Ngày chưa bị tàn phá hoặc khai thác đến cạn kiệt, rừng miền Trung có rất nhiều loại cây ăn trái: xay, đỏ, sặc, mít nài, gấm, sim, trâm, bồ lọp (bồ quân), chôm chôm rừng và v.v… Muốn ăn trái gì, đơn giản, cứ đợi đến mùa trái chín là lội rừng tìm hái.
Ngày chưa bị tàn phá hoặc khai thác đến cạn kiệt, rừng miền Trung có rất nhiều loại cây ăn trái: xay, đỏ, sặc, mít nài, gấm, sim, trâm, bồ lọp (bồ quân), chôm chôm rừng và v.v… Muốn ăn trái gì, đơn giản, cứ đợi đến mùa trái chín là lội rừng tìm hái.
Có trái dưới thấp, hái dễ (như sim, đỏ…), có trái trên cây cao (như xay, trâm…) thì phải chịu khó leo trèo.
hơn thì… chặt nguyên cây, nguyên nhánh xuống mà thu trái! Không nhọc gì lắm, nhất là với dân quen chuyện củi đuốc, rẫy rừng. Vậy nhưng, có một loại cây mà muốn lấy được trái ăn không dễ; bởi người ta phải xoay xở qua nhiều công đoạn, hết sức nhọc nhằn: cây đát!
Đát thuộc họ dừa, cau, thân cũng giống hệt cây dừa, mọc nhiều ở các vùng rừng núi miền Trung. Thân to như dừa, nhưng trái đát lại nhỏ chỉ tầm nắm tay trẻ em. Bên trong ruột trái có nhiều ngăn; mỗi ngăn chứa một “hạt cơm” nguyên khối màu trắng trong, kích thước tương tự hạt mít. Đó chính là “hạt đát”, phần được khai thác để làm thực phẩm.
Giống như cau, dừa, đát có thể ra buồng bất cứ mùa nào trong năm. Buồng đát không cấu tạo kiểu “phân chi” như cau, dừa mà từ đầu buồng buông ra từng chiếc tua dài, quanh tua bám chi chít trái. Từ một buồng đát to, người ta có thể kẹp ra hàng thúng- thậm chí hàng gánh- hột đát!
Thường người ta đi kẹp đát vào mùa hè. Mùa hè khô ráo, tiện cho việc tìm kiếm, hạ buồng, đốt, kẹp, vận chuyển trong rừng sâu. Lội rừng tìm, chọn được buồng đát vừa ăn (không non không già vì đát già hột cứng, đát non hột mềm bấy, ăn nhạt không ngon), người ta dùng nài (dụng cụ trèo dừa) bám trèo lên cây, sau đó buộc dây, chặt cuống, dòng buồng đát xuống đất.
Chặt cây rừng tươi đem dựng một cái giàn dưới gốc đát, người ta đặt gác buồng đát lên trên giàn rồi quơ củi khô đốt thật lực bên dưới.
Đốt thui cho trái đát cháy kỳ hết lớp vỏ ngoài, bởi phần lông, nhựa trái đát lỡ dây vào da sẽ gây ngứa khủng khiếp.
Còn nữa, lớp vỏ ngoài trái đát phải bị đốt cháy hóa mỏng, mềm thì- khi kẹp- hạt đát bên trong mới đủ sức xé vỏ chui ra. Thui xong tiến hành “kẹp”. Quá trình kẹp đát đòi hỏi phải có nước nên phải chuyển số đát vừa thui ra bờ suối. Bất đắc dĩ gặp nơi xa suối cũng buộc phải xoay xở cách nào để có thau nước to.
Dùng thanh tre cứng chẻ đôi một phần (như cái cặp gắp đá), đưa trái đát vào giữa, kẹp mạnh để ép các hột đát văng ra ngoài (vậy nên mới kêu “đi kẹp đát”).
Thao tác kẹp này giúp nhanh chóng lấy được hột đát ra khỏi vỏ mà không phải trực tiếp động tay vào phần vỏ vẫn còn khả năng gây ngứa (nếu đốt chưa kỹ). Hột đát kẹp ra được thả, ngâm ngay vào nước để giữ độ mềm cùng màu trắng trong. Không có nước hột sẽ bị khô cứng, biến màu mất đẹp, mất ngon. Vậy nên khâu kẹp đát luôn đòi hỏi phải có nước…
Hột đát đúng tiêu chuẩn có màu trắng đục, da trơn láng, ăn tươi nghe giòn sần sật, bùi béo. Là loại trái tự nhiên ít calo nhưng giàu các khoáng chất thiết yếu hạt đát có tác dụng tốt cho những người thừa cân, cao huyết áp, mắc bệnh tim mạch, tiêu hóa và các chứng bệnh về xương khớp.
Xưa, đát chủ yếu chỉ được dùng ăn tươi, giằm đường hay nấu chè. Nay thì thực đơn cho món đát phong phú hơn nhiều. Đát được đem chưng đường với gừng, rim cùng các loại si rô hoặc ăn kèm sữa chua, nước trái cây, hoa quả giằm, sinh tố và v.v...
Món hạt đát giờ không còn chỉ lẩn quẩn nơi quê hương miền Trung mà đã vươn xa đến các đô thị lớn tận hai đầu đất nước. Và nữa, với muôn hình vạn trạng kiểu chế biến. Ngày xưa, đát là món quà quê, bán rất rẻ. Giờ đát thành “quà phố”, lên đời, lên giá, tự nhiên chợ quê không còn thấy bóng hạt đát.
Thôi cũng mừng cho cây đát, cho người đi kẹp đát. Người quê có “mất ăn” chút cũng không sao. Thiếu chi món để ăn thay. Sản vật quê nhà được tôn vinh, người làm ra sản vật có cơ hội khấm khá hơn xưa là chuyện đáng mừng…
Y NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin