Kỳ cuối: Bài toán cần lời giải!

06:04, 19/04/2014

Những khó khăn đặt ra đối với công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên ở các địa phương là một thực tế. Việc “giải bài toán” này quả là không dễ dàng, cần sự quyết tâm, quyết liệt hơn nữa từ tỉnh đến cơ sở.

>> Kỳ 1: Cạn “nguồn” ở ấp- khóm

>> Kỳ 2: Chưa “giữ chân” được đảng viên khi xuất ngũ

Những khó khăn đặt ra đối với công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên ở các địa phương là một thực tế. Việc “giải bài toán” này quả là không dễ dàng, cần sự quyết tâm, quyết liệt hơn nữa từ tỉnh đến cơ sở.

Thông qua các hoạt động tình nguyện, phát hiện, chăm bồi quần chúng ưu tú.


Cần sự chủ động

Nhiệm kỳ 2010- 2015, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra kế hoạch phát triển 9.000 đảng viên. Do vậy, mỗi năm ít gì cũng phải phát triển 1.800 đảng viên.

Theo quy trình, từ chỉ tiêu chung sẽ đưa vào nghị quyết hàng năm của tỉnh rồi phân bổ xuống huyện- thị- thành, rồi từ đó “bổ” xuống xã- phường và ấp- khóm. Theo cán bộ tổ chức các địa phương, những năm gần đây chỉ tiêu đưa ra năm nào cũng đạt, có năm còn vượt rất xa.

Tuy nhiên, lực lượng đảng viên ở ấp- khóm được kết nạp còn rất khiêm tốn, phần đông là lực lượng ở các ban, ngành và đoàn viên, giáo viên là chủ yếu. Từ thực trạng này, năm 2013, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rà soát, nắm lại tình hình.

Cụ thể, trong tổng số 2.147 đảng viên kết nạp thì có 456 đảng viên ở ấp- khóm. Tam Bình kết nạp nhiều nhất nhưng cũng chỉ có 91/299 đảng viên kết nạp; kế đến là Vũng Liêm: 86/280; Trà Ôn: 62/242; Long Hồ: 53/242; Mang Thít: 52/171; TX Bình Minh: 44/152; TP Vĩnh Long: 37/174 và Bình Tân: 31/168.

Nguyên nhân chính cho việc “không có người” là do lực lượng trong độ tuổi lao động thường rời quê đi làm ở thành phố và các khu công nghiệp, phần còn lại cũng không ít là trình độ văn hóa không đạt chuẩn.
 
Trò chuyện cùng chúng tôi, đồng chí Lê Văn Ửng- Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy bày tỏ băn khoăn: Vị trí ấp- khóm rất quan trọng. Đảng viên chính là hạt nhân, là nòng cốt ở cơ sở. Nhiều ấp- khóm đảng viên trẻ rất ít. Có chi bộ 7- 8 đảng viên, chỉ 1- 2 đảng viên trẻ, còn lại là lớn tuổi, phần đông là cán bộ hưu!

Nên chăng không đặt chỉ tiêu kết nạp Đảng hàng năm? Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy bộc bạch: “Đặt chỉ tiêu thì có đảng bộ cho rằng chỉ tiêu cao. Còn nếu không đặt chỉ tiêu chỉ e rằng các chi- đảng bộ sẽ không quan tâm, lơ là thì cũng không được. Trước mắt chỉ tiêu vẫn giữ, để từng đảng bộ có sự phấn đấu”.

Công tác tạo nguồn phát triển đảng viên là một trong những nội dung cực kỳ quan trọng của công tác đảng viên, nhằm không ngừng nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng.

Dưới góc độ người viết, cũng là đảng viên, chúng tôi nghĩ rằng chỉ tiêu phấn đấu là cần thiết nhưng nên chăng để các chi đảng bộ có sự chủ động, trên cơ sở nhìn “thực lực” của mình, có kế hoạch và số lượng kết nạp hàng năm thật cụ thể để tránh trường hợp “năm nào cũng lo không đạt chỉ tiêu” mà kết nạp “có trường hợp thấy cũng chưa… chín lắm”.

Nên có cơ chế

Năm 2013, có 135 đảng viên xóa tên, cho ra khỏi Đảng, trong đó có gần 30 trường hợp là lực lượng bộ đội xuất ngũ. Đây có lẽ không là khó khăn của năm 2013 mà của nhiều năm trước và đến nay vẫn còn… bế tắc. Các trường hợp đảng viên sau khi xuất ngũ về bố trí công tác tại huyện, xã hầu như rất ít và tìm được một vị trí ở ấp cũng không dễ dàng, thường bố trí các chức danh ấp đội phó, công an viên hoặc phó bí thư chi đoàn ấp…

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trà Ôn Bùi Văn Táng không giấu nỗi niềm: Gia hạn nhưng cũng có… thời hạn. Số chuyển sinh hoạt đến công ty, xí nghiệp có tổ chức Đảng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tìm nguồn phát triển Đảng trong lực lượng tuyển quân cũng trần ai lai khổ. Kết nạp rồi, đi nghĩa vụ về lại xin ra khỏi Đảng, chúng tôi thấy đau lắm chứ nhưng đã… hết cách.

Đồng chí Trần Phước Hưởng- Bí thư Đảng ủy xã Đông Thành (Bình Minh) trăn trở: “Không phải mình không lo, không quan tâm nhưng do cơ chế của mình. Có quy định đi bộ đội về được ưu tiên nhận vào công tác, không biết ở đâu như thế nào chứ đàng này có biên chế hết thì bố trí vào đâu? Công việc như một guồng máy cứ chạy mãi, chạy mãi không thể chờ đợi một ai. Còn khi bố trí được về ấp thì mức phụ cấp cao lắm chỉ “1 chấm” nên cuối cùng anh em cũng không bám trụ được”.

Những trường hợp đảng viên đi làm ăn xa, địa phương tạo điều kiện bằng cách miễn sinh hoạt 6 tháng. Hết 6 tháng mà “chưa ổn” thì… thêm 6 tháng nữa. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp mang tính chất “chữa cháy” còn về lâu dài hầu như chưa có địa phương nào có giải pháp căn cơ.

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy- Lê Văn Ửng cho rằng vấn đề này tỉnh “đã thấy và rất quan tâm”. Tới đây sẽ phối hợp cùng các địa phương để chọn nguồn tuyển quân là lực lượng bán chuyên trách xã đồng thời cũng nâng trình độ thanh niên nhập ngũ lên cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp để khi về đáp ứng yêu cầu, dễ bố trí. Với cách làm này, hy vọng sẽ giải quyết 50% các em có việc làm khi xuất ngũ về!

Thay lời kết

Công tác tạo nguồn phát triển đảng viên góp phần quan trọng đảm bảo sự tồn tại và phát triển của Đảng ta. Những “bế tắc” trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên ở ấp- khóm cũng như làm thế nào “giữ chân” đảng viên sau khi xuất ngũ bước đầu hé mở được… lối ra. Vấn đề đặt ra là sự quyết tâm, quyết liệt của các chi- đảng bộ để hướng giải quyết này thực sự mang lại hiệu quả căn cơ.

Là ngành chủ công, tới đây Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ xây dựng kế hoạch trên tinh thần “khó đâu gỡ đó”. Trước mắt chỉ đạo các đoàn thể phối hợp cùng chi bộ cơ sở làm tốt công tác tạo nguồn, chứ “hàng năm, đoàn thể nào cũng báo phát triển được mấy ngàn đoàn viên, hội viên mới mà không có quần chúng tạo nguồn là điều vô lý”. Còn chuyện vướng học vấn sẽ phối hợp cùng ngành giáo dục có kế hoạch dạy, học, đào tạo văn hóa đảm bảo đạt chuẩn.

Bài, ảnh: DUY UYÊN- THANH TÂM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh