Ngày ấy, ở sau vườn nhà tôi có rất nhiều cây tán rộng. Ong vò vẽ thường làm tổ trên những cành cây, nên đây là nơi lý tưởng. Chúng tôi thường được thưởng thức món cháo bổ dưỡng bởi chính đầu bếp là cha tôi
Ngày ấy, ở sau vườn nhà tôi có rất nhiều cây tán rộng. Ong vò vẽ thường làm tổ trên những cành cây, nên đây là nơi lý tưởng. Chúng tôi thường được thưởng thức món cháo bổ dưỡng bởi chính đầu bếp là cha tôi.
Đêm khuya bên chén cháo ong vò vẽ béo ngậy, không khí rôm rả với những câu chuyện xoay quanh loài ong này.
Tổ ong rất kiên cố, treo chặt trên cành cây. Ong trưởng thành thường có màu vàng vằn đen, thắt lưng rất nhỏ. Phải chăng từ dáng eo thon nhỏ của loài ong này nên có câu “thắt đáy lưng ong”?!
Cha là người có kinh nghiệm đốt ong. Khi phát hiện tổ ong vò vẽ, cha xem kỹ tổ lớn chứa khoảng bao nhiêu tầng rồi về làm cây rọi để đốt lấy tổ. Một tổ ong thường có 7- 9 tầng, tổ to lên tới 12- 15 tầng.
Và cha không thể quên xem miệng tổ ong nằm ở hướng nào. Lúc nào cũng vậy, chờ trời tối ong vào tổ hết mới đi đốt lấy tổ ong. Ong vò vẽ rất hung dữ và nọc rất độc nhưng bù lại chúng rất bổ và ngon.
Cha dùng vải quấn chặt làm cây rọi rồi đem nhúng dầu lửa. Cây rọi được cột vào đầu cây tre thật dài để khi đốt ong không rơi trúng người.
Cây rọi được đốt lên và đưa vào ngay miệng của tổ ong, để những con ong bay ra bị cháy cánh rơi xuống và đốt đến khi trong tổ ong thợ, ong chúa chết hết mới gỡ tổ đem về.
Cha dỡ từng tầng nhà của ong vò vẽ ra. Trong tổ có những tầng phẳng phiu, để ong vò vẽ đẻ trứng và được bịt kín lại một lớp mỏng ở bên trên. Và điều thú vị là những con nhộng lớn lên chúng được treo ngược lên, đầu chúc xuống dưới.
Chúng tôi thích thú ngồi xúm xít mở lớp mỏng kín trên mặt, những con nhộng ngắc ngoải ú mập màu trắng sữa cùng lúc bị rơi xuống thau khi úp ngược tầng nhà xuống.
Mê tít, lo gỡ những lớp mỏng để lấy ong, thằng em con chú được con ong đã trưởng thành bò trên mặt tầng tặng một vết chích vào tay, chỉ lát sau sưng phù. Đau nhức, nó chịu không nổi khóc bù lu bù loa.
Em tôi sẽ nhớ kỷ niệm của tuổi thơ với ong vò vẽ. Cha tôi kể, nhà chú Hai có tổ ong vò vẽ treo lủng lẳng trên trần nhà, con mèo nhảy trúng tổ ong.
Những con ong hung hãn bay đốt những người trong nhà. Chú Hai bị đốt gần cả chục đốt bị sưng cả mình mẩy, khó thở. Người nhà phải chở ông đi bệnh viện. Và không ít trường hợp tử vong do ong đốt. Vì vậy, người đốt ong cần phải có kinh nghiệm, là người am hiểu loại côn trùng này.
Những tầng ong rơi xuống, có những con nhộng đã thành hình con ong bố mẹ, có những con nhộng non. Những con nhộng trong bụng có khúc ruột đen được đem trụng nước sôi cho săn lại và được ngắt lấy phần đen ấy ra.
Người lớn trong nhà, người nạo dừa vắt nước cốt, người vo gạo nấu cháo, người xắt hành. Một buổi tối khua nồi dao thớt, lẫn tiếng cười vui trong câu chuyện đốt ong.
Cha bắc chảo xào ong với hành và nêm gia vị cho vừa ăn trước khi cho vào nồi cháo đã nhừ. Cha nêm nếm cho vừa ăn, cho vào miếng tiêu và hành lá. Cuối cùng cho nước cốt đặc vào là xong.
Rồi giây phút đợi chờ cũng đã đến, những chén cháo được múc ra. Chén cháo ong vò vẽ nóng hôi hổi, mùi tiêu hành xông lên mũi, rồi tiếng “bụp, bụp, bụp” béo ngậy bởi nhộng ong.
Vị béo ngọt của nhộng ong, vị béo ngậy của nước cốt dừa không lẫn vào bất kỳ món nào được.
Không phải ai cũng có thể thưởng thức được món ngon đậm đà hương vị miền quê này. Ngày nay, món đặc sản này trở nên quý hiếm, vì lâu lâu mới tìm được tổ ong vò vẽ.
MAI KHA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin