"Tuyên ngôn độc lập"- áng văn bất hủ

04:09, 04/09/2015

Ngày 2/9/1945, trong không khí tưng bừng của mùa thu chiến thắng, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

[links()]

Ngày 2/9/1945, trong không khí tưng bừng của mùa thu chiến thắng, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc.

Giá trị lý luận, ý nghĩa thời đại trong áng văn bất hủ này của Bác đã sánh ngang cùng những “Thiên cổ hùng văn” của các vị lãnh đạo thiên tài trong lịch sử Việt Nam, nó sống mãi trong hành trình dân tộc trên con đường xây dựng đất nước giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh.

Với lập luận sắc bén, giọng văn đanh thép, “Tuyên ngôn độc lập” không phải chỉ nói với đồng bào cả nước mà còn tuyên bố với nhân dân toàn thế giới về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, về nền độc lập mà nhân dân Việt Nam vừa giành được. Vạch trần bộ mặt của bọn đế quốc, thực dân đang lăm le cướp nước ta lần nữa, và cũng là lời thề kiên định của những người Việt Nam yêu nước quyết tâm giữ vững nền độc lập tự do mà chúng ta phải đổi lấy bằng máu, mồ hôi và nước mắt.

Bằng lối dẫn dắt sinh động, lôi cuốn, với chiến thuật “gậy ông đập lưng ông”, mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Bác đã đưa ra một chân lý không ai có thể chối cãi được. Mà bất ngờ hơn, những chân lý đó nằm ngay trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền mà không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền đó có quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Chân lý ấy cũng đã được thừa nhận trong tuyên ngôn dân quyền, nhân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn tự do bình đẳng về quyền lợi”. Bác đã dùng những lý lẽ trong 2 bản tuyên ngôn trên để kể tội ác thực dân Pháp. Hơn 80 năm qua, chúng đã lợi dụng chiêu bài tự do, bình đẳng, bác ái để cướp nước ta, một hành động vừa trái nhân nghĩa, vừa trái đạo lý. Bác sử dụng điệp từ “chúng” rất mạnh mẽ để vạch trần tội ác của thực dân về chính trị, về kinh tế. Chúng bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy. Chúng áp dụng chính sách ngu dân, lập nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng đầu độc nhân dân ta trong thuốc phiện, rượu cồn. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng dìm những cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu. Tội ác tày trời của thực dân Pháp đã được Bác chỉ ra ngày càng rõ hơn theo phương pháp tăng dần. Chúng đã quỳ gối đầu hàng dâng nước ta cho Nhật trong khi đó chúng nói là bảo hộ cho dân tộc Việt Nam. Làm cho người dân phải một cổ hai tròng đã cực khổ, nghèo nàn nay lại càng khổ cực hơn. Kết quả tội ác đó đã làm cho hơn 2 triệu đồng bào ta phải chết đói. Lối kể của Bác hùng hồn đanh thép, cách lập luận chặt chẽ, Bác đã không bỏ sót một tội ác nào của thực dân, khơi dậy được lòng căm thù của nhân dân từ đó quyết tâm hơn trong việc bảo vệ nền độc lập, tự do mà ta mới vừa giành được.

Với kẻ thù thì hùng hồn, quyết liệt, nhưng khi biểu dương sức mạnh của nhân dân thì Bác sử dụng lời lẽ nhẹ nhàng, đầy hào khí mang tâm thế của những người chiến thắng. Chỉ bằng một câu, như lời tiên đoán trước, Bác đã thông báo 3 sự kiện lịch sử trọng đại và đó cũng là những chiến tích lẫy lừng của nhân dân ta: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”. Chúng ta đã chiến thắng, đã đánh đổ được thực dân sau gần trăm năm nô lệ với biết bao nhiêu đau khổ, căm hờn. Bác đã dựng lại cả một giai đoạn lịch sử cách mạng đầy gian khổ nhưng cực kỳ oanh liệt. Nhân dân ta chân đất, đầu trần, trường kỳ kháng chiến chấp nhận, mất mát hy sinh, ngót 15 năm đi theo ngọn cờ của Đảng. Chiến thắng này là niềm tự hào của cả một dân tộc mà chiều dài lịch sử bao nhiêu năm là ngần ấy năm chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Vì thế, lời tuyên bố của Bác vô cùng dõng dạc, hùng hồn xen lẫn lòng tự hào, ung dung, trước niềm vui chiến thắng. Bác đã tuyên bố thoát ly hẳn với thực dân Pháp, xóa hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về đất nước Việt Nam, xóa hết mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Bác đã thay mặt cho toàn thể nhân dân Việt Nam trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do và độc lập”. Hơn thế nữa, Bác hết sức khéo léo tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ, hòa bình trên thế giới. Kêu gọi các nước đồng minh công nhận chủ quyền của Việt Nam, phản đối ý đồ của thực dân Pháp muốn quay trở lại xâm chiếm nước ta lần nữa. Kết thúc bản Tuyên ngôn, Bác đã thay mặt nhân dân tuyên thệ trước quốc dân đồng bào quyết tâm thực hiện nhiệm vụ trọng đại trong lúc dầu sôi lửa bỏng này là nguyện đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, nền độc lập của dân tộc.

Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tác phẩm văn chính luận mẫu mực, kết cấu chặt chẽ, chứng cứ hùng hồn, tình lý phân minh, cách viết ngắn gọn, trong sáng đến mức kỳ lạ, thuyết phục người đọc, người nghe. Chỉ với 1.024 chữ, nhưng nó đã chứa đựng tất cả chân lý của nhân loại, tội ác của thực dân- phát xít xâm lược, cuộc kháng chiến vĩ đại với khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Bằng tâm huyết và sự tài hoa, Tuyên ngôn độc lập đã đưa đất nước Việt Nam sang trang sử mới. Khẳng định vị thế của một dân tộc chiến thắng, một dân tộc anh hùng, đã dám vùng lên chống phong kiến, đánh đổ thực dân xâm lược, giải phóng nhân dân khỏi xích xiềng nô lệ, xây dựng nền cộng hòa đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: Internet

Lưu Thành Công (Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh