Món ăn "ngàn năm tráng kiện"!

05:01, 16/01/2016

Cư dân vùng cao trên dãy Trường Sơn thường ví ếch núi như "gà rừng", bởi vì thịt ếch trắng, thơm ngon, dai nhưng giòn, giàu dinh dưỡng.

Cư dân vùng cao trên dãy Trường Sơn thường ví ếch núi như “gà rừng”, bởi vì thịt ếch trắng, thơm ngon, dai nhưng giòn, giàu dinh dưỡng.

Đĩa “ngàn năm tráng kiện” thơm ngon với nhiều màu sắc.
Đĩa “ngàn năm tráng kiện” thơm ngon với nhiều màu sắc.

Hè về, trên rặng Trường Sơn hoang dã thường có những trận mưa rừng bất chợt. Lúc này, ở các đám lau lách ven thung lũng, lũ ếch, nhái, ễnh ương, chàng hiu,… cùng tấu lên bản nhạc “sơn lâm” khá nhịp nhàng.

Tôi được một người Cơ Tu tốt bụng cho tháp tùng đi bắt ếch vào một đêm cuối hè. Giữa rừng khuya tĩnh mịch, gió thổi lào xào qua tán lá. Tiếng “hòa tấu” của lũ ếch núi mỗi lúc mỗi gần.

Đường rừng khuya cheo leo quanh co theo con khe dẫn vào một thung lũng hẹp. Trăng hạ tuần lạnh lẽo “treo” trên chóp núi. Cảnh vật chung quanh hư ảo. Cuối cùng, một thung lũng rộng hiện ra với nhiều tiếng kêu “ộp ộp”.

Mỗi người đi bắt ếch núi chỉ cần mang theo đèn pin, vợt và bao xác rắn để đựng ếch. Họ đi mỗi toán 2 người, người soi và người bắt. Ếch núi thường vừa ngồi bắt mồi, vừa “tấu” trên ven bờ suối.

Khi soi đèn pin, bắt gặp 2 con mắt phản chiếu ánh sáng có màu sáng thì đúng là ếch núi, cứ việc nhẹ nhàng đi tới dùng vợt chụp xuống mà bắt bỏ vào bao.

Già làng Phạm Văn C’rới (61 tuổi, trú tại thôn Éo, xã Ba, huyện Đông Giang, Quảng Nam) cho hay, cư dân ở vùng cao trên dãy Trường Sơn chế biến món ăn rất đặc biệt từ ếch núi như món ếch núi nướng trong ống lồ ô.

Cách làm như sau: Ếch núi bắt về, không lột da, mổ bỏ ruột và rửa sạch để ráo, ướp gia vị như muối, tiêu, sả, thiên niên kiện… bỏ vào ống lồ ô, dùng lá thiên niên kiện đậy kín miệng ống, sau đó nướng ống cháy sém trên than hồng. Khi ăn, chỉ việc tách ống lồ ô ra, một mùi thơm tỏa ra ngào ngạt, món này ăn nóng với bánh tráng nướng thì “hết chỗ thơm ngon”.

Đặc biệt, cư dân nơi đây chế biến món ếch xào với đọt, bẹ, lá non thiên niên kiện. Món này vừa lạ vừa thơm, vừa trị được nhiều bệnh, ăn vào là thấy khỏe ra. Theo Đông y, thiên niên kiện, còn có tên là sơn thục, thần phục, họ ráy- Araceae, là cây chứa tinh dầu thơm dễ chịu như: I-linalol, terpineol, sabinen, limonen.

Vị đắng cay, thơm, tính ấm, khu phong thấp, bổ gân cốt, chỉ thống, tiêu thủng… Ngoài ra, thiên niên kiện còn có nghĩa là: “ngàn năm tráng kiện”; còn thịt ếch thì bổ dưỡng, thanh nhiệt, giải độc.

Già làng C’rới cho hay, món này được chế biến như sau: Trước hết, ếch núi trụng nước sôi cạo sạch nhớt, mổ bụng lấy gan, trứng rửa sạch. Thịt chặt miếng nhỏ để vào rổ thưa cho ráo nước.

Kế đến, ướp gia vị, tiêu, tỏi, nghệ tươi, bột ngọt, ít muối ăn, tí nước mắm ngon; khử tỏi, sả với dầu ăn cho thơm rồi cho thịt ếch vào xào. Khi nào thấy thịt ếch sắp chín, cho thiên niên kiện vào xào tiếp; khi thiên niên kiện vừa chín, bắc chảo xuống, xúc ra đĩa rắc tiêu, đậu phộng lên, xắt mỏng vài lát ớt và ngắt vài cọng ngò tàu lên mặt vừa đẹp vừa thơm ngon.

Ếch xào thiên niên kiện chấm với nước tương giằm với ớt xiêm (ớt hiểm) và tiêu rừng (amót) mới hợp vị. Ngoài ra, ếch rừng còn nấu món Ză Zắ trong ống lồ ô với cà và các loại rau rất thơm ngon.

Ếch xào thiên niên kiện thơm ngon, dân dã, mang hương vị núi rừng Trường Sơn hoang dã nhưng không kém phần hấp dẫn. Đi lên vùng cao Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang của tỉnh Quảng Nam bạn có thể thưởng thức món này từ những gia đình Cơ Tu hiếu khách.

Ngày nay, các bạn trẻ đã chuẩn bị sớm ngày cưới của mình bằng cách: trồng vài gốc thiên niên kiện, vừa làm cảnh, vừa làm thứ gia vị để xào, nấu, kho… và um ếch, cá, nấu lẩu ăn cho dẻo dai gân cốt, “ngàn năm tráng kiện”.

Bài, ảnh: Tiên Sa (Đà Nẵng)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh