Lạ miệng lươn nướng lá nhàu

07:11, 03/11/2015

Có thể đánh bắt lươn quanh năm, nhưng chỉ có mùa nước nổi là khoảng thời gian thu hoạch với số lượng lớn. Nếu mùa khô thì thường là đặt trúm, câu hay dò theo "mà" của lươn ở các ao đìa rồi móc bằng tay.

 

Có thể đánh bắt lươn quanh năm, nhưng chỉ có mùa nước nổi là khoảng thời gian thu hoạch với số lượng lớn. Nếu mùa khô thì thường là đặt trúm, câu hay dò theo “mà” của lươn ở các ao đìa rồi móc bằng tay.

Mùa nước nổi ngày xưa, người dân An Giang đánh bắt phổ biến nhất là xúc ủ; người ta cắt cỏ chất thành mô nổi trên đồng nước, và đập cua, ốc bỏ vào làm mồi nhử, độ vài ba ngày dùng vợt lớn đi xúc một lần. Khi mà đồng chưa sử dụng hóa chất, ngăn đê như ngày nay thì vào mùa nước nổi, mỗi ngày có thể kiếm chục ký lươn như chơi.

Đây là món ngon, bổ thì miễn bàn rồi, còn người Nhật thì xếp vào hàng đặc sản và ưa thích chỉ sau món sashimi truyền thống.

Cái cảnh giữa mùa hè oi bức, người Nhật xếp hàng dài chờ ăn được món lươn mới thấy họ ghiền món này như thế nào. Những món phổ biến như: ưnagi kabayaki (lươn nướng xốt), ưnagi sakưra mochi (lươn hấp hoa anh đào), ưnagi yanagawa (lươn áp chảo), ưnagi isobe age (lươn cuốn mì soba chiên giòn),...

Đây là những món ngon cao cấp và thường khá đắt tiền. Đối với ẩm thực Việt Nam mình thì cũng không kém phần phong phú, một món bồi dưỡng cơ thể cực tốt cho người già, trẻ em, người yếu vào mùa nóng nực. Trong đó, ngoài các món canh chua, xào, nướng, phải nói lươn um nước cốt dừa nó thể hiện rõ nhất nét ẩm thực, khẩu vị riêng của người miền Tây.

Tuy nhiên, có món lươn nướng lá nhàu là ít người biết đến, trong khi đây là món ăn đem lại sự lạ miệng kích thích ăn nhiều và tác dụng bồi dưỡng cơ thể rất tốt. Trong Đông y có món canh lá nhàu non nấu với lươn, hoặc thịt bò dành cho người suy dinh dưỡng. Món lươn nướng lá nhàu (ảnh) rất dễ chế biến, con lươn được làm sạch nướng trên lửa than.

Lá nhàu non xắt sợi nhỏ trộn với nước giấm, đường, tỏi rồi rưới lên thân lươn, rắc lên trên đậu phộng rang. Vị chát nhẹ, mùi thơm hăng hăng ăm kèm với thịt lươn rất “bắt”. Đặc biệt, lá nhàu kèm có tác dụng hãm bớt tính hàn của thịt lươn, phù hợp cho người có tỳ vị yếu, người bệnh vừa khỏi. Đây là món dễ chế biến dành tiếp khách vừa ngon và không kém phần sang trọng.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh