Biên bản buổi sinh hoạt nghiệp vụ báo chí

03:06, 23/06/2015

Tại trụ sở Báo, đã tiến hành buổi sinh hoạt nghiệp vụ báo chí giữa Ban biên tập với những nhà báo già và các phóng viên trẻ, dưới sự chủ trì của Tổng biên tập. 

[links()]

… Ngày... tháng... năm

Tại trụ sở Báo, đã tiến hành buổi sinh hoạt nghiệp vụ báo chí giữa Ban biên tập với những nhà báo già và các phóng viên trẻ, dưới sự chủ trì của Tổng biên tập.

Minh họa: Họa sĩ Nguyễn Nam
Minh họa: Họa sĩ Nguyễn Nam

Mở đầu buổi sinh hoạt, Tổng Thư ký tòa soạn đã nêu mục đích ý nghĩa của buổi sinh hoạt là thời gian qua, báo ta thường xuyên có… tin trùng. Đây là điều tối kỵ, không thể nào chấp nhận được, làm xúc phạm đến độc giả.

Trên mặt báo mà đăng hai ba tin trùng nhau. Cụ thể là vào ngày thứ bảy tuần qua, tôi xin không nêu tên cụ thể. Tin của một nữ phóng viên, với tin của một nam phóng viên đã trùng lập, y chang… Điều này chứng tỏ cách xử lý tin bài của tòa soạn quá yếu kém, hời hợt trong khâu biên tập, đồng thời ý thức trách nhiệm, đạo đức báo chí của các phóng viên chưa cao, trong tác nghiệp đã để cho… tin trùng cứ diễn ra hoài. Nhằm khắc phục những yếu kém nêu trên, hôm nay, nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Tổng biên tập đã quyết định cho tiến hành buổi sinh hoạt nghiệp vụ báo chí giữa những nhà báo lão thành, dày dạn kinh nghiệm với các phóng viên trẻ, nhằm tạo cho các phóng viên trẻ có dịp nâng cao tay nghề, ý thức trách nhiệm của nhà báo. Làm báo cần phải có cái tâm, cái tầm. Sau đó, Tổng thư ký tòa soạn giới thiệu Tổng biên tập lên phát biểu khái quát về ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trước khi dứt lời, Tổng biên tập chân tình: Vậy tôi đề nghị các phóng viên trẻ hãy mạnh dạn, thẳng thắn, thân thiện nêu ý kiến với các nhà báo già, những người đã nhiều năm trong làng báo, sẽ có những ý kiến xác thực, giúp những phóng viên trẻ thêm nhiều kinh nghiệm. Qua sinh hoạt nghiệp vụ lần này, tôi tin rằng từ đây về sau, Báo chúng ta không có những tin bài “lôm côm” như những tờ báo… lá cải khác. Xin chúc buổi sinh hoạt của chúng ta gặt hái nhiều thành công.

Sau khi Tổng biên tập phát biểu, bầu không khí nóng dần lên. Cánh phóng viên trẻ đã mạnh dạn nêu ý kiến: Chúng tôi đã từng nghe nói về báo “lá cải” nhưng chưa biết rõ tại sao gọi là lá cải? Đề nghị Tổng biên tập giải thích. Tổng biên tập vui vẻ: Để cho buổi sinh hoạt đạt hiệu quả, thiết nghĩ chúng ta tự đặt vấn đề rồi cũng chúng ta giải quyết vấn đề. Nào, mời các nhà báo hãy tự phản biện.

Được mở ngỏ, các nhà báo trẻ sôi nổi nêu ý kiến: Có phải báo “lá cải” nó cũng như hình tượng của lá cải, sớm nắng chiều mưa, không bền bỉ, mà muốn tăng trưởng tươi tốt, thì phải cần nhiều… phân bón, nhất là phân chuồng với phân xanh. Một ý kiến khác đóng góp: Cũng như báo “lá mít”, mà ông bà xưa thường nói học dốt, chữ nghĩa không đầy lá mít. Do không có văn chương chữ nghĩa, thiếu ngôn ngữ báo chí nên gọi là báo “lá mít”. Đến báo “lá hẹ”, lá hẹ là thứ chỉ có luộc với nấu canh. Là tờ báo gặp cái gì cũng luộc, cái gì cũng nấu canh, không buông tha. Cùng đi trên chuyến tàu tốc hành đó còn có báo đời, báo hại, chỉ có làm ảnh hưởng xấu cho xã hội mà thôi. Một nhà báo trẻ mạnh dạn: Qua ý kiến của các phóng viên trẻ chúng tôi vừa nêu, kính đề nghị các bậc nhà báo lão thành cho ý kiến.

Một nhà báo già tâm đắc: Các đồng nghiệp trẻ đã có cái nhìn rất… nhà báo. Nhưng tôi cho rằng còn thiếu một loại báo gọi là báo… lố. Báo không ai đọc, đành bán ký lô, bán từng lố.

Cả hội trường vỗ tay rần rần. Nhà báo già có ý kiến tiếp tục: Vậy các phóng viên trẻ hãy tìm giúp cho những tờ báo chúng ta vừa nêu, thì phóng viên tầm cỡ nào mới đủ khả năng tác nghiệp cho những báo đó. Như khơi đúng mạch, gợi đúng nguồn, cả hội trường nóng lên, nhiều ý kiến sôi nổi đóng góp: “Theo tôi nghĩ thì có anh phóng... đại, chuyện nhỏ như con thỏ, mà anh viết to như con bò, thậm chí là cọp, là sư tử. Anh phóng... hỏa cũng chẳng vừa, chuyện đời tư của người ta, đem ra phơi bày trên mặt báo, khiến nhà cửa... cháy hết. Nếu vậy thì phải kể đến anh phóng... nhanh, đã phóng nhanh thì đương nhiên vượt ẩu, viết báo mà ẩu tả thì hết... ý, không ai can nổi tai nạn nghề nghiệp xảy ra.

Giữa lúc mọi người trầm tư suy nghĩ, tìm xem coi còn anh phóng... nào nữa không, chợt một phóng viên trẻ lên tiếng: “Tôi nói đến cái tay phóng này cực kỳ nguy hiểm, nó làm ảnh hưởng nặng nề đến chúng ta, làm nổ tung cả làng báo, đó là anh phóng... lựu”.

Cả hội trường một lần nữa vỗ tay như pháo nổ.

Nhà báo già đứng dậy, ông từ tốn kết luận: “Tôi chân thành cám ơn các phóng viên trẻ đã dũng cảm nêu lên những tay phóng... cực kỳ nên tránh đó. Thật ra trong làng báo, chỉ có báo ngày, báo tuần hay đặc san, tạp chí... chớ không có báo lá cải, lá hẹ, lá mít gì đâu. Do người ta có ấn tượng những bài báo còn bỏ sót những hạt sạn, nên mới gọi một cách... báo chí đó thôi. Vậy thì đối với chúng ta, tôi thiết nghĩ cũng hết sức đơn giản, trước khi viết, mình nên nghĩ là đang viết cái gì, mục đích gì và nhất là viết cho ai đọc.

Trước khi dứt lời, tôi cũng xin đề nghị là mỗi khi báo ta xảy ra tai nạn nghề nghiệp, là đăng một lúc hai ba tin giống nhau, các phóng viên trẻ hãy nghĩ xem mình nên gọi một cái tên gì cho nó rất... báo chí, thay vì gọi... tin trùng.

Cả hội trường vỗ tay kéo dài.

Buổi sinh hoạt nghiệp vụ báo chí kết thúc vui vẻ và thành công tốt đẹp.

Ba Làng

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh