Nguồn lực đầu tư để đạt tiêu chí thủy lợi

02:02, 13/02/2014

Sau hơn 3 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại 22 xã điểm, hàng loạt công trình thủy lợi đã được xây dựng hoàn thiện, giúp một số xã đạt tiêu chí thủy lợi.

Sau hơn 3 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại 22 xã điểm, hàng loạt công trình thủy lợi đã được xây dựng hoàn thiện, giúp một số xã đạt tiêu chí thủy lợi. Tuy nhiên, đây là tiêu chí khó đạt đối với nhiều xã vì số lượng công trình thủy lợi theo quy hoạch nhiều, nguồn lực đầu tư lại quá lớn, là bài toán khá nan giải và là yêu cầu cấp bách đối với xã.


Kiên cố hóa cống, đập chủ động tưới, tiêu góp phần xây dựng nông thôn mới.

10 xã đạt tiêu chí sau hơn nửa giai đoạn

Tổng hợp từ năm 2010- 2013, tổng vốn đầu tư cho thủy lợi tại 22 xã điểm xây dựng NTM là trên 190 tỷ đồng (chưa kể đóng góp về mặt bằng, ngày công và kinh phí của nhân dân thực hiện công trình, nhất là công trình thủy lợi nội đồng) thực hiện 214 công trình thủy lợi (gồm xây dựng kiên cố cống, đập; nâng cấp, duy tu, sửa chữa công trình bờ bao, nạo vét kinh, mương).

Riêng trong năm 2013, từ các nguồn vốn do tỉnh và huyện đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế các huyện- thị trong tỉnh đã thực hiện 33 công trình thủy lợi với kinh phí đầu tư trên 20,3 tỷ đồng tại 14/22 xã điểm. Kết quả đầu tư trong các năm qua giúp các xã điểm từng bước hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi theo quy hoạch, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân trong xã.

Đến cuối năm 2013, có 10 xã điểm đạt tiêu chí thủy lợi, gồm:
 
Mỹ Lộc, Song Phú (Tam Bình), Hựu Thành, Tích Thiện (Trà Ôn), Long Phước (Long Hồ), Mỹ Thuận, Thành Đông, Tân Bình (Bình Tân), Trung Hiếu (Vũng Liêm), Long Mỹ (Mang Thít); có 7 xã đạt 1 trong 2 nội dung của tiêu chí thủy lợi, gồm Bình Hòa Phước (Long Hồ), Tân Long (Mang Thít), Ngãi Tứ, Hòa Lộc (Tam Bình), Hiếu Phụng (Vũng Liêm), Đông Thạnh (Bình Minh) và Hòa Bình (Trà Ôn).

Ngành nông nghiệp và PTNT, chính quyền cấp huyện, xã đã có nhiều nỗ lực, tập trung các nguồn lực đầu tư cho thủy lợi.

Một số huyện đã cân đối nguồn vốn phân cấp huyện quản và huy động nhân dân đóng góp mà không đợi nguồn đầu tư từ tỉnh, đã hỗ trợ cho các xã điểm trong huyện sớm đạt tiêu chí thủy lợi (điển hình như huyện Bình Tân có 3 xã sớm đạt tiêu chí thủy lợi), nhưng tiến độ thực hiện tiêu chí thủy lợi của toàn tỉnh được đánh giá là chậm so với kế hoạch.

Một số nguyên nhân có thể thấy là do số lượng công trình và tổng mức đầu tư theo quy hoạch là quá lớn, phân cấp đầu tư không cân đối, hầu hết các công trình thủy lợi trong quy hoạch đều phân cấp cho cấp tỉnh và từ ngân sách nhà nước là chính, đặc biệt là nhóm công trình kiên cố hóa cống, đập (1 trong 2 nội dung để giúp xã đạt tiêu chí thủy lợi); kinh phí đóng góp của nhân dân đầu tư cho thủy lợi rất hạn chế, đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp là không đáng kể, có nơi không có, do đặc thù của công trình thủy lợi là vốn đầu tư lớn mà khả năng thu hồi vốn rất khó khăn.

Nguồn lực để về “đích”: cần sự góp sức từ nhiều phía

Theo tổng hợp của Chi cục Thủy lợi từ quy hoạch chung của 22 xã điểm được duyệt, tổng số cần đầu tư đến năm 2015 là 443 công trình với tổng mức đầu tư gần 430 tỷ đồng, gồm:

kiên cố hóa cống, đập: 304 công trình (vốn khoảng 260 tỷ đồng), xây dựng và nâng cấp bờ bao: 139 công trình (vốn đầu tư gần 170 tỷ đồng), trong đó nguồn đầu tư phần lớn phân cấp tỉnh đầu tư: 268 công trình (vốn trên 290 tỷ đồng).

Đến cuối năm 2013, đã triển khai thực hiện 214 công trình (gần 1/2 tổng số), vốn đầu tư hơn 190 tỷ đồng (gần 45% tổng mức), số công trình còn lại theo quy hoạch là 229 công trình (hơn 1/2 tổng số), vốn đầu tư 240 tỷ đồng.
 
Khối lượng đầu tư còn lại theo quy hoạch là rất lớn, trong khi thời gian chỉ còn 2 năm để về “đích”, do vậy giải pháp quan trọng nhất cũng là quyết định nhất là cấp bách đầu tư công trình. Một số xã chưa đạt thấy những khó khăn, đã gấp rút xin huyện điều chỉnh giảm số lượng công trình thủy lợi theo quy hoạch để sớm đạt tiêu chí thủy lợi.

Hậu quả của điều này hiện chưa rõ, cần đánh giá lại so với mục tiêu quy hoạch của xã đã xác định ngay từ đầu.

Cũng theo tổng hợp của Chi cục Thủy lợi, để hoàn thành kế hoạch đưa 12 xã điểm nữa đạt tiêu chí, nâng tổng số 22 xã đạt tiêu chí thủy lợi vào cuối năm 2015 (trong đó có 2 xã điểm ưu tiên đầu tư để đạt tiêu chí vào năm 2014) thì trong 2 năm 2014-2015 cần đầu tư tiếp trên 90 công trình thủy lợi (kinh phí đầu tư tính theo quy hoạch gần 125 tỷ đồng), trong đó phân cấp cho tỉnh đầu tư chiếm hơn 2/3 số lượng công trình và vốn đầu tư. Như vậy, kết cuộc để đạt tiêu chí, các xã đều trông cậy vào tỉnh, nhưng hiện tại nguồn đầu tư từ đâu vẫn còn là bài toán nan giải!

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, nhân dân đóng góp rất nhiều công, của vào xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn mà không phải bằng tiền, đó là hiến đất tạo mặt bằng xây dựng công trình. Đáng kể nhất là những công trình có dạng tuyến như đường giao thông nông thôn, công trình kinh, bờ bao thủy lợi.

Tuy nhiên, việc hiến đất trong dân ngày càng khó đi do tác động của cơ chế thị trường, đất đai giờ đây đã được định giá, rất có giá trị nên công trình triển khai thi công thường vướng mặt bằng, tiến độ thường bị đình trệ.

Do vậy, nguồn đầu tư thực hiện xây dựng công trình thủy lợi theo quy hoạch xã NTM vẫn từ Nhà nước, từ ngân sách! Những năm gần đây, tình hình đầu tư công cả nước tiếp tục khó khăn, tỉnh càng gặp khó trong huy động các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM, trong đó có thủy lợi.

Hơn nữa, theo Quyết định số 695/QĐ-TTg về việc sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010- 2020 cũng làm cho tỉnh rất khó khăn trong việc huy động nguồn vốn.
 
Trong quyết định nêu hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước cho xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thủy lợi... nhưng chưa nêu rõ là hỗ trợ bao nhiêu phần trăm, trong khi đó nguồn ngân sách tỉnh có hạn.

Xây dựng công trình thủy lợi nói riêng và kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nói chung là yêu cầu cơ bản đầu tiên để phát triển kinh tế, trình độ dân trí, mức sống về vật chất, văn hóa tinh thần ở nông thôn.

Trong khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh có hạn thì nguồn đầu tư từ hỗ trợ của Trung ương, nguồn đầu tư phân cấp cho huyện, từ đóng góp của nhân dân hưởng lợi từ công trình và của các tổ chức, doanh nghiệp là hết sức cần thiết để giúp các xã còn lại đạt tiêu chí thủy lợi trong xây dựng NTM.

Bài, ảnh: THÀNH THẶNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh