Kỳ cuối: Chuyện bây giờ mới kể

09:03, 17/03/2015

LTS: Chuyện nhà, chuyện nước... những mẫu chuyện dung dị nhưng không phải ai cũng dễ dàng làm được. Tác giả Nguyễn Hồng Trung sẽ cung cấp thêm những tư liệu quý giá về GS. BS Nguyễn Văn Thủ- người trí thức yêu nước, người thầy thuốc nhân dân.

[links()]

LTS: Chuyện nhà, chuyện nước... những mẫu chuyện dung dị nhưng không phải ai cũng dễ dàng làm được. Tác giả Nguyễn Hồng Trung sẽ cung cấp thêm những tư liệu quý giá về GS. BS Nguyễn Văn Thủ- người trí thức yêu nước, người thầy thuốc nhân dân.

Chuyện nhà

Vào cuối thế kỷ XIX, dưới thời Pháp thuộc, phần lớn vùng đất của xã Trung Thành, quận Vũng Liêm đều nằm trong tay đại điền chủ- Hương cả Nguyễn Văn Thanh. Ông là một nhân vật có học vấn cao, rành chữ Nho, giỏi quốc ngữ, thạo tiếng Tây và nhạy cảm với thời cuộc. Là một quan chức của chính quyền thực dân phong kiến, đứng đầu Ban hội tề, ông không gây sự, ngược đãi dân chúng mà biết cư xử dung hòa với dân cày. Và ông đã nuôi dưỡng một người con trai đi làm “quốc sự” nên không thuộc đối tượng xem xét của cách mạng.

Thuở xa xưa cho thấy, từ ấp Trường Thọ (nay là xã An Hòa), xã Trung Thành (nay là xã Trung Thành Tây) trải dài ra tới thị trấn bây giờ là trung tâm giao lưu trên bến dưới thuyền nhộn nhịp của xã. Ông Cả cho xây cất nhà từ đường cùng những ngôi nhà kế cận, nhằm đưa gia đình ra đây cư ngụ. Thế nhưng bây giờ nhìn lại, không còn dấu vết nào về nếp nhà và mảnh đất lưu lại một thời vàng son của Hương cả Nguyễn Văn Thanh. Tuy nhiên, ông rất tự hào về người con trai thứ bảy (Nguyễn Văn Thủ) luôn nhắc ông triệt để theo cách mạng và “đã không ngần ngại từ bỏ giàu sang để lao vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc”…(5) Ông bằng lòng với người con thứ tám (Nguyễn Văn Thình) có nhà máy chà lúa lớn nhất tỉnh tọa lạc tại huyện lỵ Vũng Liêm tự nguyện giao lại cho chính quyền cách mạng sau ngày giải phóng miền Nam, rồi sang Pháp định cư.

Và, gia tài đồ sộ của ông Cả trước đây bây giờ ở ấp Trường Thọ chỉ còn lại 2 vuông đất khoảng 300m2, kết thành một khuôn viên những ngôi mộ của dòng tộc họ Nguyễn. Vuông thứ nhất đặt 2 ngôi mộ cổ của ông nội và bà nội. Tấm bia mộ tạc chữ Nho, trải qua khoảng 2 thế kỷ, nên đã bị mưa gió thời gian bào mòn, không đọc được nữa. Kề bên là vuông đất thứ hai, nơi yên nghỉ của cha, mẹ, chị thứ hai, anh thứ năm.

Ông Nguyễn Văn Thanh (1884- 1951), hưởng thọ 67 tuổi, mất tại Sài Gòn, trong lúc anh Bảy đang đi kháng chiến, nên không thể về gặp mặt cha. Bà Đào Thị Lưu (1885- 1938) hưởng thọ 53 tuổi, mất tại quê nhà. Anh Bảy tuy đang học bên Pháp nhưng kịp về vuốt mặt mẹ. Chị thứ hai là Nguyễn Thị Đống (1905- 1981) hưởng thọ 76 tuổi, không có chồng, con (không bị mù như một số tư liệu đã ghi), mất tại nhà từ đường ở thị trấn Vũng Liêm. Anh chị Bảy có về đưa tang. Anh thứ năm Nguyễn Văn Chấp (1911- 1938) mất lúc 27 tuổi do tai nạn tự lái xe du lịch tại Đà Lạt. Khu mộ này đã xuống cấp, bởi không có người cùng huyết thống trực tiếp quản lý, chăm nom qua các giai đoạn của chiến tranh cũng như thời bình.

Từ sau ngày giải phóng miền Nam, anh Bảy có về thăm nhà từ đường ở thị trấn trước và sau khi người chị thứ hai qua đời, thăm khu mộ ở ấp Trường Thọ, rồi vội vã ra đi, không phản ảnh điều gì. Bởi tôi biết tính anh Bảy tuyệt nhiên không khi nào tự thân hoặc nhờ bạn bè giúp anh yêu cầu “tổ chức hay cán bộ chức năng” giải quyết việc riêng tư có liên quan đến quyền lợi của gia đình.

Chị Bảy có một lần về phục dựng lại hàng rào đơn giản bằng lưới B40 ở vuông đất 4 ngôi mộ. Chị cũng không để lại một yêu cầu nào đối với địa phương.

Một thiệt thòi vô cùng đáng tiếc là anh chị Bảy không có người con ruột nào nối dõi ông cha, cũng chẳng biết có lưu lại gia phả cho ai không?

Chuyện nước

Nhận chỉ thị của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng- Giám đốc Sở Y tế quân dân Nam Bộ, là phó giám đốc sở, từ Khu 9 anh Bảy trở về Khu 8 thành lập Phòng Nha y Nam Bộ.

Đầu năm 1948, một ngôi nhà 3 gian 2 chái được xây dựng kiên cố, nằm trên khuôn viên một hecta vườn. Ông Cả giao lại cho anh Bảy làm cơ quan của cách mạng.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ nhiệm CLB Truyền thống Ban Dân y miền Nam Trần Thị Trung Chiến tặng Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long quyển sách về truyền thống của Ban Dân y. Ảnh: MINH THÁI
Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ nhiệm CLB Truyền thống Ban Dân y miền Nam Trần Thị Trung Chiến tặng Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long quyển sách về truyền thống của Ban Dân y. Ảnh: MINH THÁI

Cách đây 66 năm, tôi từng ở tại ngôi nhà này, cạnh bên con sông Rạch Lá, vẫn còn đó dấu vết một lẫm lúa chạy dài khoảng 200m. Tôi trải chiếu nằm trên lẫm lúa nghỉ trưa hoặc vào những buổi chiều có ngọn gió ven sông mát rượi, và bên kia sông, cạnh chợ Bờ Tre còn có một lẫm lúa nữa của ông Cả. Anh Bảy cho biết 2 lẫm lúa là 2 kho lương thực dự trữ nuôi quân của lực lượng quân sự ở địa phương. Tôi mường tượng lại dấu vết mặt nền đúc của ngôi nhà xưa, không khỏi nao nao trìu mến.

Phòng Nha y Nam Bộ được anh Bảy cải tạo, bố trí, sắp xếp lại phòng ốc: văn phòng; gian tiếp đón, phục vụ người dân và bệnh nhân; cũng như nơi ăn, chốn ở của tập thể và chấp nhận đài thọ mọi chi phí hoạt động của phòng. Buổi đầu, không có đồng xu, cắc bạc kinh phí nào của Sở Y tế trao tay hoặc gửi qua đường giao liên, mà xuất phát từ lòng yêu nước thôi thúc anh Bảy hành động theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, với sách lược: tự nguyện, tự lực cánh sinh và tự túc. Đồng thời biết khéo vận động quần chúng, nhân sĩ trí thức yêu nước, góp phần ủng hộ về nhân lực đến vật lực; để biến từ không thành có, từ khó đến thành công.

Tại địa điểm lịch sử rất đáng trân trọng và vinh danh này, tôi đề nghị lãnh đạo huyện Vũng Liêm dựng một tấm bia kỷ niệm sự ra đời của Phòng Nha y Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp, đồng thời cũng là cội nguồn của ngành răng hàm mặt Nam Bộ.

 

Người anh sống mãi cùng chúng tôi

Anh Bảy ơi! Cho tôi nhắc nhớ lại những ký ức đặc quánh yêu thương gắn liền với một trăm năm ngày sinh của anh. Đó là: hồi ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945) anh là cán bộ tiền khởi nghĩa, rồi nhận nhiều nhiệm vụ trọng yếu của Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ và Ủy ban Kháng chiến hành chánh đặc khu Sài Gòn- Chợ Lớn. Tất cả được anh thực hiện vững vàng với trách nhiệm lãnh đạo Sở Y tế quân dân Nam Bộ và Phòng Nha y Nam Bộ...

Kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955- 27/2/2015), ngẫu nhiên mà đẹp xiết bao lại trùng hợp vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của anh (27/2/1915- 27/2/2015). Hàng năm cứ đến ngày 27/2, chúng tôi trân trọng đọc “Thư của Bác Hồ gửi Hội nghị cán bộ y tế”, để không quên lời dạy quý báu của Người! Và chúng tôi lại nhớ đến anh, một kiểu mẫu tỏa sáng của người “Thầy thuốc như mẹ hiền”, xin nguyện học tập và noi theo tấm gương anh.

Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2015) là sự tổng kết vĩ đại của những thành quả từng giai đoạn chiến tranh và hòa bình để có ngày vui hôm nay, cùng với đồng bào, đồng đội, đồng chí, trong đó “anh Bảy là một đảng viên trung kiên, trung thành luôn biết đặt lợi ích Đảng trên hết”(6); là người trí thức thời đại Hồ Chí Minh, anh luôn dấn thân vì nhiệm vụ được giao; hiến dâng vô tư, trong sáng, trọn vẹn cuộc đời mình, góp phần trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dẫu chưa bao giờ nghe anh kể, nhưng chúng tôi đã gặp anh trong “Con tàu huyền thoại”(7), xin trích đoạn: “Trước mũi tàu là 500kg thuốc nổ TNT, đuôi tàu thêm 500kg nữa và giữa khoang máy có trái bom 200kg... Cùng những trái tim nóng bỏng tình yêu nước, trí thông minh và lòng dũng cảm. Và huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển bắt nguồn từ những con tàu như thế”. Từ năm 1963 đến năm 1967, tàu 69 đã thực hiện trót lọt 8 chuyến cùng hàng trăm tấn vũ khí và cán bộ tăng cường cho miền Nam. Chuyến đi năm 1964, trong đó có bác sĩ Nguyễn Văn Thủ và bác sĩ Nguyễn
Thiện Thành.

Từ đấy, bước vào cuộc thử thách quyết liệt nhất, nói riêng về bác sĩ Nguyễn Văn Thủ- anh Bảy được giao nhiều nhiệm vụ xứng đáng trong Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ban dân y miền Nam (Dân y R) và Hội Hồng thập tự Cộng hòa miền Nam Việt Nam v.v...

Quyển hồi ký của nhiều tác giả, có tựa đề “GS.BS Nguyễn Văn Thủ- Người trí thức yêu nước- Người thầy thuốc nhân văn” ra đời từ “nghĩa cử, lòng nhiệt tình của lãnh đạo và tập thể cán bộ công chức, viên chức của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, TP Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của GS.BS Nguyễn Văn Thủ (24/6/1984- 24/6/2014)”(8), do PGS. TS Trần Thị Trung Chiến- Thầy thuốc nhân dân- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng- Bộ trưởng Bộ Y tế, chủ biên và
giới thiệu.

Tôi được BS chuyên khoa 2 Nguyễn Đức Huệ- thành viên Hội đồng biên soạn, trao tặng sách tại nhà riêng ở Vĩnh Long với tình cảm chân tình và thân thiết. Tôi miệt mài đọc hết toàn quyển, xin bày tỏ lòng biết ơn đến quý vị lãnh đạo cấp trên, bậc đàn anh, bầu bạn và đồng nghiệp, đã cho tôi tiếp cận nhiều bài học để đời về anh Bảy.

Chúng tôi vinh dự mời anh Bảy trở về trong giây phút linh thiêng nơi chôn nhau cắt rốn ở ấp Trường Thọ thăm lại chiến trường xưa: căn cứ Rạch Lá- nơi anh cống hiến không chút đắn đo, do dự cả tài sản, cùng trí tuệ và sức lực của bản thân, gắn kết keo sơn với đồng nghiệp thành lập Phòng Nha y đầu tiên cho Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp cực kỳ gian nan và ác liệt. Để chúng tôi cùng quàng vai anh, tự hào đi trên đường Nguyễn Văn Thủ trải nắng đẹp và tỏa bóng cây xanh, con đường của TP Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng, rộn ràng niềm vui và hạnh phúc.

Tháng 12/2014

(5) Trích: “Phát biểu của Giáo sư Trần Văn Giàu trong Hội thảo về trí thức thời Nam Bộ kháng chiến”. Trong quyển Hồi ký về GS.BS Nguyễn Văn Thủ.

(6) Trích: Điếu văn của đồng chí Nguyễn Văn Linh- Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đọc tại buổi lễ truy điệu GS.BS Nguyễn Văn Thủ.

(7) Trích: “Con tàu huyền thoại” của Vũ Thống Nhất- Báo Sài Gòn giải phóng, ngày 7 tháng 10 năm 2011.

(8) Trích: “Lời giới thiệu” của PGS- TS Trần Thị Trung Chiến- Thầy thuốc nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, trong quyển: GS.BS Nguyễn Văn Thủ- Người trí thức yêu nước- Người thầy thuốc nhân văn.

NGUYỄN HỒNG TRUNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh