Chị tôi

11:04, 12/04/2015

Có lẽ là hình ảnh đẹp và thân thương nhất trong lòng ta, cho dù nó là một vùng quê nghèo nàn thiếu đói hay một thành phố sầm uất có thừa tiện nghi vật chất. Tôi cũng có một quê hương. Quê tôi là một vùng quê nghèo khó, tuy không đến nỗi chó ăn đá gà ăn muối nhưng ba má tôi và bà con ở đó cũng phải vất vả quanh năm. 

Quê hương.

Có lẽ là hình ảnh đẹp và thân thương nhất trong lòng ta, cho dù nó là một vùng quê nghèo nàn thiếu đói hay một thành phố sầm uất có thừa tiện nghi vật chất. Tôi cũng có một quê hương. Quê tôi là một vùng quê nghèo khó, tuy không đến nỗi chó ăn đá gà ăn muối nhưng ba má tôi và bà con ở đó cũng phải vất vả quanh năm.

Mấy công ruộng nhà không đủ ăn. Má tôi lại bệnh tật quanh năm. Tôi được sáu tuổi, ba tôi theo ghe làm bạn chài. Chị Hai tôi lúc đó được chín tuổi, đã phải cáng đáng việc nhà như một người lớn. Đầu tiên là chị phải nghỉ học. Chị đang học lớp hai và rất ham học. Má nói: “Con gái cũng không cần học, nhà nghèo quá, có bữa cơm là quý rồi!” Kể từ lúc nghỉ học, mỗi ngày chị phải cắt cỏ mướn cho nhà ông Ba Đính, kiếm thêm chút tiền quà bánh. Tôi thường lon ton chạy theo chị. Tánh tôi rắn mắt, hay leo trèo nghịch ngợm. Chị Hai vừa làm lại phải để mắt dòm ngó tới tôi. Một bữa, tôi thừa lúc chị không để ý, đã chạy một mạch ra sông. Tôi vừa bập bõm biết lội sông, nhưng bữa đó nước đang lớn, tôi bị cuốn theo dòng. Tôi giãy giụa, sặc nước, quên cả mấy động tác đập tay chân mà má tôi đã dạy. Tôi chìm xuống… rồi lại ngoi lên… Một cánh tay đã ôm chặt lấy tôi, một bàn tay túm chặt bâu áo. Chị Hai đưa tôi vô bờ. Tôi không còn hồn vía gì? Còn chị thì khóc. Vừa khóc, chị vừa căn dặn: “Một lần cho tởn tới già nghe! Mai mốt đừng ngu vậy nữa! Cưng còn nhỏ đâu lội sông một mình được. Chị hỏng méc má đâu. Nhưng cưng phải nghe lời chị”. Má tôi không hay biết chuyện tôi sắp chết đuối và tôi cũng “tởn tới già” luôn.

Bảy tuổi, tôi đi học. Ba lâu lâu về nhà vài bữa. Mấy bữa ba về tôi vui lắm. Bánh trái đầy nhà. Ba có vẻ cưng tôi hơn. Tôi đi học trong ngôi trường mới cất ở ấp bên. Chị Hai đưa rước tôi mỗi ngày hai lượt (vì từ nhà tới trường phải qua bảy tám cây cầu khỉ). Có bữa tới sớm, tôi thấy chị đứng thập thò ngó cô giáo dạy. Tôi hỏi “Chị muốn học lắm sao?” Chị nói: “Đâu có! Em là con trai cần phải học, chị phụ má làm công chuyện nhà cũng được rồi!” Tôi ngây thơ hỏi: “Rồi chị hổng biết chữ, người ta cười cho coi!” Chị Hai cốc đầu tôi một cái: “Vậy thì mai mốt chị học lại với em. Nhưng cưng phải học giỏi mới làm thầy được nghe!” Từ đó, mỗi đêm, tôi đem tập ra học cùng chị. Tôi học rất giỏi nên chị Hai cũng được học theo tôi cho tới khi làm được bốn phép tính.

Ba tôi mất năm tôi được mười một tuổi. Cả ghe lưới chỉ còn một người sống sót. Má tôi khóc than vật vã, bệnh luôn cả tháng. Bà con nội ngoại không được mấy người, vả lại, ai cũng nghèo. Chị tôi lại trở thành trụ cột gia đình. Chị lặn lội trên đồng. Chị lặn hụp dưới sông. Trong xóm kêu chị là con “rái cá”. Má không còn sức lao động, chỉ ra vô việc nhà. Chị Hai càng lớn càng đậm chắc. Chị không thon thả như mấy đứa con gái cùng xóm, chị đen đúa và hơi xấu. Chỉ mái tóc chị thì dường như được ông trời bù đắp- nó đẹp lạ lùng. Những lúc chơi đùa bên chị, chị thường hỏi: “Lớn lên cưng thích làm gì?” Tôi nghĩ tới má, cứ tối ngày uống thuốc. Tôi đáp: “Em muốn làm bác sĩ để trị bệnh cho má, cho chị nữa!” Chị tôi cười buồn: “Vậy thì phải ráng học cho thiệt giỏi. Làm bác sĩ hổng dễ đâu!”

Suốt thời gian tôi học cấp hai, chị vẫn chăm chút tôi như một người mẹ. Chị chỉ biết đọc biết viết và làm được mấy phép tính đơn giản nên chẳng hiểu gì bài vở của tôi lúc này. Chị nói: “Cái nào hổng hiểu, cưng phải hỏi thầy cô. Chị đâu biết gì, cưng đừng để thua kém bạn bè, má buồn lắm!” Tôi chọc chị: “Chị không biết em học giỏi nhứt lớp sao? Chỉ cần chị nấu cơm cho em ăn thôi, đâu cần chị dạy”. Tôi, ngoài giờ học ở trường lại cắm đầu cắm cổ vào bài tập ở nhà. Tôi rất ham học và chỉ coi trọng việc học. Bao nhiêu tấm giấy khen tôi đem về là bấy nhiêu niềm vui và tự hào trong lòng chị. Cũng có khi tôi thấy mình ích kỷ quá! Chỉ mãi lo học mà không giúp được gì trong công việc nhà. Nhưng mỗi khi tôi định rớ tay vào việc gì thì chị lại trừng mắt: “Để đó cho chị. Cứ lo học đi!”

Tôi được tuyển thẳng vào lớp mười vì đã chín năm liền là học sinh giỏi. Chị tôi cười ra nước mắt, ôm chầm lấy tôi. Tôi nghe buồn vì bàn tay chị cứng còng, thô ráp, không như hai bàn tay mềm mại của tôi. Má cũng khóc. Má thắp nhang bàn thờ ba rồi nói: “Thằng Minh nó học giỏi lắm ông à! Nó làm nở mặt nở mày gia đình mình rồi đó!” Ngày nhập học đầu tiên, chị Hai đưa tôi đi. Chị quyết tâm muốn nhìn thấy ngôi trường đẹp nhứt huyện ra sao và tôi bước vào đó oai phong thế nào. Qua sông, chị em tôi lội bộ. Con đường tới trường cũng phải ba cây số. Nhìn tôi quệt mồ hôi trên trán, chị thở dài. Tôi đâu hiểu tiếng thở dài ấy đã đưa chị đến một quyết định mà mãi sau này tôi mới biết. Mấy ngày sau khi nhập học, trưa hôm ấy khi tôi về đến nhà đã thấy chiếc xe đạp mới tinh dựng chình ình trước sân nhà. Tôi mừng quýnh lên: “Trời đất! Xe của ai vầy nè? Chị ơi!” (Lạ một điều, trong những lúc giựt mình hay gấp gáp việc gì, tôi cũng đều kêu chị). Chị Hai từ trong nhà bước ra. Tôi ngỡ ngàng nhìn mái tóc chị, nó đã cụt ngủn rồi. Tôi ngờ ngợ, chưa hỏi được gì, chị đã cười rất tươi (tại sao tôi thấy chị cười tươi mà không thấy chị cười héo? Tôi ngu quá!) “Chị cứ lặn hụp dưới sông hoài, tóc dài quá nên cắt bớt cho tiện”. Tôi không quan tâm tới mái tóc chị nữa mà quay qua chiếc xe: “Của ai vậy chị?” Chị cười: “Của cưng chớ của ai. Đi học xa quá phải có xe chớ!” Tôi mừng quýnh nhảy lưng tưng lên như trái banh bàn. Tôi với chị đã từng tập chạy xe đạp– chiếc xe của nhà bác Tám Thôn. Nhưng để có riêng một chiếc cho mình, thì chỉ là trong mộng. Tôi leo lên, lượn một vòng trên sân, quên cả mọi thứ xung quanh. Quên cả cái đầu tóc củn cởn của chị.

*

* *

Tôi tốt nghiệp phổ thông với điểm cao nhứt trường. Vừa nhận được kết quả đậu vào trường y thì má mất. Tôi than khóc đủ điều. Tôi không chấp nhận được sự thật này. Tôi muốn học y khoa để làm bác sĩ, để trị bệnh cho má. Nhưng má đã bỏ tôi đi sớm quá. Chị Hai dường như không khóc. Gương mặt chị già sọm đi. Ánh mắt khô khốc xa xăm. Dường như chị muốn chứng tỏ mình là trụ cột gia đình kể từ bây giờ. Chôn cất má xong, tôi đòi nghỉ học, đi làm. Chị trừng mắt nhìn tôi, cái nhìn giận dữ: “Em điên rồi sao? Em đã hứa với má sẽ học để làm bác sĩ. Bây giờ em muốn má chết không yên sao?” Tôi cũng cãi bướng: “Bây giờ, chị có một mình. Nếu em đi học, chị phải cực khổ mười lần”. “Thây kệ chị, chị lo được. Em chỉ cần học giỏi là chị vui rồi. Đừng nghĩ quẩn nữa”.

Chị đưa tôi qua sông vào một sáng mờ sương. Kể từ hôm nay, tôi sẽ xa nhà, xa chị. Chị ngồi bơi xuồng mà ánh mắt buồn bã, xa xăm. Tôi cũng buồn. Qua bao năm tháng sống bên nhau. Tôi cứ như một đứa trẻ thơ hết đòi cái này lại đòi khác. Tôi chưa làm cho chị được điều gì còn chị thì làm tất cả cho tôi. Mới tháng trước, có đám dạm hỏi, chị lắc đầu nguầy nguậy. Tôi cười chọc chị: “Sao chị không ưng? Người ta cũng được mà!” Chị nhìn tôi: “Chị phải lo cho em học xong đại học. Lấy chồng rồi ai nuôi em?” Qua sông, chị đưa tôi đi thêm một đoạn đường trước khi người xe ôm đến đón. Nắng sớm trải một màu lụa trên cánh đồng lúa đang ngậm sữa. Mấy làn khói mỏng manh tỏa ra từ những mái nhà còn ẩn hiện trong sương làm tôi thấy quê hương mình đẹp biết bao. Nhìn lại người chị thân yêu, tôi tự hứa với lòng sẽ học hành thật tốt. Tôi phải xứng đáng với những gì chị đã cho tôi.

*

* *

Mấy năm đại học đã quay tít tôi như cái kim gió đồng hồ, không ngơi nghỉ. Tôi chỉ học và học. Mỗi năm, tôi về quê hai lần vào dịp tết và ngày giỗ má. Hè, tôi tranh thủ dạy và học thêm ngoại ngữ. Tôi vui vì những thành tích của mình. Ở quê, chị tôi vẫn một nắng hai sương tảo tần kiếm tiền nuôi tôi ăn học. Tôi yêu Ngọc, bạn học cùng khóa và định khi ra trường sẽ cưới. Ngọc theo tôi về quê được hai lần và trong lòng cô gái Sài Gòn này, dường như không mặn mòi gì lắm với quê tôi.

Tôi ra trường được bốn tháng thì cưới. Đám cưới tổ chức ở Sài Gòn cho tiện. Tôi thấy chị buồn nhưng cũng chiều ý tôi. Chị đã bán hết đồ nữ trang của mình để sắm đủ đầy đồ trang sức cho cô dâu theo sở thích. Chị vui mừng trước thành công và hạnh phúc của tôi. Những lần lên thăm chúng tôi, chị đều tay xách nách mang những quà bánh ngày xưa tôi thích. Ngọc cằn nhằn: “Ở Sài Gòn thứ gì không có. Có tiền thì mua được. Chị xách lên nhiều chi cho mệt xác”. Ngọc chỉ thương yêu tôi và có vẻ không mặn mòi gì với chị.

Tôi mở phòng mạch tư, công việc vẫn trôi chảy vì tôi là một bác sĩ giỏi. Trong lần giỗ má, tôi đem tiền về cho chị cất lại căn nhà tường theo tâm nguyện của má ngày xưa. Chị khóc vì vui. Ngày xưa, tôi thường hỏi chị thích gì, chị nói thích có căn nhà sạch sẽ. Tôi cũng thường nói đùa: “Em không lấy vợ đâu. Em sẽ sống với chị tới già, nghe chị?” Bây giờ, chị có nhà tường. Nhưng tôi không giữ được lời hứa sẽ sống bên chị trọn đời.

Ngọc chuẩn bị sinh đứa con đầu, chị tất tả lên nuôi. Nhìn chị không quen với những tiện nghi vật chất trong nhà, tôi buồn lắm. Chị già nhiều hơn tuổi. Chị đã bước vào cái tuổi ở quê người ta nói “lỡ thời”. Tôi đề nghị: “Hay chị lên đây ở luôn với tụi em, như vậy tiện hơn nhiều”. Chị không đồng ý: “Còn mồ mả ba má, với lại, chị không quen cảnh sống trên này, ngột ngạt quá!” Ngọc cũng muốn chị lên ở với chúng tôi, nhưng không phải vì thương chị. Ngọc chỉ muốn có một người coi sóc nhà cửa mà không phải phập phồng. Ngọc sanh được hai tháng, chị lại về quê- về với mảnh vườn ao cá và một góc quê hương.

*

* *

Từ khi Ngọc sanh cháu NiNa, chúng tôi chưa về thăm quê lần nào. Tết này, tôi dự tính sẽ về quê ăn tết. Tôi báo tin, chị tôi vui mừng lắm. Ngọc tuy không thích về quê nhưng vì yêu tôi nên chiều ý.

Chúng tôi về đến đầu con đường đất dẫn đến bờ sông thì chị đã ở đó tự bao giờ. Chị bồng cháu để Ngọc đi dễ dàng hơn. Trong màu nắng nhạt của buổi chiều tà, tôi bỗng nhận ra quê hương mình đẹp quá. Những đám mây trắng lững lờ bay. Mấy con diều giấy đủ màu đang lượn lờ trong gió. Dòng sông trải rộng trước mắt tôi với màu bông trắng xóa tinh khôi của mấy hàng so đũa trên bờ. Trong bóng chiều bảng lảng, tôi chợt thấy mái đầu chớm bạc của chị, thấy gương mặt đã héo hắt bước vào tuổi già với đôi mắt đầy u uẩn. Bỗng, tôi nhớ đến chuyện ngày xưa: “Bây giờ, chị nói thiệt em nghe, sao hồi đó chị lại cắt tóc?” Chị tôi khoắng dầm mạnh hơn rồi đáp: “Chuyện lâu rồi, bây giờ nói cũng không sao. Lúc đó, chị bán tóc để mua xe đạp cho em vì không đành để em đi bộ”. Tôi thảng thốt nhìn chị. Mà không- một bà tiên mới đúng. Chị tôi là một bà tiên, sao lại có một đứa em vô tình như tôi được? Tôi nhìn Ngọc. Lần đầu tiên từ khi gặp chị, tôi thấy ánh mắt cô nàng như dịu dàng trìu mến hơn và dường như có mấy giọt nước đang ngân ngấn trong đôi mắt ấy.

Chiều đã xuống trên sông. Tôi chợt nhớ mình vẫn còn một quê hương và một người chị tốt.

NGÔ NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh