Như chúng ta đã biết, điểm chính trong kế hoạch tổng thể của Bộ Tổng Tham mưu là yêu cầu toàn quân phải chuẩn bị để khai thác ngay lập tức bất kỳ thời cơ chiến lược nào nảy sinh.
[links(left)]
Kỳ 3: “Kho báu” từ chiến thắng Phước Long
Như chúng ta đã biết, điểm chính trong kế hoạch tổng thể của Bộ Tổng Tham mưu là yêu cầu toàn quân phải chuẩn bị để khai thác ngay lập tức bất kỳ thời cơ chiến lược nào nảy sinh.
Bộ đội chủ lực miền tiến công giải phóng cứ điểm Bộ Chỉ huy cảnh sát ngụy ở Phước Long. Ảnh tư liệu từ Báo QĐND. |
Khi Tướng Trà (Trần Văn Trà) nhận lệnh từ Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu Trung ương Cục miền Nam phải dự kiến các tình huống cho một cuộc tấn công thần tốc vào Sài Gòn trong trường hợp xảy ra một “sự biến chính trị- quân sự” (đảo chính), ông biến cái “dự kiến” này thành nền tảng kế hoạch của Trung ương Cục miền Nam cho năm 1975.
Tướng Trà đặt việc chiếm Sài Gòn trong năm 1975, không kéo dài sang năm 1976, là mục tiêu cao nhất trong kế hoạch của Trung ương Cục miền Nam. Ông yêu cầu Hà Nội ngay lập tức gửi cho mình 3- 4 sư đoàn để triển khai kế hoạch này và ông thay đổi giai đoạn 1- giai đoạn tấn công của Trung ương Cục miền Nam theo lời kêu gọi của Bộ Tổng Tham mưu- thành một chiến dịch lớn nhằm vào việc tạo cơ sở cho cuộc tấn công vào Sài Gòn, bằng cách chiếm quyền kiểm soát toàn tỉnh Phước Long. Bộ Tổng Tham mưu không đáp lại yêu cầu này.
Trở về Hà Nội vào cuối tháng 11/1974, Trần Văn Trà được biết rằng Bộ Tổng Tham mưu đã bác phần lớn kế hoạch tấn công Phước Long của ông. Sau nhiều nỗ lực, may mắn cuối cùng đã mỉm cười với Tướng Trà. Suốt những cuộc tấn công đầu tiên, quân của ông phá các đồn nhỏ của Việt Nam Cộng hòa ở Bù Đăng và Bù Na trên đường 14. Tư lệnh Trần Văn Trà báo cáo về Hà Nội vào ngày 20/12/1974 rằng trong đợt phá 2 đồn này, các lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đã thu được nguyên vẹn 4 khẩu lựu pháo 105mm và 7.000 viên đạn pháo.
Kho báu ngoài dự tính này làm các nhà lãnh đạo ở Hà Nội rất đỗi vui mừng. 7.000 viên đạn pháo là hơn nửa số đạn Bộ Tổng Tham mưu có kế hoạch sử dụng trên toàn quốc trong suốt chiến dịch 1975. Ông Trà bây giờ đã có thể lập luận rằng ông có thể sử dụng kho báu này cho cuộc tấn công vào thủ phủ của tỉnh Phước Long theo kế hoạch của ông mà thậm chí không cần động tới số dự trữ đạn dược hiện tại. Trên thực tế, Quân đội nhân dân Việt Nam có thể kỳ vọng sẽ chiếm được thậm chí còn nhiều đạn dược hơn ở các căn cứ lớn hơn. Đó là một lập luận mà các nhà lãnh đạo không thể bác được. Trần Văn Trà được phép triển khai kế hoạch ban đầu của ông.
Vào ngày 6/1/1975, Sư đoàn số 3 và số 7 của Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn tất việc chiếm tỉnh Phước Long bằng cách chiếm thủ phủ của tỉnh và thu được thêm 10.000 viên đạn pháo. Miền Nam thậm chí không có nổi một động tác giả để lấy lại Phước Long. Tuy Mỹ đe dọa hành động bằng cách cho máy bay từ tàu sân bay Enterprise cất cánh hướng về phía miền Nam Việt Nam, nhưng Enterprise đã sớm quay lưng và mối đe dọa từ Mỹ cũng tan thành mây khói.
(Còn tiếp)
Mời xem trên VL thứ ba kỳ tới.
(*) Bài viết của Merle L. Pribbenow- nhân viên Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) ở Đông Dương. Báo Vĩnh Long lược trích, phân đoạn và đặt tiêu đề dựa vào 2 bản dịch của Ngô Vương Anh và Đoàn Trang.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin