Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận

07:10, 11/10/2015

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác dân vận: "... Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Công tác dân vận vừa là tiền đề, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác dân vận: “... Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Công tác dân vận vừa là tiền đề, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội.

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Ðảng ta đã đặc biệt quan tâm công tác vận động quần chúng. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, hy sinh và đã giành được thắng lợi vẻ vang.

Tiếp đó, trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ðảng ta đã tổ chức, rèn luyện và hình thành một đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận luôn gắn bó máu thịt với nhân dân ở khắp mọi miền của đất nước.

Khi cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, tổng kết từ thực tiễn, với sự đóng góp trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, Ðảng ta đã khởi xướng sự nghiệp đổi mới đất nước. Ðường lối đổi mới đã thể hiện rõ “ý Ðảng” hợp với “lòng dân”, được nhân dân đồng tình hưởng ứng và sáng tạo thực hiện trong cuộc sống.

Để tạo ra sức mạnh cho cách mạng, sức mạnh toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải tin dân, tôn trọng và phát huy quyền dân chủ của dân, đưa lại quyền lợi cho dân, phải dùng sức dân, tài dân, lực dân mà làm lợi cho dân.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác vận động quần chúng, mà xuyên suốt là đường lối chiến lược về đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tinh thần đó được thể chế hóa trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước để trở thành hiện thực trong cuộc sống. Công tác dân vận một lần nữa được nhấn mạnh là phải hướng về cơ sở và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, công tác đó đặt ra một cách cụ thể hơn đối với các cơ quan công quyền- nơi trực tiếp giải quyết công việc của dân.

Bác Hồ đặt câu hỏi: Dân vận là gì? Đồng thời, Người giải thích “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho”.

Đây là thể hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân nhằm xây dựng khối đại đoàn kết thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng.

Tinh thần đại đoàn kết phải được quán triệt sâu sắc trong công tác dân vận bằng việc đa dạng các hình thức tập hợp nhân dân.

Theo Hồ Chí Minh, dân vận không chỉ tuyên truyền suông bằng sách báo, mít tinh, khẩu hiệu, mà phải bằng hành động cụ thể, thiết thực vì “nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Do đó, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng những điển hình tốt, những tấm gương tốt. Người cũng đã trực tiếp viết thư khen ngợi, động viên, khuyến khích những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu và đề nghị có mục “gương người tốt, việc tốt” trên báo để động viên mọi người noi theo.

85 năm qua, công tác dân vận của Đảng ta đã thu được những thành tựu đáng kể, đó là mức sống của đại bộ phận nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt; bộ mặt của đất nước nói chung và các địa phương được đổi mới khá toàn diện;

mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân được củng cố và tăng cường; nhiều kênh truyền thông đại chúng được tăng cường để theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đề xuất những kiến nghị kịp thời với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, chính sách, giải quyết các quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Các cơ quan, tổ chức dân vận trong hệ thống chính trị đã có sự phối hợp nhịp nhàng trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dân vận. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của ban dân vận các cấp và các tổ chức, đoàn thể quần chúng.

Ðảng ta khẳng định: “Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Ðảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân.

Công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Phát huy phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt là học tập và vận dụng tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua của MTTQ, của các cấp, các ngành một cách sâu rộng trên cả nước;

thực hiện phong cách dân vận “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; mỗi đảng viên là một tấm gương sáng có sức lan tỏa trong quần chúng… thì công tác dân vận mới thật sự có ý nghĩa sâu sắc.

66 năm, đọc lại, cùng suy ngẫm về những điều Bác mong, trí ta thêm sáng, lòng ta thêm trong, thấy rõ thiếu sót, khuyết điểm, làm tốt hơn phận sự của mỗi người. Hãy cùng nhau nhắc lại lời dạy ân cần của Bác: “Việc dân vận rất quan trọng,… dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Nguyễn Thanh Hoàng

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh