Cháo cóc

05:08, 27/08/2016

Những cơn mưa đầu mùa ở ĐBSCL đã xua tan cái nắng hạn gay gắt bao tháng nay, giúp cho người dân nhất là vùng nông thôn có nước sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi. Mưa đầu mùa cũng là thời điểm để các loại sinh vật vào mùa sinh sản, duy trì nòi giống, trong đó có loài cóc.

Những cơn mưa đầu mùa ở ĐBSCL đã xua tan cái nắng hạn gay gắt bao tháng nay, giúp cho người dân nhất là vùng nông thôn có nước sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi. Mưa đầu mùa cũng là thời điểm để các loại sinh vật vào mùa sinh sản, duy trì nòi giống, trong đó có loài cóc.

Theo các cụ cao niên ở huyện Long Hồ, từ tháng 4 âm lịch- thời điểm bắt đầu mùa mưa- vào ban đêm ở những vũng nước, đám cỏ còn ẩm nước là nơi lý tưởng để cóc đực cất tiếng kêu gọi bạn tình và bắt cặp với nhau.

Đêm càng về khuya, tiếng kêu đó càng nhiều và rền vang làm inh ỏi cả một miền quê yên tĩnh, tạo nên âm thanh rất đặc trưng của vùng nông thôn Nam Bộ.

Đây cũng là thời điểm lý tưởng để người dân miền Tây đi soi cóc (bắt cóc). Thật may, tôi đã có dịp tháp tùng với anh bạn Lê Thành Tâm (ở Long Hồ) trải nghiệm những điều thú vị này.

Cơn mưa buổi xế chiều vừa dứt hạt, anh Tâm bảo tôi nhanh tay chuẩn bị vật dụng cần thiết để đi bắt cóc, vì theo anh: “Khi những cơn mưa đầu mùa vừa tạnh, cóc sẽ rời nơi ẩn nấp nhảy ra ngoài săn mồi như mối, bọ hong, các con côn trùng khác, đồng thời cũng là lúc cóc đực và cóc cái bắt cặp với nhau nên rất dễ bắt”.

Dụng cụ bắt cóc rất đơn giản, gồm một cái đèn pin đeo trên đầu đã được sạc điện, một chiếc bao đựng cóc. Trời vừa sụp tối, anh Tâm và tôi đi thẳng về các mảnh vườn chôm chôm vừa được chủ vườn làm sạch cỏ.

Đi được một lúc, bỗng anh dừng lại, rọi đèn thẳng về phía trước và nói “có cóc rồi”. Tôi rọi đèn theo hướng của anh thì thấy một chú cóc bự chảng, da mốc xì, xám xịt đang nằm thở phì phò trong gốc cây, rình mồi.

Dù có nhiều người xung quanh nhưng cóc không hề sợ hãi. Chú ta nằm yên một chỗ, thế là chúng tôi thộp cổ, cho vào bao.

Vừa đi, anh Tâm vừa kể: Ngày xưa ở xứ này, người dân cũng nghèo khó lắm. Ngoài làm ruộng ra, mọi người thường bắt cá đồng, cua, ốc, cóc, nhái để cải thiện mâm cơm cả nhà; đặc biệt, cóc là món ăn rất ngon, ai cũng thích.

Đi qua vài mảnh vườn khá rộng, bao cóc bắt được cũng đã hơi nặng tay và trời cũng dần về khuya nên chúng tôi quyết định trở về nhà anh Tâm để chế biến món ăn từ thành quả thu hoạch được.

Nói về các món ăn làm từ thịt cóc thì có rất nhiều món, món nào cũng ngon hết sẩy. Nào là thịt cóc nướng, thịt cóc khìa nước dừa… nhưng ngon, bổ nhất vẫn là món cháo cóc.

Theo kinh nghiệm của dân gian, thịt cóc mát, chứa nhiều chất dinh dưỡng nên rất phù hợp để nấu cháo ăn, giúp trị bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em và bồi bổ sức khỏe nhanh cho người lớn tuổi vừa mới hết bệnh.

Tuy nhiên, trong quá trình chế biến, chúng ta phải làm cóc cho thật sạch, bỏ hết da, đầu, gan, trứng và nội tạng của cóc, vì chúng rất độc, nếu không cẩn thận sẽ gây ngộ độc và làm chết người.

Sau khi làm thịt cóc thật sạch, đem băm nhuyễn, bắc lên bếp “chấy” với tỏi thơm cho thịt cóc săn chắc và thơm. Đợi cháo thật nhừ, bỏ thịt cóc vào, nêm nếm cho vừa ăn, thế là chúng ta đã có một nồi cháo cóc thơm, ngon, bổ dưỡng. Múc cháo ra tô, cho thêm rau bồ ngót, ít tiêu, hành vào.

Thế là cùng nhau ngồi quây quần thưởng thức sẽ tạo nên một không gian ấm cúng khó quên của buổi hạnh ngộ.

Thưởng thức vừa xong chén cháo cóc thơm lừng, nhấm nháp tách trà quạu, ông Lê Văn Cuội- một cụ cao niên ngụ huyện Long Hồ tỏ vẻ đâm chiêu: Trước đây, cóc nhiều lắm, nên mưa xuống là bắt cóc nấu cháo ăn thoải mái.

Còn bây giờ, ở đây ruộng không còn nữa, vườn thì được người dân trồng chuyên canh cây đặc sản, không còn vườn tạp, nên không gian sống của cóc cũng bị hạn chế.

Vì vậy, số lượng cóc những năm gần đây giảm hẳn, muốn ăn cháo cóc cũng rất khó. Có thể nói, cháo cóc mà các chú thưởng thức được như hôm nay là một đặc sản vùng quê đó nhe!

MINH TRIẾT (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh