Từ ngày 1/8, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt bắt đầu có hiệu lực, thay thế Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014.
Từ ngày 1/8, người điều khiển các phương tiện giao thông vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt. Ảnh: T.L |
Từ ngày 1/8, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt bắt đầu có hiệu lực, thay thế Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014.
Theo nghị định này, có những lỗi vi phạm sẽ bị phạt rất nặng nhằm tăng sự răn đe, như: Tăng mức phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng lên 16 - 18 triệu đồng đối với tài xế ô tô có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở (mức 3), tước giấy phép lái xe 4-6 tháng.
Đối với người điểu khiển mô tô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn, mức phạt cũng tăng. Vi phạm ở mức 3 sẽ bị phạt 3 - 4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3-5 tháng.
Ngoài ra, các hành vi như: Đi xe máy vào đường cao tốc, dùng chân để điều khiển vô lăng ô tô khi xe đang chạy trên đường, người điều khiển ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy và rất nhiều hành vi vi phạm khác… đều tăng nặng hình phạt so với trước đây.
Tuy nhiên, không ít người băn khoăn khi Nghị định 46/2016 quy định về lỗi vượt đèn vàng. Theo nghị định này, bắt đầu từ ngày 1-8, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô vượt đèn vàng bị xử phạt từ 1,2 - 2 triệu đồng; người điều khiển mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe máy phạt từ 300.000 - 400.000 đồng; người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng phạt từ 400.000 - 600.000 đồng; người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác phạt từ 60.000 - 80.000 đồng.
Theo quy định hiện hành, có hai mức xử phạt khác nhau cho hành vi vượt đèn vàng và vượt đèn đỏ, nhưng với Nghị định 46 thì phạt hai hành vi như nhau. Khi đèn vàng bật thì người điều khiển phương tiện phải dừng trước vạch dừng. Nếu người điều khiển phương tiện tiếp tục đi là không chấp hành quy định giao thông đường bộ và bị phạt cùng mức phạt tiền như vượt đèn đỏ.
Theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008: “Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường”.
Như vậy, có 2 trường hợp đối với đèn vàng: Một là, người tham gia giao thông đã thấy tín hiệu đèn vàng thì phải dừng lại trước vạch dừng. Nếu vượt qua tín hiệu đèn vàng thì lúc này được xem là vượt đèn vàng, có thể bị xử phạt theo quy định mới.
Trường hợp thứ hai là vừa qua vạch dừng thì tín hiệu giao thông chuyển sang vàng, lúc này người điều khiển phương tiện giao thông được phép đi tiếp, không có sự vi phạm nào.
Ở nước ta, đèn vàng thường kéo dài từ 1-3 giây, có nơi 5 giây trước khi chuyển sang đèn đỏ (đối với những cột đèn có đếm ngược). Còn đối với những cột đèn không có đếm ngược thì không thể ước lượng chính xác lúc nào đèn nào sẽ bật, do vậy, người tham gia giao thông rất dễ dính lỗi này.
Và việc chứng minh lỗi này hoàn toàn không đơn giản từ cả hai phía nên chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng tranh cãi giữa người tham gia giao thông và cảnh sát giao thông. Một chuyên gia phân tích:
“Nếu lái xe ở tốc độ 40km/giờ, khi đến cách trụ đèn khoảng 5m mà thấy đèn vàng bật sáng thì không cách nào dừng xe trước vạch dừng được. Nếu đi tiếp thì bị lỗi vượt đèn vàng, nếu dừng gấp thì khả năng bị tông từ phía sau hoặc bị phạt lỗi dừng quá vạch”.
Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 46/2016 quy định mức phạt “cào bằng” giữa đèn vàng và đèn đỏ là chưa phù hợp với Luật Giao thông đường bộ. Thêm vào đó, quy định hiện nay trong nội thị đối với xe máy, ô tô con… được lưu thông với tốc độ tối đa 60km/giờ đối với đường có dải phân cách. Với tốc độ này, nếu không bố trí đèn tín hiệu giao thông đếm ngược ở tất cả các ngã rẽ thì đèn vàng sẽ như là một cái bẫy!
Theo TRẦN MINH TRƯỜNG (SGGPO)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin