Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng với nội dung: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, nhận định...
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng với nội dung: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhận định:
“Nhìn một cách tổng thể, trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng hơn 86 năm qua, Đảng ta luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học; kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập và chủ nghĩa xã hội; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn và ngày càng lớn mạnh...”.
Sở dĩ được như vậy là do Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác chỉnh đốn xây dựng Đảng. Hay nói cách khác là luôn làm tốt công tác xây dựng Đảng trong mọi thời kỳ cách mạng.
Không phải đến bây giờ, mà từ khi có sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, từ khi có chủ trương đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, mặt trái của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, những hoạt động lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ thông tin, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã nảy sinh nhiều mặt tiêu cực trong xã hội, kể cả trong nội bộ Đảng.
Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá ta nhiều mặt, đặc biệt là cổ súy cho lối sống hưởng thụ, thực dụng ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa; đồng thời, cấu kết với những phần tử cơ hội và bất mãn chính trị hoạt động chống phá cách mạng, chống phá Đảng ta ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn.
Và cũng không phải cho đến bây giờ, mà ở Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề cập vấn đề “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi”, cũng có nghĩa là vấn đề về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên… đã được cảnh báo trước đó.
Mặc dù Đảng ta đã ra sức lãnh đạo về công tác xây dựng Đảng, mặc dù theo báo cáo tổng kết hàng năm của từng đảng bộ thì các chi bộ cơ sở (trong đó có chi bộ các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể) đều đạt danh hiệu “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”;
nhưng, hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) lại một lần nữa cho rằng: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng…”
Tình hình đó đặt ra cho mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi chi bộ, mỗi đảng bộ cần phải quan tâm đúng mức về công tác xây dựng Đảng, không phải chỉ quan tâm mà cần phải thực hiện công tác xây dựng Đảng một cách cụ thể thiết thực ở cơ quan, đơn vị địa phương mình.
Người lãnh đạo chi bộ, đảng bộ, người đứng đầu các cơ quan Đảng, Nhà nước phải thực sự là người gương mẫu, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật về thực trạng của chi bộ, đảng bộ, của cơ quan, đơn vị do mình phụ trách;
những mặt ưu điểm và những mặt yếu kém tồn tại để phát huy đồng thời để khắc phục, sửa chữa, không vì sợ mất danh hiệu thi đua của cơ quan, đơn vị, danh hiệu “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh” mà giấu giếm, mà lờ đi những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên trong chi bộ.
Bệnh thành tích mà Đảng ta đã lên án, đã phê phán nhiều nhưng nó vẫn còn tồn tại đó đây trong nếp nghĩ, trong hành động của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Đó là một “căn bệnh” nếu không được chữa trị triệt để thì đừng nói đến hiệu quả của công tác xây dựng Đảng, để cuối cùng khi kiểm điểm thực hiện về công tác xây dựng Đảng thì “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức… của cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi…”
Chúng ta đều biết: mỗi cán bộ, đảng viên đều nằm trong tổ chức của Đảng, đơn vị nhỏ nhất là chi bộ và cư trú trên địa bàn dân cư, mọi biểu hiện tích cực hay tiêu cực, mọi diễn biến tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều không thể nào vượt ngoài tầm kiểm soát của các tổ chức Đảng và của nhân dân. Thế nhưng, vì sao những tiêu cực vẫn tồn tại?
Có phải chăng nó được dung túng bởi “bệnh thành tích” hoặc do sự nể nang không dám đấu tranh hoặc đấu tranh theo kiểu “dĩ hòa vi quý” trong nội bộ đảng viên hiện nay. Đó là vấn đề được đặt ra trong công tác xây dựng Đảng.
Cần phải xem xét về chất lượng sinh hoạt lệ của từng chi bộ, chất lượng đảng viên. Các cơ quan kiểm tra Đảng phải vào cuộc thật quyết liệt để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Có như thế những tiêu cực mới được
đẩy lùi.
Nghị quyết hội nghị lần thứ tư của BCH Trung ương khóa XII đã nhận diện và chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên một cách cụ thể và đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thiết thực.
Để nghị quyết này đi vào cuộc sống có hiệu quả đòi hỏi ở việc tổ chức thực hiện của từng đảng bộ mà quyết định là ở từng chi bộ cơ sở vì chi bộ là nơi sinh hoạt lệ của cán bộ, đảng viên, là nơi quản lý chặt chẽ mọi diễn biến của đảng viên: Chi bộ mạnh thì đảng viên mới trong sạch và ngược lại, đảng viên trong sạch thì chi bộ mới vững mạnh.
Muốn được như vậy phải giữ vững và đẩy mạnh công tác tự phê bình và phê bình một cách “đúng nghĩa” trong mỗi kỳ họp chi bộ; đẩy mạnh kiểm điểm việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm Quy định số 29-QĐ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ ba (khóa XII) về “Thi hành Điều lệ Đảng”.
NGUYỄN THANH HÙNG
Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin