Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật- Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Lê Hồng Linh nhân kỳ chấm ảnh tại Liên hoan Nhiếp ảnh nghệ thuật (LHNANT) tỉnh Vĩnh Long 2013. Ông đánh giá cao các tay máy của tỉnh Vĩnh Long luôn đam mê, sáng tạo, tinh tế và nhạy bén để có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật.
[links(left)]
Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật- Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Lê Hồng Linh nhân kỳ chấm ảnh tại Liên hoan Nhiếp ảnh nghệ thuật (LHNANT) tỉnh Vĩnh Long 2013. Ông đánh giá cao các tay máy của tỉnh Vĩnh Long luôn đam mê, sáng tạo, tinh tế và nhạy bén để có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật.
Các phóng viên ảnh, truyền hình Vĩnh tác nghiệp tại một sự kiện. |
Ngày ấy…
Từ rất lâu rồi, “mái nhà” nhiếp ảnh của tỉnh Vĩnh Long luôn gắn bó, đoàn kết để có tác phẩm đẹp. Trong thời kháng chiến và những ngày đầu thống nhất đất nước, có những cái tên không thể nào quên như: Trần Lâm, Đoàn Hải Nhân (Phù Sa), Phan Chí Hướng, Nguyễn Quốc Hội, Vương Trạm,… Họ đã có những tác phẩm để đời cho thế hệ trẻ.
Tiếp theo đó, vào thập niên 1991- thời hưng thịnh nhất của nhiếp ảnh tỉnh nhà- các nhà nhiếp ảnh lúc này không đông lắm, chỉ vỏn vẹn trong con số tròn trĩnh 10, song đã tạo dấu ấn khó phai trong lòng người.
Ông Lê Văn Cuôn (Phường 9- TP Vĩnh Long) đã làm cho giới nhiếp ảnh của đầu thập niên này phải kính nể khi bấm máy 4 phim (lúc đó chưa có máy kỹ thuật số, chụp bằng máy phim) trong chuyến đi sáng tác trong tỉnh. Vậy mà, 4 tác phẩm của ông lại giành 3 giải thưởng: 1 giải nhất, 1 giải ba, 1 khuyến khích.
Kế tiếp đó, tại LHNANT khu vực ĐBSCL 1992, “bộ tứ” nhiếp ảnh của tỉnh (Lê Huyền Thanh, Nguyễn Việt Trường, Bùi Ngọc Hiệp và Dương Thu) đã có tên trong danh sách hàng đầu đoạt giải và có ảnh triển lãm nhiều nhất. Thành công được xem là sự đầu tư gian khổ, khác xa giới nhiếp ảnh ngày nay.
Lúc ấy, có tác phẩm rồi, cùng nhau ngồi lại “suy tư”, để bổ sung điểm mạnh, điểm yếu của tác phẩm và đặt tên cho ảnh. Việc này càng tạo cho giới trẻ tích cực tham gia học hỏi và có tác phẩm.
Những gương mặt khác như Nguyễn Phải, Hà Ngọc Ngộ, Lê Văn Hưu, Nguyễn Bá Lâm, Nguyễn Phước Lộc, Văn Kim Khanh, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Quốc Nguyên, Huỳnh Thanh Thiện, Nguyễn Thanh Nữ,… đã “hưởng ứng” vác máy đi săn ảnh. Vào thời điểm này, các tay máy khác là Nguyễn Duy Minh, Nguyễn Bách Thảo, Lê Huy, Lê Văn Hiếu, Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Lâm Bá,… chú tâm cho việc chụp ảnh kinh doanh.
Bởi thời điểm này, “dân” chụp ảnh chỉ dùng chiếc máy ảnh chụp bằng phim, có được bức ảnh đẹp thì thôi đủ nhiêu khê. Muốn học nhiếp ảnh, phải qua nhiều công đoạn, từ việc sấy hình, tráng phim, rọi ảnh rồi mới học kỹ thuật và sau đó mới nói đến việc cầm máy chụp, chụp thế nào cho bố cục chặt chẽ, ánh sáng hiệu quả. Mặc khác, kinh tế khó khăn, nên đa phần lo việc chụp ảnh kinh doanh là chính. Mà có được tấm ảnh lưu niệm thôi là rất quý!
…Và hôm nay
Vào năm 2000, nhiếp ảnh Vĩnh Long có những gương mặt mới, như: Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Hoàng Kha (TP Vĩnh Long), Nguyễn Trí Nhân (Long Hồ), Trần Nhành (Tam Bình),… Và đến nay, con số “chơi” ảnh nghệ thuật lên con số 35.
Ngoài ra, Vĩnh Long có nhiều gương mặt trẻ khác có tác phẩm tốt ở các cơ quan báo chí: Nguyễn Thị Hồng Thư, Nguyễn Hùng Hậu, Hà Ngọc Trảng, Bùi Thanh Tâm, Phạm Thúy Quyên,…
Về trang thiết bị, ở thời điểm hiện nay, chiếc máy ảnh KTS đã trở thành thông dụng và giá ngày càng rẻ. Giá chiếc máy ảnh KTS loại thường từ 1,5- 6 triệu đồng, thậm chí chiếc điện thoại cũng có thể chụp ảnh được.
Tác phẩm “Hong nắng” của Dương Thu (Báo Vĩnh Long) đọat giải tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật quốc tế APO- Nhật Bản 2010. |
Tuy nhiên, những tay máy chuyên nghiệp có giá vài chục triệu, thậm chí chiếc máy ảnh của Dương Thu, Nguyễn Vinh Hiển có giá trên 200 triệu đồng. Nhưng tiền nào của nấy, những chiếc máy ảnh đắt tiền thì hình ảnh sẽ sắc nét hơn, trong và đẹp hơn.
Đến đầu năm 2015, Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh của tỉnh có 8 hội viên trung ương và 35 hội viên sinh hoạt tại Phân hội Nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Ngoài ra, còn có các CLB Nhiếp ảnh người cao tuổi (Trung tâm Văn hóa tỉnh), CLB Nhiếp ảnh báo chí (Hội Nhà báo tỉnh) thường xuyên duy trì sinh hoạt, tổ chức các lớp tập huấn, trại sáng tác,… để có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh giá trị cao.
Hàng năm, Vĩnh Long thường xuyên tổ chức LHANT tỉnh, tác phẩm đầu tư (Hội Văn học nghệ thuật); Giải báo chí, tác phẩm báo chí xuất sắc, chấm ảnh sinh hoạt CLB (Hội Nhà báo); triển lãm ảnh Người cao tuổi- liên kết với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm nhiều nơi.
Ngoài ra, ở Vĩnh Long còn có những cuộc liên kết với các đơn vị để tổ chức các cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật chuyên đề khác nhau như: Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Biển đảo quê hương Việt Nam, Công an tỉnh, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Xây dựng nông thôn mới,… tham gia các trại sáng tác, tổ chức nhiều cuộc trưng bày ảnh nghệ thuật vào những ngày lễ lớn, lễ tết.
Trong thời kỳ mới, các nhà nhiếp ảnh Vĩnh Long cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa- văn nghệ. Bên cạnh quyết tâm gầy dựng phong trào, cũng cần nâng cao tính độc lập, sáng tạo, góp thêm nhiều tác phẩm đoạt giải và có chất lượng hơn.
Những đề tài và sự kiện nóng bỏng đã được ghi lại qua lăng kính của mình với những tác phẩm nghệ thuật mang giá trị cao về văn hóa, xã hội, an ninh bảo vệ Tổ quốc, nông thôn trên đường đổi mới,...
Đồng thời tuyển chọn hàng ngàn tác phẩm tham gia các cuộc thi ảnh các cấp trong nước cũng như quốc tế. Qua đó, có nhiều tác phẩm đoạt giải tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật khu vực ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh, toàn quốc và quốc tế- đã khẳng định sức mạnh của nhiếp ảnh nghệ thuật Vĩnh Long.
Cách đây 62 năm, ngày 15/3/1953, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam. Đây là mốc son hết sức quan trọng đánh dấu sự phát triển và định hướng cho nhiếp ảnh cách mạng, đồng thời tạo nền móng cho sự phát triển rực rỡ sau này của 2 ngành nhiếp ảnh và điện ảnh Việt Nam.
Bài, ảnh: SẮC THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin