
Trong 2 năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” không ngừng được mở rộng và ngày càng phong phú, đa dạng về hình thức, cách làm và tập trung những vấn đề khó, bức xúc ở địa phương. Thông qua phong trào này, đã khơi dậy nội lực, huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Những điển hình hay, những cách làm sáng tạo ngày càng nhân rộng.
Trong 2 năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” không ngừng được mở rộng và ngày càng phong phú, đa dạng về hình thức, cách làm và tập trung những vấn đề khó, bức xúc ở địa phương. Thông qua phong trào này, đã khơi dậy nội lực, huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Những điển hình hay, những cách làm sáng tạo ngày càng nhân rộng.
Phong trào “Dân vận khéo” thường gắn những nhu cầu bức thiết tại các địa phương.
Lan tỏa những cách làm sáng tạo
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Lời dạy của Bác Hồ gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua đã tạo sự lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị và ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Nhiều bà con Khmer lâu nay vẫn có nếp nghĩ: Nhà nước sẽ luôn bồi hoàn phần đất kiến trúc bị mất khi các tuyến đường giao thông đi qua, nên phát sinh suy nghĩ không đồng thuận chủ trương hiến đất hoa màu để làm đường.
Ông Vitivalay- Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Phù Ly 1 (xã Đông Bình- TX Bình Minh) đã vận động 69 hộ đồng bào Khmer tự nguyện hiến 7.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn. Ông Vitivalay cho biết, bản thân ông cũng là người Khmer gắn bó lâu năm ở địa phương, hiểu rõ từng thói quen, lối nghĩ của đồng bào nơi đây.
Ông chia sẻ, ban đầu tôi tuyên truyền, vận động bà con lối xóm lân cận trong những buổi họp dân, trong dịp đám tiệc, lễ lộc hay trong những buổi trò chuyện bên chén trà, chén rượu…
Với phương châm “mưa dầm thấm sâu”, tôi lấy việc tự nguyện hiến đất gia đình tôi là một ví dụ điển hình để mọi người hiểu, đồng thời giải thích khi các tuyến đường hoàn thành thì con em đi học thuận lợi, nông sản, hàng hóa được tư thương vào tận nơi thu mua, đời sống nhân dân sẽ được nâng lên. Thế là mọi người làm theo.
Với mô hình “Vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn”, qua 3 năm triển khai, tính đến nay toàn xã Long Phước có 575 hộ hiến gần 65.000m2 đất; 2.321 ngày công lao động, giá trị gần 8 tỷ đồng, đồng thời giúp xã cơ bản hoàn chỉnh tiêu chí về giao thông.
Anh Võ Hữu Phước- Chủ tịch UBND xã cho biết:
“Trong quá trình thực hiện quy hoạch, khối vận phối hợp với các đoàn thể tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, người dân được đóng góp ý kiến, được bàn bạc dân chủ. Khi bắt tay vào làm từng công trình cụ thể, đều tổ chức họp dân, công bố chủ trương và cách thức tiến hành. Do được thực hiện trước một bước, nên khi bắt tay vào làm việc, người dân tự nguyện hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc”.
Ở xã Đông Thạnh (TX Bình Minh), qua đăng ký mô hình “Vận động nhân dân xử lý rác thải hộ gia đình để thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới” đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Qua thực hiện, ban đầu từ chỗ chưa có hộ gia đình nào xử lý rác đúng quy định (chủ yếu là đốt hoặc đổ xuống các kinh rạch), thì đến nay trên địa bàn xã hiện có 812/1.636 hộ xử lý rác đúng quy định, đạt tỷ lệ 49,6% (tiêu chí quy định là 40% trở lên), trong đó, có 220 hộ xử lý rác tập trung (đóng phí thu gom rác) và 592 hộ xử lý rác tại gia đình (đào hố rác).
Trong 2 năm 2013- 2014, Khối Dân vận còn phối hợp cùng các ban ngành và các ấp tổ chức vận động hộ gia đình xây dựng hố tiêu hợp vệ sinh tính đến nay đạt 67,7%.
Anh Phạm Quốc Thanh- Trưởng Khối vận xã Đông Thạnh cho biết, để có được kết quả đó, xã xác định công tác tuyên truyền là quan trọng, trước tiên là triển khai trong nội bộ và cán bộ, đảng viên phải tiên phong làm trước để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện mô hình.
Qua 2 năm triển khai, có rất nhiều điển hình dân vận khéo được công nhận và hiệu quả mà nó mang lại là vô cùng to lớn. Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã xuất hiện ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương, lực lượng vũ trang...
Nhiều điển hình đã tham gia giải quyết những khó khăn, những vấn đề bức xúc của người dân. Một hiệu quả lớn hơn nữa là qua các mô hình này, diện mạo của nông thôn được thay đổi rất nhiều và đời sống của người dân được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần.
Những người làm cầu nối cho lòng nhân ái
Từ nhiều năm nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) TP Vĩnh Long là địa chỉ tin cậy của nhiều trường hợp khó khăn cần giúp đỡ. Hoạt động của hội không chỉ gói gọn bằng việc cứu trợ đột xuất mà còn mở rộng sang các hình thức hỗ trợ cất nhà, xây cầu, mua BHYT… cho các đối tượng khó khăn.
Hội CTĐ TP Vĩnh Long đã xây dựng nhiều mô hình từ thiện nhân đạo hỗ trợ cho người nghèo. Với mô hình dân vận khéo “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Thành hội đã giúp cho nhiều hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.
Không dừng lại ở việc trợ cấp thường xuyên, hiện hội còn hỗ trợ theo hướng phát triển bền vững. Thành hội có thể xét hỗ trợ một lần cho các đối tượng (từ 500.000- 2.000.000đ) để họ làm ăn, mua bán nhỏ…
Trong 2 năm gần đây, Thành hội đã trợ giúp 340 địa chỉ với gần 2 tỷ đồng, trong đó hàng tháng trợ cấp thường xuyên cho 143 người với số tiền gần 30 triệu đồng”.
Thông qua phong trào “Dân vận khéo”, nhiều hộ nghèo được hỗ trợ kịp thời và vượt qua khó khăn.
Mỗi tháng, bà Đặng Thị Tươi (69 tuổi, Phường 5- TP Vĩnh Long) đều nhận được tiền từ Ban Bảo trợ của Hội CTĐ thành phố. Chân đi khập khiễng cùng với tuổi “xế chiều” với nhiều bệnh tật nên gánh ve chai của bà Tươi bấp bênh bữa đi, bữa nghỉ. Bà Tươi tâm sự: “Tiền được cho, tui mua thuốc, mua gạo, nhẹ gánh lo hơn”.
Hoạt động của hội không dừng lại ở đó mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác từ trợ cấp hàng tháng sang hỗ trợ phát triển bền vững như: hũ gạo tình thương, cất nhà tình thương, xây cầu nông thôn, vận động mua thẻ BHYT…
Bà Nguyễn Thị Lệ- Chủ tịch Hội CTĐ TP Vĩnh Long cho biết, để làm được điều đó hội xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt, mạng lưới tình nguyện viên đều khắp ở địa bàn dân cư để lập hồ sơ tất cả các đối tượng có nhu cầu giúp đỡ. Song song việc vận động nguồn lực tại chỗ, hội mở rộng mối quan hệ trong và ngoài tỉnh.
Với cách làm trên, có rất nhiều cá nhân, tổ chức tin tưởng và hỗ trợ thường xuyên như Thượng tọa Thích Minh Hiếu ở TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ xây dựng 22 cầu nông thôn ở TP Vĩnh Long và 6 huyện trị giá trên 2 tỷ đồng; cô Trương Kim Lan ở TP Vĩnh Long hàng năm hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo ở TP Vĩnh Long…). Tính từ năm 2011 đến nay, tổng phúc lợi của thành hội đạt 88 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện xã hội.
Theo Chủ tịch Hội CTĐ TP Vĩnh Long, muốn hoàn thành được nhiệm vụ phải vận động được nguồn lực để trợ giúp người nghèo có hoàn cảnh khó khăn, vì đây là nơi lòng nhân ái được trải rộng và hội là người làm cầu nối cho lòng nhân ái đó.
Bài, ảnh: THANH QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin