Mùa so đũa về

07:11, 27/11/2016

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi có gió chướng thổi về là tôi lại nôn nao nhìn lên mấy cành so đũa ngoài vườn coi có trổ bông chưa. Rồi tôi lại cứ trông đợi từng ngày cho những chùm bông trắng lớn lên cho tới khi hái được.

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi có gió chướng thổi về là tôi lại nôn nao nhìn lên mấy cành so đũa ngoài vườn coi có trổ bông chưa. Rồi tôi lại cứ trông đợi từng ngày cho những chùm bông trắng lớn lên cho tới khi hái được.

Lúc gió chướng ào ào thổi mạnh thì trên ngọn so đũa cũng nở rực một màu tuyết trắng thật dễ thương.

Nhà của tôi hay có thói quen vào mùa bông so đũa nở là cứ mỗi buổi sáng bưng rổ ra vườn để hái bông về làm bữa ăn cho gia đình. Bông so đũa trắng mà đem nấu canh chua với cá lóc hoặc cá trê thì ngon hết ý!

Nhớ những ngày khi tôi còn nhỏ, mỗi buổi sáng thấy mẹ ra vườn hái bông so đũa là tôi liền giành bưng cái rổ lẽo đẽo theo sau. Mùa gió chướng về, những cây so đũa trổ rất nhiều chùm bông trắng.

Mẹ cứ việc đưa tay oằn nhánh xuống rồi hái từng chùm bông cho vào rổ. Có những chùm bông hơi cao trên ngọn thì mẹ dùng cây móc mà kéo xuống rồi hái.

Tôi không hái phụ mẹ, mà cứ tìm những bông vừa nở bung ra mà húp mật ở phần trên đầu của bông. Mật của bông so đũa vừa ngọt vừa thơm làm tôi rất thích. Nhớ có lần bị anh Hai tôi rầy: “Cái con nhỏ này, không hái phụ mẹ thì thôi, làm gì mà ngồi đó xé bông hoài vậy?”

Lúc đó mẹ bên cạnh không rầy la tôi mà chỉ khuyên anh Hai: “Em con còn nhỏ, nó thích húp mật ong thì cứ để cho nó húp đi, mật của bông cũng tốt lắm đó con à. Nhưng nhớ cẩn thận coi chừng có con ong chui vào đó trước, không cẩn thận thì bị nó chích đau lắm đó!”

Những lần anh Hai tôi đi tát mương, tát đìa bắt được mấy con cá lóc hay cá trê thì mẹ thường rộng lại. Chờ buổi sáng hái bông so đũa đem về rồi mới mần cá nấu canh chua. Thịt của cá lóc cá trê vốn đã ngon.

Nhưng khi được nấu chung với bông so đũa thì càng ngon hơn. Có lẽ đó là một khẩu vị làm tôi luôn thấy nhớ, nên cứ mỗi năm tôi đều trông đợi mùa gió chướng quay về để được nhìn những cành so đũa sau nhà khoe trắng muốt một màu hoa.

Cuộc sống cứ theo thời gian mà thay đổi. Con người cũng vậy. Chỉ có những cây so đũa ở sau vườn thì vẫn giữ nét chân quê mộc mạc vốn có của nó.

Những cây so đũa già đứng khẳng khiu trơ lá thì lại cho rụng xuống đất những hạt mầm tiếp theo để mà duy trì nòi giống của mình. So đũa chẳng cần phân, chẳng cần bàn tay người chăm sóc, vậy mà nó vẫn lớn nhanh cùng sương nắng quê mùa.

Ngày tháng tuổi thơ của tôi giờ đã trôi xa. Nhưng mỗi khi mùa gió chướng quay về thì trong lòng tôi lại nôn nao như hồi còn nhỏ. Vẫn ra sau nhà nhìn lên cành so đũa mà ngóng đợi những chùm bông trắng đầu tiên lung linh khoe sắc. Bông so đũa rất bình dị, giản đơn nhưng nó vẫn đủ làm nổi bật nét đẹp dịu dàng của một góc trời quê.

Ngày nay, tuy có một loại so đũa nở quanh năm và rất dễ trồng, mau ăn, còn gọi là so đũa tím hay so đũa Đà Lạt. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy nó kém xa loài so đũa trắng truyền thống của quê mình. Không biết có phải tại màu trắng tinh khôi lúc ngọn gió chướng về mới chịu ra hoa hay vì cái mùi vị đặc trưng của nó ngon mà tôi vẫn thấy nhớ hoài nhớ mãi.

Gió chướng đã về lao xao trên cành lá. Lòng tôi cũng nao nao về một mùa so đũa trắng khoe rực màu bông.

TRẦN THỊ THÙY LINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh