Nghị định 89 gỡ bỏ những điểm nghẽn cho ngư dân vay vốn đóng tàu

03:10, 15/10/2015

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết Nghị định 89/2015/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản sẽ có hiệu lực từ ngày 25/11.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết Nghị định 89/2015/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản sẽ có hiệu lực từ ngày 25/11.

Tàu Tiên Tri 07 được hạ thủy thành công. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)
Tàu Tiên Tri 07 được hạ thủy thành công. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)


Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Nghị định 89 cơ bản sẽ tháo gỡ toàn bộ những khó khăn vướng mắc trước đây khi thực hiện Nghị định 67. 

Chẳng hạn, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá được quy định là đóng bằng vật liệu mới; thời gian vay vốn đối với tàu vỏ thép, vật liệu mới được kéo dài hơn. 

Trước đây thời gian được vay vốn là 11 năm, tạo áp lực rất lớn cho ngư dân trong quá trình trả nợ. Nay đã được kéo dài thành 16 năm và việc thu hồi vốn và trả nợ được giải đều các năm nên áp lực trả nợ sẽ giảm đi đáng kể.

Ngoài ra, việc cho phép sử dụng máy thủy cũ đối với tàu thay máy, tàu nâng cấp cũng là quy định mới. 

Trước đây ngư dân nâng cấp tàu phải thay máy mới, đôi khi tạo sự không đồng bộ giữa vỏ tàu và máy tàu. Hay theo Nghị định sửa đổi, ngư dân sẽ được hỗ trợ 100% chi phí thiết kế tàu vỏ thép, vật liệu mới có công suất từ 400CV trở lên mà theo Nghị định 67 ngư dân không được hưởng ưu đãi này.

Đánh giá về việc thực Nghị định 67 trong thời gian qua, ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết Nghị định 67 ra đời đã đáp ứng được nguyện vọng của ngư dân, hiện đại ​hóa tàu cá cũng như cải thiện đời sống, góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Các tỉnh, thành phố ven biển rất nỗ lực triển khai Nghị định này. 

Các địa phương cũng đã rút kinh nghiệm từ các cơ chế, chính sách trước đây và tổ chức triển khai một cách có hiệu quả, tránh được thất thoát. Nghị định 67 triển khai đã cơ bản hoàn thành mục tiêu là hiện đại hoá tàu cá.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định 67 còn tồn tại môt số bất cập. Theo đó, 5 nhóm chính sách của Nghị định 67 chưa được triển khai một cách đồng bộ. 

Bên cạnh đó, tàu đóng mới bằng vỏ thép và vỏ vật liệu mới chưa được quy định tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá. 

Ngoài ra, chưa có quy định về thiết kế mẫu cho tàu vỏ gỗ và tàu vỏ vật liệu mới. Đồng thời, ngư dân là những thành viên của Nghiệp đoàn Nghề cá cũng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ như ngư dân tham gia vào các tổ hợp tác, tổ đội sản xuất trên biển.

Theo Tổng cục Thủy sản, đến nay, đã có 775 tàu được đăng ký đóng mới và 107 tàu được nâng cấp. Trong đó có trên 50% tàu đăng ký đóng mới là tàu vỏ thép và vật liệu mới. 

Khoảng 200 hợp đồng tín dụng đã được ký kết với tổng dư nợ gần 2.000 tỷ đồng. Đã có 38 tàu được hạ thủy và đi vào hoạt động./.

Theo http://www.vietnamplus.vn/nghi-dinh-89-go-bo-nhung-diem-nghen-cho-ngu-dan-vay-von-dong-tau/349490.vnp

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh