Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 455/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030.
Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 455/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030.
Theo quyết định này, sẽ phát triển hệ thống Kho bạc Nhà nước hiện đại, đóng vai trò là một bộ phận quan trọng trong hệ thống quản lý tài chính công, góp phần khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước. Lấy hiện đại hóa công nghệ thông tin là khâu đột phá; cải cách cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ là nền tảng; gắn hiện đại hóa các chức năng với đổi mới mô hình tổ chức của Kho bạc Nhà nước để tạo động lực phát triển Kho bạc Nhà nước đồng bộ, toàn diện.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Kho bạc Nhà nước vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng kho bạc số; cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo phương thức điện tử (trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật nhà nước); liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách nhà nước; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi ngân sách nhà nước theo thời gian thực; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo hướng kiểm soát theo rủi ro. Sau năm 2025, tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng kho bạc số.
Phấn đấu kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ đạt từ 9- 11 năm, lãi suất và chi phí phát hành hợp lý, góp phần cơ cấu lại, tăng tính an toàn, bền vững nợ công.
Đến năm 2025, kết quả dự báo luồng tiền của ngân quỹ nhà nước chênh lệch không quá 10% so với thực tế; đến năm 2030, kết quả dự báo chênh lệch không quá 5% so với thực tế và số dư ngân quỹ nhà nước nhàn rỗi cuối ngày bình quân không vượt quá số chi ngân quỹ nhà nước bình quân 1- 2 ngày.
Cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin về tài chính- ngân sách nhà nước phù hợp với chuẩn mực kế toán công để phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan có thẩm quyền và hoạt động kiểm tra, giám sát, nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính nhà nước. Phấn đấu đến năm 2030, thời gian lập và trình báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, báo cáo tài chính nhà nước hàng năm giảm từ 6- 12 tháng so với năm 2020.
Trước năm 2025, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các điều kiện về cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để đến năm 2030, cơ bản hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình kho bạc 2 cấp và giảm được ít nhất 15% biên chế so với năm 2020.
BT (theo Tin Tức Pháp Luật)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin