
Ngà đã 30 tuổi. Cái tuổi không còn trẻ để ở một mình, vậy mà nàng vẫn chưa có người yêu. Mẹ nàng suốt ngày than vãn: "Ưng đại một thằng rồi cưới đi con ạ, thành bà cô mất thôi".
Ngà đã 30 tuổi. Cái tuổi không còn trẻ để ở một mình, vậy mà nàng vẫn chưa có người yêu. Mẹ nàng suốt ngày than vãn: “Ưng đại một thằng rồi cưới đi con ạ, thành bà cô mất thôi”.
Nàng thì chẳng mảy may buồn, lại còn đùa trên facebook: Năm nay tớ 30 tuổi, tình trạng hôn nhân: dấu chấm. Nghĩa là một dấu chấm tròn trĩnh, chứ không phải là dấu hai chấm với một, hai, ba, bốn và vân vân theo phía sau. Mấy đứa bạn nhào vô comment tùm lum, nhẹ thì: lấy chồng dùm đi lão cô cô, hay kiếm thêm dấu chấm nữa đi cho thành dấu hai chấm cô nương; gay gắt hơn thì: ế còn bày đặt làm cao, già rồi đó nường ơi. Ngà chỉ bật cười khi đọc những dòng comment đó. Sao lại không bật cười được cơ chứ, trong khi lũ bạn tất bật chăm con, chăm chồng thì nàng vui vẻ làm việc, tha hồ ngủ nướng, shoping, lâu lâu đi xem vài bộ phim mới. Cuộc sống như thế thì còn gì bằng, sao cứ phải đi tìm một cái dấu chấm nữa và kéo theo một tá thứ phía sau.
Hai vị lão gia gia thì không bình thản được như nàng. Tuy không ai nói gì nhưng nàng biết chắc hai người đang âm mưu gì đấy.
***
Sáng chủ nhật, mẹ réo tên nàng liên tục cho tới khi nàng không chịu đựng được lên tiếng đáp. Khi ngồi vào bàn ăn, nàng hơi ngạc nhiên khi thấy ba ăn mặc rất chỉn chu. Ông nhìn nàng bằng ánh mắt khang khác. Nàng giả vờ ngây ngô hỏi:
- Ủa, hôm nay ba đi ăn đám cưới à?
- Ừ, đám cưới con bác Tư. Ăn lẹ, thay đồ chở ba đi- mẹ nàng đáp.
- Ba đi taxi nghen, hôm nay con bận rồi.
![]() |
Nàng làm bộ mặt thảm thương mong nhận được sự đồng cảm nơi ông. Nhưng ông im lặng không đáp, bình thản ăn sáng, như không nghe thấy câu nài nỉ của nàng. Ngà thở dài, vậy là nàng phải đi ăn đám cưới bất đắc dĩ. Nàng quá hiểu dụng ý của ba mẹ, họ muốn nàng đi ăn đám cưới để gặp họ hàng, và những ông chú, ông bác cao niên sẽ giúp họ giáo huấn cho nàng về chuyện chồng con. Dường như họ nghĩ rằng việc thường xuyên đi ăn cưới, nhìn thấy vẻ mặt rạng ngời của cô dâu chú rể sẽ thúc đẩy niềm khao khát lấy chồng của nàng bùng cháy vậy. Họ đã sai lầm hoàn toàn. Nàng không hề thấy vẻ rạng ngời trong ánh mắt cô dâu, mà chỉ thấy trong đó những u sầu khi phải xa cha mẹ, và cả nỗi lo lắng khi đứng sát rạt với “giám sát viên” gia đình chồng. Đi đám cưới chỉ càng làm cho nàng ngán ngẩm thêm với chuyện chồng con. Dù vậy, nàng vẫn ngoan ngoãn tuân theo thánh chỉ đã ban hành.
Tới tiệc cưới, Ngà ngồi vào một chiếc bàn khuất, cố hạn chế tối đa cơ hội gặp người quen. Nhưng hình như điều đó là vô ích, ở đây chỉ toàn họ hàng, bà con thì làm sao mà tránh được? Suốt cả buổi, nàng phải nghe không biết bao nhiêu lần câu hỏi: bao giờ cưới và phải trả lời biết bao nhiêu lần cái câu: con cũng đang tìm, rồi phải làm vẻ mặt sầu não như đang buồn lắm, mong cưới lắm rồi. Ở dòng họ Trần này, con gái quá lứa lỡ thì mà chưa lập gia đình sẽ thành mối bận tâm chung của cả họ. Dạo trước cô Mười cũng ở giá tới 45 tuổi. Cả họ lo ngay ngáy. Một cuộc họp bao gồm các vị cao niên trong họ được triệu tập, và cuối cùng mọi người thống nhất là sẽ kiếm một mối nào đó ép gả cô. Kế hoạch này được ông chú Hai, anh trai cả của cô Mười tán thành, bởi giờ cha mẹ cô đã yên nghỉ từ lâu. Chẳng biết mọi người làm thế nào, chỉ thấy cuối năm đó, đám cưới được tổ chức. Năm đó cô bước qua tuổi 46. Chồng cô là một “anh” nông dân hơn cô 4 tuổi, chưa vợ. Lý do chưa vợ thì rất đơn giản, vì “anh” khờ đúng nghĩa chữ khờ nên không cô gái nào dám rước về làm chồng. Mọi người chia vui với cô, chúc mừng cô kiếm được anh chồng hiền lành, củi mục dễ đun, chồng khờ dễ khiến mà. Chẳng nói ra nhưng Ngà thừa biết gả được cô, cả họ ai cũng mừng, như trút được gánh nặng ngàn cân. Thế là từ đây, con gái trong họ lại thuận buồm xuôi gió về nhà chồng, không còn bị áng ngự bởi bà cô già nữa. Giờ đây thì gánh nặng của họ Trần lại xuất hiện, đó là Ngà. Cả họ lại lo ngay ngáy cho sự xuất hiện của bà cô thứ hai, và nàng biết mấy bậc cao niên trong họ họp kín họp mở không ít lần để bàn cách ép gả nàng, như từng ép gả cô Mười. Nàng tự nhủ không bao giờ chịu xuôi theo sự sắp xếp của dòng họ. Nàng không muốn thành cô Mười thứ hai.
Đúng như nàng dự đoán, sau khi tiệc cưới đã tan, ông chú Hai gặp riêng nàng nói chuyện. Nàng đã chuẩn bị tâm lý từ sáng sớm nên không có gì bất ngờ trước bài diễn văn dài hai tiếng đồng hồ của ông. Nội dung vẫn là chuyện muôn thuở:
lấy chồng. Nàng kiên nhẫn ngồi nghe, không cãi lại, cố cúi gằm mặt xuống để giấu đi vẻ bình thản trên khuôn mặt. Sau bài diễn văn, ông chú Hai uống hết cả ca nước đá để đập tan cơn khát hành hạ trong cuống họng, và chốt lại một câu:
- Con Hai đã hiểu chưa?
- Dạ, hiểu.
Giọng nàng buồn buồn, nhưng kỳ thực là đang cố dằn lại tràng cười chỉ chực nhảy ra ngoài vòm miệng và nổ giòn ngoài không khí.
***
Tối hôm đó, nàng không ngủ được. Nàng bận nghĩ về số phận cô Mười sau khi lấy chồng. Nàng nhớ sau đám cưới hai năm, mẹ thông báo cô sinh một công chúa nhỏ và mang cả hình của gia đình cô ra khoe. Cô cười hạnh phúc. Nhưng không hiểu sao khi nhìn vào đôi mắt cô, nàng lại thấy trong đó cả một nỗi buồn xa vắng.
Sáng ra, cảm giác nặng đầu theo nàng vào phòng làm việc. Mở một tờ báo mạng, lướt qua những bản tin thời sự, tình cờ nàng thấy mẩu quảng cáo tuyển sinh cao học. Một ý nghĩa lóe sáng trong đầu nàng, tại sao nàng không đi học cao học ở một nước nào đó, chỉ cần đi xa thì nàng sẽ không phải nghe càm ràm chuyện chồng con nữa. Đi học, một lý do quá chính đáng, ba mẹ nàng và cả họ hàng chẳng thể ngăn cản được. Dù gì trong dòng họ Trần, chưa ai lấy bằng thạc sĩ cả, nếu nàng làm được cũng là một niềm tự hào cho ba mẹ. Nhưng nếu đi du học tự túc thì chi phí lớn quá, ba mẹ chắc chắn sẽ không hỗ trợ, cách khả thi nhất là xin học bổng. Những ngày sau đó nàng lục tung các website để tìm học bổng, và gấp rút chuẩn bị hồ sơ để nộp. Rồi nàng lao vào học tiếng Anh chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn sắp tới.
Sáu tháng sau ngày phỏng vấn, niềm hy vọng đi xa của nàng trở thành vô vọng. Nàng trở nên trầm lặng hơn bao giờ hết. Nàng không nhớ đã mấy ngày rồi không nói chuyện với ba mẹ. Khoảng cách giữa nàng và họ ngày càng lớn dần lên, như ngọn lửa cháy âm ỉ giờ tới lúc bùng lên. Nhỏ bạn thân khuyên nàng đi bác sĩ tâm thần khám vì nàng có những dấu hiệu của bệnh tự kỷ. Nàng gạt tất cả những lời khuyên chân thành của nó và vùng recycle bin trong ổ nhớ. Không phải vì nàng ghét nó, hay khinh thường nó mà chỉ vì đơn giản là nàng không muốn suy nghĩ về những gì nó khuyên. Nàng lao vào làm việc, và chỉ thấy vui khi làm việc. Và nàng tự biện minh rằng cuộc sống trôi đi chỉ đơn giản vì nó không thể dừng lại.
Sáng chủ nhật, mở tung cánh cửa sổ và ngồi đối diện với chính mình trong gương, trong biển ánh sáng trong lành buổi sớm mai, nàng nhận ra mình đã già. Phía đuôi mắt xuất hiện nếp nhăn. Nàng khẽ thở dài. Vậy là nàng sắp bước qua tuổi 31, lại phải thêm một dấu “+” sau cái tựa đề bài viết “Độc thân tuổi 30” trên facebook. Nghĩ vậy nàng phá lên cười sằng sặc, cười đến độ ho sù sụ. Khi trấn tĩnh lại, nàng bất chợt thấy bên nhà hàng xóm, nơi khung cửa kính hắn đã đứng đó từ bao giờ, nhìn chằm chằm về phía nàng. Bắt gặp ánh mắt nàng nhìn hắn nhe răng cười. Cơn tức giận luồn qua những sợi thần kinh và ra lệnh cho cánh tay chụp lấy cánh cửa đóng sầm lại. Nàng ghét hắn. Cái tên hàng xóm kém nàng hai tuổi, và lúc nào cũng chọc ghẹo nàng. Hồi lâu lắm, mẹ hắn đã từng qua nhà nàng để hỏi cưới. Ba mẹ nàng quá bất ngờ, còn nàng thì giãy lên đành đạch: cô đừng có đùa nữa, con không thích vậy đâu, rồi giậm chân thình thịch đi vào phòng riêng. Cho tới giờ, với nàng, hắn chỉ là một tên nhóc mới lớn, dù hắn cũng sắp sửa lên hàng băm. Sau cái sự kiện dạm hỏi ấy, nàng càng ghét hắn hơn bao giờ hết.
Nàng ngồi thừ vài giây rồi sực nhớ ra hôm nay là chủ nhật, nghĩa là sẽ có khách. Nàng phải ra đi trước khi vị khách ấy tới. Đã mấy tuần nay, chủ nhật nào nhà nàng cũng có khách, không phải là con người bạn của mẹ thì là con của bạn ba, rồi tới cháu người này người kia. Nàng hiểu tất tần tật những gì đang tồn tại trong suy nghĩ của hai lão gia gia nhưng vờ như không biết. Nàng lấy cớ chủ nhật đi họp, đi xem phim với bạn, hay đi shoping để tránh những vị khách ấy. Mỗi lần nàng bước ra khỏi cửa là ba mẹ nàng trao nhau cái nhìn buồn rầu và một tiếng thở dài não ruột. Nàng biết mỗi ngày trôi qua, niềm khao khát có cháu bế càng lớn dần lên trong lòng ba mẹ. Mỗi lần nhìn thấy đứa bé hàng xóm là y như rằng mẹ nàng lại rạng rỡ hẳn lên, nói cười, nựng nịu nó như cháu của mình. Biết là biết vậy thôi, chứ nàng thật tình chưa muốn lấy chồng.
Tháng thứ 7 sau cuộc phỏng vấn, nàng nhận được điện thoại báo trúng tuyển. Nàng mừng tới mức độ xin nghỉ buổi chiều để chạy về nhà báo cho hai lão gia gia biết. Hai lão gia gia vui phải nói, nhưng rồi sau đó mấy phút lại nhìn nhau thở dài thườn thượt. Mẹ than:
- Vậy chừng nào mới lấy chồng hở con?
Thế là cái chuyện đáng mừng lại hóa đáng lo. Trước ngày nàng đi, ba mẹ cũng làm bữa cơm gọi là tiễn con đi học, mời mấy vị cao niên trong họ đến dùng cơm. Ông chú Hai vỗ vai nàng đùa:
- Sang kiếm phắt thằng rể tây cho mẹ mày, Ngà ạ.
- Úi giời, quý hóa gì rể Tây hở chú? Vả lại tôi một chữ tiếng Anh cũng chả biết, rể Tây về cứ xì xồ ba láp ai hiểu gì?
Mọi người cười ngoặt nghẽo vì câu nói của mẹ.
Chiều, nàng ra trước sân hóng mát. Thời tiết Sài Gòn mùa này oi bức quá, gần tối mà vẫn còn oi nồng.
- Mai đi sớm à?
Nàng giật mình quay lại nhìn thì thấy gã đang tựa người vào hàng rào cười toe toét. Nàng định mắng gã vài câu nhưng lại thôi, dù gì nàng cũng sắp đi xa, nên dằn cục tức xuống:
- Ừ, mai Ngà đi sớm.
- Anh dậy sớm đưa em ra sân bay nhé?
Nàng trố mắt nhìn gã. Hôm nay gã lại xưng “anh” với nàng. Đã cố tình nhịn mà lại còn chọc tức nữa cơ đấy, vậy thì ta cho biết tay:
- Thôi khỏi bé à, taxi có nhiêu đâu. Làm phiền cưng áy náy lắm.
- Phiền thì chị… hôn em một cái trả công là được rồi.
Nàng hầm hầm giơ hai ngón tay lên:
- Hai tuổi đấy nhé!
- Hai năm nữa anh cũng bằng tuổi em, 30+, xứng đôi vừa lứa hén- gã lại nhe răng cười.
Nàng hậm hực bỏ vào trong nhà. Gã đứng nhìn theo, ngậm ngùi nhìn tấm giấy trên tay. Tấm giấy báo trúng tuyển học bổng toàn phần hệ cao học ở Úc, gã đã định đưa nàng xem nhưng lại thôi.
Sáng hôm sau, nàng dậy thật sớm, xách vali, nhẹ nhàng rời khỏi nhà. Nàng không muốn thấy mẹ khóc khi tiễn nàng. Ra tới đường, đang đứng lớ ngớ nhìn quanh tìm taxi thì một chiếc xe máy trờ tới. Gã xuống xe, xách vali bỏ lên xe và dúi chiếc nón bảo hiểm vào tay nàng giục:
- Lên xe đi em.
Nàng đứng chôn chân nhìn gã.
- Lẹ lên, trễ giờ kìa.
Nàng lật đật đội nón và trèo lên xe ngồi. Gã rồ ga phóng đi. Gã im lặng suốt chuyến đi, cho tới tận cổng sân bay, khi đưa chiếc vali cho nàng, gã mới ấp úng:
- Qua đó… đợi anh nhé.
- …
- Anh đậu rồi. Ba tháng nữa anh sang với em.
Nàng chết lặng vài giây, rồi vội vã kéo vali đi thật nhanh. Đầu óc nàng quay cuồng. Đi được một đoạn, nàng quay đầu nhìn lại. Gã vẫn đứng nhìn theo, vẫy tay và cười tươi rói. Nàng mỉm cười, vẫy tay đáp lại, và trong khoảnh khắc đó nàng chợt thấy gã đáng yêu hơn bao giờ hết.
KIM NGÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin