Sơ kết 3 năm thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (giai đoạn 2012- 2014) đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và doanh nghiệp thực hiện nhanh gọn các giao dịch về thủ tục hành chính.
Sơ kết 3 năm thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (giai đoạn 2012- 2014) đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Bước đầu đã tăng cường sự minh bạch, công khai trong thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC); xóa bỏ cơ chế quản lý nặng nề “xin- cho”, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và doanh nghiệp thực hiện các giao dịch về TTHC.
Thực hiện chương trình này, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng kế hoạch với 6 nội dung trọng tâm: cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính công và hiện đại hóa nền hành chính.
Công tác cải cách thể chế được xác định là nhiệm vụ quan trọng và được quan tâm chỉ đạo trong suốt thời gian qua. Để đảm bảo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo đúng trình tự, đảm bảo thể chế đi vào đời sống tránh sự chồng chéo trùng lắp, tỉnh đã ban hành một số quyết định giúp cho việc thực hiện công tác này được tốt hơn.
Ngoài việc rà soát thường xuyên, các cơ quan đơn vị còn thực hiện rà soát theo chuyên đề, kết quả thu thập và rà soát có trên 530 văn bản công bố hết hiệu lực pháp luật hoặc được tham mưu kiến nghị xử lý.
Về cải cách TTHC, đến nay bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh là 1.823 thủ tục hành chính, tất cả đều được công bố rõ ràng, minh bạch và được công khai bằng nhiều hình thức khác nhau.
Ngoài ra, thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, từ năm 2001 đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cơ quan nhà nước; tổ chức làm việc vào ngày thứ bảy hàng tuần… bước đầu đã giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện công tác cải cách hành chính công, tính đến nay có 100% sở ban ngành tỉnh và UBND cấp huyện thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính; 118/118 đơn vị sự nghiệp thực hiện theo Nghị định 43 về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính.
Theo đánh giá, việc thực hiện cải cách hành chính công đã tạo động lực thúc đẩy, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, đổi mới và nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính phục vụ tốt nhu cầu phát triển của tỉnh.
Để đảm bảo cho công tác cải cách hành chính thực hiện tốt theo kế hoạch đề ra, việc xây dựng và nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng là một nhiệm vụ trọng tâm. Qua 3 năm, có 27.546 cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ.
Song song đó, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và hạ tầng sử dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính của tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển.
Hiện, tất cả các cơ quan hành chính đều có sử dụng các phần mềm ứng dụng vào hoạt động tác nghiệp của cơ quan: thực hiện chữ ký số, quản lý hồ sơ công việc, trang tin điện tử, các phần mềm chuyên ngành gửi và nhận mail trong giải quyết công việc…
Theo đánh giá của UBND tỉnh, qua 3 năm triển khai thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, bước đầu đã tăng cường sự minh bạch, công khai trong thực hiện các TTHC; xóa bỏ cơ chế quản lý nặng nề “xin- cho” tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và doanh nghiệp thực hiện các giao dịch về TTHC. Bộ máy được sắp xếp lại, cơ cấu tổ chức, bố trí biên chế phù hợp, giảm khâu trung gian không cần thiết, giúp Nhà nước quản lý chặt chẽ về tổ chức.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung đã phân công cho các ngành, đơn vị trong chương trình cải cách hành chính tỉnh còn chậm hoặc chưa triển khai, phần lớn các cơ quan, đơn vị chưa đánh giá được bao nhiêu phần trăm mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm.
Ngoài ra, công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chưa đồng bộ, thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết công việc liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác cải cách hành chính theo cơ chế một cửa ở cấp cơ sở còn nhiều thiếu thốn…
Theo kết quả chỉ số cải cách hành chính do Bộ Nội vụ công bố, năm 2013, Vĩnh Long chỉ đạt 76,76/100 điểm, đứng ở vị trí 40/63 tỉnh thành, tụt 35 bậc so với năm 2012.
Công tác cải cách hành chính vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong năm 2015 và những năm tiếp theo, đồng chí Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC để tạo ra bước chuyển biến mới về chất, hoàn thiện các TTHC đảm bảo tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch và công bằng, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp khi có yêu cầu giải quyết các công việc về sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Ngoài ra, tỉnh sẽ đào tạo đội ngũ cán bộ công chức giỏi về chuyên môn, tâm huyết và hết lòng với công việc; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, kết hợp với xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị để phục vụ tốt cho công tác cải cách hành chính.
Bài, ảnh: BÙI THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin