Làng cốm dẹp Ba So

04:11, 22/11/2016

Với hương vị rất riêng, theo dòng thời gian, cốm dẹp Ba So đã trở thành đặc sản và hình thành nên một làng nghề truyền thống của tỉnh Trà Vinh, được người dân ở nhiều tỉnh- thành trong cả nước biết đến.

Với hương vị rất riêng, theo dòng thời gian, cốm dẹp Ba So đã trở thành đặc sản và hình thành nên một làng nghề truyền thống của tỉnh Trà Vinh, được người dân ở nhiều tỉnh- thành trong cả nước biết đến.

Vào những ngày đầu tháng 10 âm lịch, làng cốm dẹp ấp Ba So (xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang- Cầu Ngang) lại rộn ràng vào mùa sản xuất cốm để kịp cung cấp cho thị trường dịp lễ hội Ok Om Bok.

Theo nhiều hộ dân gắn bó với nghề làm cốm, nghề cốm dẹp ở đây đã có trên 100 năm. Toàn làng nghề hiện có hơn 100 hộ sản xuất, trong đó có 10 hộ hoạt động quanh năm, nhiều hộ gia đình có từ 3 đến 4 đời theo nghề. Đây là nghề khá vất vả, phải thức dậy từ 12 giờ khuya và làm đến 8 giờ sáng.

Bà Trương Thị Di là người có thâm niên làm cốm dẹp 23 năm cho biết, để có được một mẻ cốm ngon, người làm cốm phải bỏ ra nhiều công sức, trong đó khâu chọn nguyên liệu và rang cốm là 2 yếu tố quan trọng. Nguyên liệu làm cốm dẹp là nếp sáp vì nếp sáp dẻo và thơm hơn. Xã có 42 hộ trồng lúa nếp với khoảng 15ha để cung ứng nguyên liệu sản xuất cốm dẹp.

Theo bà Di, với một giạ nếp tương đương 20kg sẽ cho ra 15kg cốm dẹp thành phẩm, với giá từ 40.000- 50.000 đ/kg.

Trước đây, gia đình bà chỉ làm cốm vào những dịp lễ, tết, nhưng để đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện gia đình bà sản xuất cốm quanh năm. Nếu ngày thường, gia đình bà với 2 nhân công làm từ 2 đến 3 giạ nếp/ngày thì vào dịp lễ hội Ok Om Bok làm hơn 5 giạ/ngày vẫn không đủ cung cấp cho thị trường, giá bán cũng cao hơn ngày thường từ 10.000-20.000 đ/kg.

Sau khi chọn lựa nếp sáp, bà con đem rang bằng nồi đất và sau đó để vào cối giã, mỗi cối có từ 4-5 người làm. Trước đây, bà con giã cốm theo phương pháp thủ công, mất nhiều thời gian và công sức nhưng giờ đã có máy giã cốm sử dụng điện nên đỡ vất vả và năng suất cao hơn.

Chị Thạch Thị Sinh Ly làm nghề giã cốm từ năm 16 tuổi. Chị cho biết giã tay thì mỗi ngày được 50kg, nhiều hộ sản xuất phải thuê người giã, tiền công 100.000 đ/người/ngày. Còn giã máy 100kg/ngày và cơ sở chỉ phải thuê người rang cốm. Khâu này đòi hỏi phải có kinh nghiệm, khi rang phải đảo tay đều, cốm chín đúng mức thì hạt nếp mới không bị dính.

Nghề làm cốm tuy vất vả nhưng mang lại thu nhập ổn định cho lao động nông thôn. 1 hộ gia đình với 4 lao động trung bình giã được 45kg cốm dẹp, sau khi trừ chi phí còn lời 1,2 triệu đồng.

Ông Kiên Banh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, ngoài ấp Ba So còn có Phường 9 (TP Trà Vinh) và một số huyện lân cận cũng sản xuất cốm dẹp.

Sở Văn hóa chỉ đạo các địa phương thực hiện khảo sát các làng nghề sản xuất cốm dẹp để phối hợp với địa phương hỗ trợ các nhu cầu như vay vốn trang bị máy giã cốm, vốn mua nguyên liệu… nhằm giúp các hộ phát triển làng nghề và tạo việc làm tại chỗ cho lao động..

Với giá bán 40.000- 50.000 đ/kg, cốm dẹp được nhiều người chọn mua làm quà biếu khi đến Trà Vinh. Món cốm dẹp trộn nước dừa, cốm dẹp nấu chè, cốm dẹp cuốn tôm, chả cốm dẹp… ngày càng được ưa chuộng trong ẩm thực của cả người Khmer và người Kinh.

Hiện làng nghề cốm dẹp Ba So tạo việc làm cho hơn 400 lao động, các hộ làm cốm dẹp đã tham gia tổ hợp tác và làm thủ tục đăng ký xây dựng thương hiệu “Cốm dẹp Ba So”… Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết nên chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Để làng nghề cốm dẹp Ba So phát triển bền vững, các hộ làm cốm nơi đây mong muốn tỉnh Trà Vinh sớm hỗ trợ công nhận thương hiệu, cải tiến bao bì, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người làm cốm đồng thời bảo tồn món ẩm thực đặc sắc của đồng bào Khmer.

  • ™ PHƯƠNG LINH
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh