Lần đầu tiên tôi được thưởng thức phở chua là ở Bắc Hà hồi năm 1995. Hồi đó lên Bắc Hà chỉ có một nhà nghỉ duy nhất và một quán ăn duy nhất, nên chuyện ăn uống món lạ Tây Bắc chỉ có ở chợ phiên vào ngày thứ bảy.
Lần đầu tiên tôi được thưởng thức phở chua là ở Bắc Hà hồi năm 1995. Hồi đó lên Bắc Hà chỉ có một nhà nghỉ duy nhất và một quán ăn duy nhất, nên chuyện ăn uống món lạ Tây Bắc chỉ có ở chợ phiên vào ngày thứ bảy.
Tuy nhiên, trong điều kiện giao thông thuận tiện và giao lưu vùng miền đã trở nên dễ dàng như ngày nay thì hầu như không thiếu món gì ở những nơi có đông du khách.
Lần này ghé lại Đồng Văn, một lần nữa thử lại món phở chua, cũng vẫn đúng hương vị ấy, hương vị bánh phở đặc biệt của vùng cao không thể nào có được ở miền xuôi.
Phở chua là món ăn truyền thống của Bắc Hà, Mường Khương (Lào Cai) mà nguyên liệu chính là những cọng bánh phở sẫm màu được chế biến từ loại gạo đặc biệt được trồng ở xã Lùng Phình.
Theo chị chủ quán, gạo này nấu cơm ăn không ngon vì hột cơm bị cứng, nhưng làm bánh phở thì rất mềm và thơm.
Người miền xuôi thưởng thức lần đầu sẽ có chút ngạc nhiên khi phở chua mang ra được để trong dĩa, chớ không phải tô như loại phở thường.
Phở chua đúng ra như loại nộm trộn của miền Bắc, với các loại rau trông rất hấp dẫn từ màu sắc đến mùi vị.
Mùi thơm của đậu xị, đậu phộng rang hòa quyện với vị béo ngậy của bánh phở, vị chua của dưa cải, cay cay của tương ớt làm cho bánh phở chua có hương vị thơm ngon, hấp dẫn vô cùng. Đó cũng là lý do mà ngày nay món đặc sản này đã được lan truyền khắp các địa phương vùng Tây Bắc.
Đặc biệt làm nên hương vị hấp dẫn và kích thích vị giác chính là nước chua trộn vào bánh phở, mà tùy theo từng nơi có thể chế biến khác nhau.
Thường đến mùa rau cải, người ta chọn loại cải bẹ, đem rửa sạch rồi phơi cho héo, sau đó xắt nhỏ rồi muối chua. Ngoài cải muối thì nhiều người còn thích dùng nước cốt của măng chua. Một phần phở chua ở Đồng Văn chỉ có giá 20.000đ.
Lên Tây Bắc với quá nhiều món đặc sản của bà con dân tộc, trước tiên ngon vì những nguyên liệu làm nên các món ăn đều thật sự sạch, thuần khiết, những loại rau củ do đồng bào dân tộc mang xuống chợ vào mỗi sáng sớm.
Hơn nữa, sự chế biến đơn giản, nêm nếm không quá cầu kỳ nhưng vô cùng tinh tế giúp giữ lại được từng hương vị nguyên thủy của núi rừng. Đó là nguyên lý chung làm nên sự hấp dẫn của ẩm thực Tây Bắc.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin