Nhà có khách, mẹ bận tíu tít. Ba trong bộ quân phục càng thêm chững chạc. Tôi được phân công đứng chờ khách sai bảo. Khi người khách thứ 6 bước vào cũng là lúc "tiệc mặn" đã được mẹ bày biện xong. Ba trịnh trọng mời mấy bác còn ngồi ở bàn trà:
[links()]
Nhà có khách, mẹ bận tíu tít. Ba trong bộ quân phục càng thêm chững chạc. Tôi được phân công đứng chờ khách sai bảo. Khi người khách thứ 6 bước vào cũng là lúc “tiệc mặn” đã được mẹ bày biện xong. Ba trịnh trọng mời mấy bác còn ngồi ở bàn trà:
- Kính mời thầy, mời anh em dùng ly rượu lạt cùng những món ăn dân dã đồng quê.
Người mà ba tôi gọi thầy xưng em, tuổi đã ngoài lục tuần nhưng còn khỏe mạnh, tác phong nhanh nhẹn, vóc dáng như một nhà nho uyên bác. Đã nhiều lần ba kể tôi nghe về người thầy của ba cùng những đồng nghiệp đã một thời gác bút cầm súng giữ quê hương. Đó là thời kỳ vào những năm cuối của thập niên sáu mươi, khi cuộc chiến tranh giữ nước ngày càng gian nan, ác liệt. Đã bao lớp học sinh, sinh viên tạm xa mái trường, cầm súng quyết giữ quê hương. Dù chiến trường là hy sinh, mất mát; là cái chết nhẹ tựa lông hồng... Vậy mà trong lòng người nào cũng phơi phới tương lai, tin vào một niềm tin bất diệt. Một sự tình cờ hay là điều tất nhiên, khi mà ba đã gặp lại người thầy đáng kính cùng hàng chục đồng nghiệp trong khu căn cứ. Ba còn kể tôi nghe về những đau thương, những gian nan vất vả trong chiến tranh. Tôi cảm thấy luyến tiếc không được tận mắt chứng kiến những tháng năm hào hùng đó. Sinh ra và lớn lên trong cuộc sống thanh bình, được thừa hưởng bao vinh quang cùng hạnh phúc mà cha ông đã phải đổi bằng xương bằng máu. Được học hành với đầy đủ các phương tiện, từ cây thước nhỏ đến giàn máy vi tính hiện đại tinh vi... đến bộ bàn ghế xinh đẹp, đến ngôi trường sạch sẽ khang trang... Những điều đó thời ba đi học đâu có được. Ba đến trường với mơ ước trở thành nhà giáo. Ba đã toại nguyện dù cho bao tháng năm phải vượt lên số phận.
Trong những năm học đó, ba đã gặp được người thầy- bây giờ ba vẫn kính cẩn mỗi khi nhắc đến tên: thầy Đức. Khi thầy Đức biết cậu học sinh thông minh, học giỏi có hoàn cảnh quá khó khăn, thầy đã bằng mọi cách giúp đỡ. Không phải ngày một, ngày hai mà là nhiều năm tháng: từ lon gạo, chén cơm đến cây viết chì, cuốn tập... Nhờ vậy ba đã trở thành nhà giáo- niềm vinh quang cho cả gia đình. Khi ba gặp lại thầy Đức trong chiến khu, tình thầy trò, tình đồng chí càng thêm tha thiết, mặn mà. Cùng với thầy, nhiều đồng nghiệp đã vô căn cứ tham gia kháng chiến. Cho đến ngày non sông thống nhất, nhiều đồng đội của ba đã vĩnh viễn ra đi. Ba cùng đồng nghiệp tiếp tục ở lại quân đội một thời gian, đến năm 80 những chiến binh anh hùng đó mới lần lượt trở về với nghề cũ của mình.
Ba thường kể: Thời ba đi học, câu “Tiên học lễ, hậu học văn” là kim chỉ nam cho mọi người. Tình thầy trò thân ái, chan hòa nhưng vô cùng nghiêm khắc. Ba thường thở dài khi đọc một bài báo nói về sự xuống cấp ở một trường nào đó. Giọng ba tự hào và xúc động mỗi khi kể lại tình thầy trò một thời vào sinh ra tử... Dòng suy tưởng miên man của tôi chợt dừng khi thầy Đức gọi:
- Cháu Bình lại bác hỏi. Cháu đang học lớp mấy? Học lực loại gì? Nguyện vọng thi vào trường nào?
- Thưa bác! Cháu đang học lớp 12. Học lực cháu loại giỏi. Cháu có nguyện vong thi vào khối A, theo nghiệp của ba cháu. Ba mẹ ủng hộ cháu hết mình.
-Ờ tốt! Cháu phải ráng nhiều nghe. Năm học này là năm “quyết liệt” của cháu đấy. Bác hy vọng bác và mấy thầy bạn ba cháu đây, sẽ lại họp mặt để mừng cháu vào đại học.
Các bác cười vui vẻ. Tiếng cười nồng chất lính, ấm áp nghĩa gia đình. Tiếng cười đó cứ theo tôi mãi để thúc giục, để dẫn đường cho tôi hãy sống như những người thầy, người lính. Và câu chuyện của các bác đã đưa tôi trở về để sống cùng non sông đất nước những năm tháng hào hùng.
- Kính mời thầy, mời tất cả anh em nâng ly. Năm nay cuộc họp mặt tổ chức ở gia đình tôi thực là một niềm vinh dự lớn lao. Trước hết tôi xin kính cẩn nhớ lại ba đồng nghiệp đã anh dũng hy sinh. Sau xin kính chúc thầy, chúc tất cả anh em mãi mãi là những người lính trên mặt trận mới; nguyện vững vàng và dũng cảm tiến lên. Nguyện bên nhau như những tháng năm còn chinh chiến- tiếng ba tôi mở màn.
Tiếng vỗ tay, tiếng ly chạm vào nhau. Khà một cái ngon lành, thầy Đức lên tiếng:
- Thầy Quang giờ đã về nghĩa trang để an nghỉ cùng đồng đội. Tôi còn nhớ sau trận tập kích vào trại Trần Quốc Toản, Quang bị thương nặng. Trước lúc ra đi, Quang trao tôi cây viết, trên có khắc câu thơ còn dang dở: “Người đi chân cứng đá mềm/Hẹn khi đất nước bình yên...” Lúc đó bên tôi còn có cậu Thân. Nào mời cậu Thân kể tiếp.
- Sau khi em và thầy chôn cất, ngụy trang mộ cho Quang xong, trời đã gần sáng. Em và thầy đi một quãng xa thầy mới phát hiện cây viết của Quang không còn trong túi áo. Thầy định quay tìm, em mới xin thầy để em quay lại. Gần tới mộ Quang, em nghe tiếng chửi: “Dấu máu nó còn đây, mẹ kiếp. Tụi bây kiếm cho kỹ đi. Nó chém vè đâu đây thôi. Thằng nào kiếm gặp, trọng thưởng...” “Thưa đại úy! Em mà gặp nó, em cho nguyên băng đạn này mới hả. Phải trả thù cho mấy chục lính mình phơi thây trong trại...” Nghe tới đó lòng em như lửa đốt. Từng loạt AK đanh gọn trút lên đầu chúng như trút theo lòng căm hận. Sau đó, em tìm thấy cây viết máng tòn ten trên nhánh tràm. Chắc Quang linh thiêng đã để cây viết lên đấy. Lúc này, em mới thấy bên mộ Quang là năm tên lính phơi thây.
Tiếng vỗ tay vang lên. Tiếng thầy Đức:
- Cậu Thân rất dũng cảm, hoan hô. Còn cây viết- vật kỷ niệm quý giá đó tôi sẽ tặng lại cho thế hệ mới, cho một người xứng đáng. Bây giờ, xin mời cậu Bé (Bé là tên ba tôi).
- Thưa thầy. Trong chặng đường lính em có hai kỷ niệm khó quên, một buồn một vui. Buồn, em bị kiểm điểm oan. Khi đóng quân ở Rạch Đôi, có nhà cô Lệ mẹ con đơn chiếc. Bé Ái- con cô Lệ- đã 9 tuổi mà chưa biết chữ; nổi máu nghề nghiệp và tình yêu trẻ nên em đã tranh thủ dạy cháu Ái học. Em nào biết cô Lệ là vợ một tên lính ngụy đã tử trận. Sau khi nộp bản tự kiểm, em quyết có dịp sẽ chuộc lại lỗi lầm. Khi trận chống càn ở kinh Nguyễn Văn Tiếp đang ác liệt, em hăng lên, truy kích dưới làn đạn địch. Khi đó Văn đã chạy theo yểm trợ và truyền lệnh cho em quay về công sự. Không kịp nữa rồi. Từng tràng đạn dài, từng quả rốc- két nhắm thẳng vào em. Như có người xô em nằm xuống... Lúc tỉnh dậy, trên mình em là Văn, máu Văn đầm đìa chảy ướt cả người em. Em buồn, cũng tại em mà Văn đã hy sinh. Còn niềm vui vì mới đây mẹ con cô Lệ đến thăm em. Bé Ái ngày xưa nay đã là đồng nghiệp của chúng ta. Cô ấy đang dạy ở một trường tiểu học vùng sâu...
Tiếng vỗ tay lại vang lên. Và tiếng thầy Đức:
- Bây giờ mời cậu Út.
- Thưa thầy, thưa anh em! Đêm gần tết, tổ trinh sát gồm em, Lùng và Thanh được lệnh điều nghiên đồn Vàm Xáng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trên đường trở về, khi ngang qua căn nhà nhỏ có tiếng rên đau đớn. Tiếng người đàn ông lầm rầm khấn vái. Rồi ông la lên: “Có ai cứu vợ con tôi với!” Tụi em mới ghé lại. Thì ra chị vợ đến ngày sinh, ông chồng quá lo mà làm vậy. Giữa ruộng đồng khuya khoắt làm sao có người đi rước mụ. Vốn là y tá, cậu Lùng đã giúp cho người phụ nữ mẹ tròn con vuông. Không kịp uống ngụm nước, ba chúng tôi băng đồng về đơn vị. Có lẽ tiếng la giữa đêm khuya đã khiến tụi lính trong đồn chú ý. Vì trời gần sáng, chúng đã phát hiện ba chúng tôi. Vậy là chúng gọi pháo từ thị trấn bắn cấp tập. Cậu Lùng đã hy sinh, tôi bị thương.
- Đón một con người chào đời chúng ta đã phải đổi mạng sống một con người và thêm một bị thương- ba tôi nói.
- Để có cuộc sống hôm nay chúng ta phải đổi bằng xương máu của hàng triệu con người. Hàng ngàn đồng đội chúng ta phải thương tật suốt đời. Có chiến thắng nào, có vinh quang nào không đổi bằng xương bằng máu. Như mùa đông lá rụng để hôm nay có mùa xuân vĩnh cửu. Đó là hàng triệu bé thơ vui tung tăng cắp sách đến trường- thầy Đức kết luận.
Chú Út tiếp lời thầy:
- Cách đây mấy tháng em về công tác ở thị trấn Mỹ Thọ, tình cờ em gặp được công dân đã chào đời trong đêm pháo địch gầm gào đó. Anh ta rất tự hào được cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay những con người dũng cảm. Anh sẵn sàng kể chuyện đó trong niềm vui và lòng kính cẩn.
Cung kính nâng ly rượu, ba tôi nói:
- Kính mời thầy uống cùng em ly rượu nghĩa ân. Trong cuộc đời, có những người đã làm ơn để cứu sống hai lần cho một con người. Đó chính là thầy. Thầy đã cứu giúp em để em trở thành một nhà giáo. Thầy lại cứu em trong trận đánh tàu địch trên sông... Để em lại trở về tiếp tục chiến đấu, thầy đã phải để lại chiến trường một cánh tay. Nhìn thầy viết bằng tay trái, lòng em đau nhưng sao lại tràn ngập tự hào. Thầy đã cho em được làm thầy và được làm người lính kiên trung.
Thầy Đức ngắt lời:
- Bất cứ ai gặp những trường hợp đó đều xử sự như tôi mà. Phải không anh em?
Tiếng vỗ tay, tiếng cụng ly. Và giọng ai khẽ hát: “Có một bài ca không bao giờ quên...” Thầy Đức hắng giọng và nói:
- Cuộc chiến đã qua, nhưng chúng ta vẫn còn nặng nợ nhiều đồng đội. Ngày hôm nay, ngày nhà giáo cũng là ngày cậu Hưng hy sinh khi đánh đồn Xẻo Quýt. Lúc ấy, mình đã dạy cậu Hưng biết đọc và viết được thư cho vợ. Cậu ấy đã dành phần điểm hỏa trái bộc phá vào hướng cửa mở, đó là việc của tôi. Và Hưng đã hy sinh anh dũng. Cậu Hưng, người đồng đội, người học trò ngoan của tôi đã giành phần hy sinh như vậy đó. Đã bốn chục năm trôi qua mà chúng ta vẫn chưa tìm ra mộ. Chúng ta còn thiếu nợ đồng đội rất nhiều... Giờ đây, chúng ta đang cố gắng làm thật nhiều công việc, vì thời gian chẳng còn được là bao. Vài năm nữa chúng ta sẽ trở thành những người hưu trí, vậy nên chúng ta hy vọng hoàn toàn vào lớp trẻ. Nhân cuộc họp mặt này, xin phép cậu Quang, tôi sẽ trao cây viết cho cháu Bình. Mong cháu sẽ trở thành con người có ích nhất cho xã hội. Mãi mãi cháu là con ngoan của người lính, con ngoan của người thầy. Cây viết sẽ là lời nhắc nhủ hàng ngày cùng con.
... Từ đó cây viết- vật kỷ niệm vô giá đã cùng tôi làm nên những điểm 10 chói lọi. Cây viết đã cùng tôi ghi lại câu chuyện của những người thầy, người lính. Tôi càng yêu mến hơn những tên đất, tên làng cùng những con người bình dị của quê hương. Tôi biết kính cẩn nghiêng mình trước nghĩa trang liệt sĩ; biết hát vang bài ca cho quê hương, đất nước. Lòng tôi tự hào có những người thầy, người bác như thầy Đức- một nhà giáo ưu tú, một người lính anh hùng.
Thời gian chẳng đợi chờ ai. Chỉ còn những tháng ngày ngắn ngủi nữa là tới mùa thi. Đi thi ai chẳng lo chẳng hồi hộp. Nhưng với tôi, trong sự hồi hộp đó còn bao niềm hy vọng khát khao. Tôi hy vọng sẽ được bước chân vào trường sư phạm. Vâng! Đó là mơ ước của tôi- một ước mơ có điểm tựa vững vàng.
BÙI NGỌC LINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin