5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã không ngừng phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt được những thành tựu rất quan trọng. Kinh tế của huyện có bước tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so đầu nhiệm kỳ.
[links()]
5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã không ngừng phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt được những thành tựu rất quan trọng. Kinh tế của huyện có bước tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so đầu nhiệm kỳ.
Đầu tư cho kết cấu hạ tầng- nhất là hạ tầng giao thông cũng sẽ được huyện quan tâm. |
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng
Về cơ bản, kinh tế chủ yếu của huyện là nông nghiệp. Xác định ưu thế của mình, thời gian qua, huyện tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Song song đó, huyện triển khai kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bước đầu tổ chức sắp xếp lại sản xuất, đổi mới tư duy sản xuất và xây dựng các mối liên kết hợp tác sản xuất. Công tác thủy lợi, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được quan tâm đầu tư.
Hiện nay, trồng trọt chiếm tỷ trọng 70,19% trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Diện tích trồng lúa giảm dần và ổn định ở diện tích 11.000ha, sản lượng bình quân hàng năm đều tăng. Kinh tế vườn tiếp tục phát triển, có khoảng 70% diện tích cho hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận từ 180- 240 triệu đồng/ha/năm. Hình thành một số vùng sản xuất rau màu chuyên canh, luân canh ở các xã Phú Thành, Lục Sĩ Thành, Thiện Mỹ, Tích Thiện, Xuân Hiệp, nâng mức thu nhập bình quân gấp 2- 3 lần trồng lúa.
Theo Bí thư Huyện ủy Trà Ôn Nguyễn Văn Lê, trong nhiệm kỳ qua, kinh tế tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, trong đó giá trị sản xuất của các ngành, các lĩnh vực đều tăng. Cụ thể, giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản tăng bình quân 3,51%; công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 10,66%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 15,09%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 26,5 triệu đồng/năm, tăng gấp 2 lần so năm 2010.
Ngoài ra, trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với kế hoạch cụ thể hóa 6 chương trình hành động của tỉnh đã giúp cho Trà Ôn có nhiều thay đổi.
Về phát triển đô thị và nhà ở đến nay, đô thị thị trấn Trà Ôn ước đạt 71,7% tiêu chí đô thị loại IV; trung tâm xã Hựu Thành đạt 67,3% tiêu chí đô thị loại V; tỷ lệ nhà ở bán kiên cố chiếm 80,38%, đạt 118,5% kế hoạch. Về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hiện ôtô đến được trung tâm các xã; thực hiện đường liên ấp đạt 38,7%; các công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu khép kín 97,5% đất sản xuất nông nghiệp; hộ có điện chiếm 97,85%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cung cấp nước máy tập trung chiếm 40,8%. Về giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, đến nay lao động có chuyên môn kỹ thuật chiếm 32%, tăng 15,37% so năm 2010, đạt 106,6% nghị quyết. Công tác giảm nghèo thực hiện đạt hiệu quả, đã có 3.948 hộ thoát nghèo, kéo tỷ lệ hộ nghèo từ 13,46% năm 2010 giảm còn 6,6%.
Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp là một trong những khâu đột phá quan trọng trong nhiệm kỳ tới của huyện Trà Ôn. |
Về xây dựng nông thôn mới (NTM), tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM (giai đoạn 2010- 2014) là 619,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 337,7 tỷ đồng, các doanh nghiệp 17,3 tỷ đồng, huy động từ cộng đồng dân cư và các nhà tài trợ khác 264,4 tỷ đồng. Đến nay, xã Hựu Thành đạt tiêu chí xã NTM, ước đến cuối năm 2015 xã Hòa Bình và Tích Thiện đạt tiêu chí xã NTM.
Tập trung cho Đề án tái cơ cấu nông nghiệp
Bên cạnh những thành tựu, huyện cũng tự đánh giá vẫn còn những hạn chế cần có giải pháp tháo gỡ trong nhiệm kỳ tới. Đó là, sản xuất nông nghiệp vẫn là kinh tế chủ yếu của huyện, giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản có tăng trưởng nhưng chỉ đạt 49,17% so nghị quyết; chuyển dịch cơ cấu theo hướng gia tăng giá trị sản xuất chưa đạt yêu cầu. Cây lúa còn chiếm tỷ trọng lớn, chăn nuôi phát triển không ổn định, thiếu bền vững, nuôi thủy sản gặp khó khăn về chi phí đầu vào, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Còn lúng túng trong tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công tác tuyên truyền ra nhân dân chưa đồng bộ.
Trà Ôn nằm trên tuyến QL54, hành lang của TP Cần Thơ, TX Bình Minh và thuộc tiểu vùng III. Việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ có thêm điều kiện để Trà Ôn đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội. Sự ổn định về chính trị, xã hội là những tiền đề quan trọng để huyện triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong 5 năm tới.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Lê, những định hướng trong nhiệm kỳ tới huyện sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp- thương mại, dịch vụ- công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng. Ngoài ra, thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn xây dựng NTM, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội. Đối với Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, huyện tập trung vào sản xuất các sản phẩm có thị trường tiêu thụ và có lợi thế, xem đây là khâu đột phá. Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch vùng chuyên canh và giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch đối với hàng hóa nông sản có lợi thế, thực hiện tái cơ cấu từ sản xuất sản phẩm có giá trị thấp sang sản phẩm có giá trị cao và tiêu thụ được trên thị trường.
Đồng chí Nguyễn Văn Lê cho biết thêm, để có thể phát triển nhanh và bền vững, huyện đã xây dựng 3 khâu đột phá, thứ nhất là tập trung công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, đặc biệt quan tâm giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer; thứ hai là huy động, khai thác và phát huy nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; thứ ba tổ chức sắp xếp lại sản xuất, tạo sự đột phá trong việc tìm kiếm đối tác hợp tác liên doanh, liên kết nhằm giải quyết tốt đầu ra nông sản hàng hóa.
Bài, ảnh: BÙI THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin