Cần đổi mới các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc

05:12, 23/12/2015

Ông Lê Trí Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Loan Mỹ (Tam Bình) kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới sẽ có nhiều đổi mới đối với các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc, đặc biệt là quan tâm đầu tư các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho các xã khó khăn có đông đồng bào dân tộc được phát triển ngang tầm với mặt bằng chung.

Ông Lê Trí Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Loan Mỹ (Tam Bình) kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới sẽ có nhiều đổi mới đối với các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc, đặc biệt là quan tâm đầu tư các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho các xã khó khăn có đông đồng bào dân tộc được phát triển ngang tầm với mặt bằng chung.

Ông Dũng cho rằng: Việc điều chỉnh tiêu chí thu nhập theo chuẩn nghèo mới sẽ làm cho số hộ nghèo tăng lên. Đây là thách thức lớn đối với các địa phương trong thực hiện chính sách giảm nghèo. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chương trình hỗ trợ rất thiết thực cho hộ nghèo, hộ dân tộc nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần thay đổi cho phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Cụ thể, Chương trình 167 về hỗ trợ các hộ nghèo để có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, đối với Chương trình 167 giai đoạn 2, tôi cho rằng mức hỗ trợ và mức cho vay cần tăng lên (thay vì chỉ được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ) để đảm bảo phù hợp hơn với tình hình thực tế và giá cả hiện nay.

Đối với các chính sách về vốn, vẫn còn nhiều bất cập như: Quyết định 29 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL giai đoạn 2013- 2015.

Trong đó, quy định mức hỗ trợ vốn vay đối với hộ dân tộc có nhu cầu chuộc đất tối đa không quá 30 triệu đồng, nhưng trên thực tế, nhân dân cầm cố bán 1 công giá trên 40 triệu đồng. Trong khi mỗi gia đình có 5- 6 nhân khẩu, nếu chuộc về 1 công thì không phù hợp cả về nguồn vốn lẫn diện tích đất quá ít, đầu tư sản xuất cũng rất manh mún, không thể phát triển được.

Còn Quyết định 54 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012- 2015 quy định, tổng mức vay không quá 8 triệu đồng/hộ. Theo tôi, số tiền này quá ít để đầu tư phát triển sản xuất. Nếu nuôi heo, gà, vịt nhỏ lẻ thì thường gặp rủi ro, còn đầu tư cây giống thì không hiệu quả.

XUÂN TƯƠI (ghi)

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh