Xây dựng Đảng vững mạnh- yếu tố quyết định thành công!

01:04, 30/04/2015

Công tác chuyên môn ở một trạm y tế cơ sở thường có rất nhiều cái khó, ở vùng sâu càng khó hơn. Nhưng vì sao Trạm Y tế xã Mỹ Thuận (Bình Tân), không những làm tốt nhiệm vụ của mình, mà còn làm vệ tinh cho y tế tuyến trên, thực hiện tốt vai trò "cụm" cho các địa bàn xung quanh?

[links(left)]

Công tác chuyên môn ở một trạm y tế cơ sở thường có rất nhiều cái khó, ở vùng sâu càng khó hơn. Nhưng vì sao Trạm Y tế xã Mỹ Thuận (Bình Tân), không những làm tốt nhiệm vụ của mình, mà còn làm vệ tinh cho y tế tuyến trên, thực hiện tốt vai trò “cụm” cho các địa bàn xung quanh?

Nguyên do trước tiên và căn bản nhất, chính là làm tốt công tác xây dựng Đảng ở đây.

BS Nguyễn Văn Đông (trái) đang thăm hỏi sức khỏe cụ Sang (96 tuổi) và dặn dò chị Tơ cách chăm sóc, sử dụng thuốc.
BS Nguyễn Văn Đông (trái) đang thăm hỏi sức khỏe cụ Sang (96 tuổi) và dặn dò chị Tơ cách chăm sóc, sử dụng thuốc.

Vai trò đầu tàu

Trạm Y tế xã Mỹ Thuận hiện có 12 cán bộ và nhân viên y tế thì đã có 11 người là đảng viên. Đây là cơ sở y tế được đánh giá là tốt về đầu tư trang thiết bị cũng như tốt về nghiệp vụ chuyên môn. Ngay cả trong điều kiện có một số cán bộ đăng ký các lớp học ngắn hạn, dài hạn trong thời gian tới, trạm vẫn đảm bảo “chạy tốt” công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

Có một nỗi lo... đáng mừng, mà theo bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Đông- Trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Thuận là: “Có thể trong năm 2015 này, sẽ khó đạt chỉ tiêu kết nạp 2 đảng viên, vì hiện chỉ còn có 1 người ngoài Đảng”. Tuy nhiên, trạm cũng sẽ nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu, bằng việc mở rộng đối tượng bồi dưỡng, kết nạp đảng viên ra ngoài nguồn cộng tác viên- BS Nguyễn Văn Đông cho biết. Bởi đây cũng là lực lượng cơ hữu quan trọng, góp phần cho trạm thực hiện tốt vai trò “cụm”, thực hiện các đề án y tế quan trọng cho y tế tuyến trên.

Tìm hiểu các y- BS, nhân viên của trạm, cũng như một số bệnh nhân thường xuyên đến khám bệnh tại đây, họ đều có chung nhận xét tốt về người cán bộ “đầu tàu” là BS Đông. Hiểu sâu địa bàn, giỏi chuyên môn, gần gũi với đồng nghiệp, quan tâm ân cần với từng hoàn cảnh đặc biệt của bệnh nhân, đã giúp BS Đông luôn nắm bắt và giải quyết nhanh công việc từ trong trạm ra đến ngoài địa bàn. Ở cái tuổi “chín” của một cán bộ lãnh đạo y tế cơ sở, BS Đông (45 tuổi) đã có 24 năm gắn bó với Trạm Y tế xã Mỹ Thuận.

Tháng 7/1991: BS Đông là y sĩ chuyên khoa mắt. 2 năm sau: được kết nạp Đảng và 2 năm sau nữa là Phó Phòng Khám Đa khoa khu vực Mỹ Thuận. Năm 2001, BS Đông học Đại học Cần Thơ và nhận nhiệm vụ Trưởng Trạm Y tế kiêm Trưởng Phòng Khám khu vực Mỹ Thuận. Từ cuối năm 2014, Chi bộ Trạm Y tế Mỹ Thuận tách ra sinh hoạt riêng (trước thuộc Đảng ủy xã), BS Đông là Bí thư chi bộ và cũng là Ủy viên BCH Đảng bộ xã (2010- 2015) và HĐND xã Mỹ Thuận nhiệm kỳ 2011- 2016. Quá trình công tác, phấn đấu gắn bó duy nhất với địa bàn xã Mỹ Thuận trong gần 24 năm cũng là yếu tố thuận lợi giúp BS Đông trong việc quản lý điều hành ở trạm.

Việc tách chi bộ ra sinh hoạt riêng, càng giúp cho công tác Đảng được nâng cao chất lượng hơn, có điều kiện theo dõi sâu sát đảng viên; đồng thời khi có đông cán bộ, nhân viên đứng trong hàng ngũ Đảng (gần như 100%), giúp cho nội bộ luôn đoàn kết từ đó phối hợp, hỗ trợ tốt trong nghiệp vụ chuyên môn. BS Đông khẳng định: “Làm tốt công tác xây dựng Đảng thì sẽ quyết định sự thành công trong chuyên môn!”

Khám chữa bệnh cho người cao tuổi

Trạm Y tế xã Mỹ Thuận đang triển khai một đề án rất hay, giúp cho việc chăm sóc sức khỏe (CSSK) đối với người cao tuổi (NCT) được thuận lợi, chặt chẽ, khoa học và cũng thể hiện tính nhân văn, sự văn minh, tiến bộ của xã hội. Đây cũng là quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác CSSK NCT.

Đề án CSSK NCT thực hiện tại xã Mỹ Thuận từ năm 2013- 2015, được sự phối hợp giữa Trung tâm Y tế- Trung tâm Dân số- Trạm Y tế xã Mỹ Thuận mà đơn vị trực tiếp thực hiện là trạm y tế. Nhờ đó, trạm nắm được danh sách cụ thể NCT trên địa bàn, có 176 cụ từ 80 tuổi trở lên. Từ đó, xây dựng đội ngũ tình nguyện viên ở các ấp. Đội ngũ này hỗ trợ việc khám phân loại như: siêu âm, điện tim, thử đường huyết... Qua các đợt khám, sẽ phân loại sức khỏe các cụ và sẽ thăm khám định kỳ, theo dõi thường xuyên. Chương trình này giúp cho việc khám, chữa bệnh của NCT được thực hiện tại nhà, sau đó người thân trong gia đình sẽ mang sổ lên trạm nhận thuốc.

Việc triển khai chương trình này thể hiện tính nhân văn, vừa thể hiện truyền thống “kính lão trọng thọ” của dân tộc ta. BS Đông đưa tôi đến thăm một số gia đình. Nhiều gia đình có NCT sức khỏe kém, giờ được chương trình hỗ trợ khám chữa bệnh tại nhà nên rất mừng, họ mong sao những đề án như thế này được tiếp tục nhân rộng và kéo dài trong tương lai. Chị Đặng Thị Tơ (53 tuổi) không chồng con, nuôi cha là ông Đặng Văn Sang (sinh năm 1919, ở ấp Mỹ Tú) có hoàn cảnh đơn chiếc, khó khăn kinh tế. Những người con đi làm ăn xa của ông Sang mỗi tháng hùn lại gửi về cho chị Tơ được 500.000đ, cộng với số tiền NCT 180.000 đ/tháng lo trong ngoài. Chị Tơ cho biết: “Cha lớn tuổi đi đứng khó khăn, nhà không có xe cộ gì, nên mỗi lần bệnh là khổ lắm. Được khám bệnh tại nhà, tôi mừng lắm, các nhân viên y tế quan tâm tận tình. Nhiều khi BS Đông cũng tạt ngang thăm hỏi sức khỏe ba tôi như người nhà, thiệt tình là cảm động lắm”.

Theo BS Đông thì trong năm nay, trạm tiếp tục tư vấn sức khỏe NCT tại cộng đồng trên địa bàn xã Mỹ Thuận, trên cơ sở xây dựng mạng lưới tình nguyện viên định kỳ báo cáo hàng tháng. Điều tra rà soát danh sách những NCT trên địa bàn, nắm rõ hoàn cảnh của từng người để có hướng hỗ trợ, tư vấn và giúp đỡ người neo đơn, bệnh tật (từ 60 tuổi trở lên). Theo đề án này, tổng kinh phí hoạt động của cả năm 2014 chỉ có 7,8 triệu đồng. Đây là số tiền không lớn, nhưng hiệu quả và ý nghĩa lại không hề nhỏ.

Trạm Y tế xã Mỹ Thuận hiện có đến 3 BS, 4 y sĩ, 2 dược sĩ, 1 cử nhân điều dưỡng, 2 nữ hộ sinh và trang thiết bị tương đối đáp ứng tốt cho công tác khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở. Hướng sắp tới, trạm tiếp tục cử cán bộ y tế tiếp tục học các lớp học nâng cao dài hạn, các lớp tập huấn ngắn hạn... nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.

Trong năm 2015, Trạm Y tế xã Mỹ Thuận tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tư vấn và CSSK NCT. Mục đích sao cho sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của NCT cải thiện thông qua các hoạt động dự phòng, tự chăm sóc và chăm sóc của gia đình, cộng đồng, của toàn hệ thống chăm sóc NCT. Góp phần đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc NCT, năng lực quản lý của hệ thống công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình được nâng cao.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh