Vừa vác cái mác ra sau vườn, già Bớt nói: “Muốn món mít hông này ngon nhất là không dùng những trái mít vàng sắp chín, vì mít sau khi “hông” sẽ có vị ngọt, ăn không ngon. Người Cơ Tu chế biến nhưn trong múi mít bằng các loại đậu, mối (clap), nhộng loài ong vò vẽ (c’đhuum đh’rây), trứng kiến (càrâu adinh), ve non (da’dai)…đều ngon…”.
Già làng Bớt chọn trái mít già “khú đế”, lấy lưỡi mát gọt vỏ, lấy lá chuối khô chùi mủ sạch sẽ, rồi cùng vợ là Alăng Nhá xẻ trái mít ra làm nhiều miếng, cắt cùi, tách múi. Những múi mít già có màu vàng ngà trông rất bắt mắt.
Sau đó, bà Nhá dùng dao rạch từng múi mít để bóc lấy hạt và lớp vỏ lụa ra ngoài. Lúc này, những người Cơ Tu trong xóm đến chơi và giúp làm món mít. Họ đem hạt mít luộc chín rồi đổ ra rổ rá cho nguội.
Dùng dao Thái Lan lột vỏ lụa của từng hạt mít và cho vào cối giã nát sau đó lấy muỗng múc ra thau và dùng tay tãi cho tơi ra. Trong lúc luộc hột mít, già Bớt ra mảnh rừng trước nhà đốt một tổ ong vò vẽ, ông lấy nhộng ong non có màu trắng ngà đem vào để làm món mít hông.
Bà Nhá bắt xoong lên bếp khử dầu phụng với nén cho thơm, sau đó bỏ nhộng ong vào xào, nêm nếm gia vị, tiêu rừng (amất) và nhắc xuống. Ông Bớt trộn hạt mít chín đã giã với nhộng ong xào, lá ngò tây (abắt) xắt mỏng, tiêu bột, mì chính, muối hầm...
Sau khi “hỗn hợp” nhưn thấm đều thì lấy xoong cho dầu phụng (lạc) vào phi hành, tỏi cho thơm rồi cho “nhưn” vào xào, khuấy đều độ 3- 5 phút. “Nhưn” nguội, ông Bớt vo viên “nhưn” thành viên to bằng “hạt mít” rồi cho vào từng múi mít.
Công đoạn cuối cùng là sắp những múi mít vào rổ rá và đem hông cách thủy chừng 20 phút là nhắc xuống. Vừa mở vung thì ngào ngạt “hương rừng cỏ nội” bốc ra, thơm lừng không gian nhà bếp trong lúc bụng mọi người đang đánh “trống quân”.
Món mít hông với nhộng ong vò vẽ của người Cơ Tu ăn lúc nóng bốc hương thơm lừng nơi mũi, hòa quyện lan tỏa của các vị cay, ngọt, béo, bùi, thơm tho… nơi đầu lưỡi.
Người Cơ Tu rất thích ăn món mít hông với nhộng ong vò vẽ này bởi vì ngoài ngon ra, món này làm rất tốn công, mà người Cơ Tu sinh sống trên dãy Trường Sơn có tính cộng đồng rất cao, họ thích tập hợp nhau từng nhóm người, chế biến các món ăn ngon, truyền thống để đãi nhau, lần lượt mỗi nhà mỗi món. Tất nhiên, ăn món mít hông này và uống với rượu tà vạt thì quá đỗi tuyệt vời.
- Bài, ảnh: TIÊN SA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin