Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa VIII, đã có nhiều ý kiến của đại biểu quan tâm đến hoạt động hội đặc thù trên địa bàn tỉnh, nhằm đưa các tổ chức này hoạt động đi vào nề nếp, đúng thực chất và hiệu quả.
Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa VIII, đã có nhiều ý kiến của đại biểu quan tâm đến hoạt động hội đặc thù trên địa bàn tỉnh, nhằm đưa các tổ chức này hoạt động đi vào nề nếp, đúng thực chất và hiệu quả.
Để làm rõ hơn các nội dung của đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, bên lề kỳ họp, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Hiếu Nghĩa- đại biểu HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ xoay quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Hiếu Nghĩa.
* Thưa ông, tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh giữa năm 2013 và tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh lần này, đã có nhiều ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh qua thảo luận và chất vấn nêu vấn đề để đưa hoạt động các hội đặc thù trên địa bàn tỉnh đi vào đúng thực chất và hiệu quả.
Vậy đến nay, Sở Nội vụ đã tổ chức, thực hiện vấn đề này như thế nào?
- Kể từ khi Nghị định 45/2010/NĐ-CP ra đời, cơ chế quản lý hội đã có sự thay đổi rõ nét mà đặc biệt nhất là quy định về hội có tính chất đặc thù.
Do quy định về hội có tính chất đặc thù là nội dung mới nên cơ chế quản lý và thực trạng công tác quản lý các tổ chức hội này ở tỉnh ta hiện nay có một số vấn đề chưa hoàn thiện. Một số tổ chức hội có tính chất đặc thù (chủ yếu là ở cấp xã và cấp huyện) hoạt động chưa đúng thực chất, hiệu quả mang lại chưa cao.
Để thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nội vụ đã tiến hành khảo sát và xác định nguyên nhân của vấn đề này như sau: một số tổ chức hội có tính chất đặc thù có phạm vi, lĩnh vực, tính chất hoạt động gần giống nhau; có xu hướng hành chính hóa tổ chức hội như yêu cầu thành lập phòng chuyên môn và phụ cấp chức vụ, phụ cấp công vụ; yêu cầu Nhà nước đảm bảo về biên chế, kinh phí; yêu cầu cấp trụ sở, xe công vụ…
Cá biệt, có tổ chức hội hoạt động còn hình thức, nội dung hoạt động chậm được đổi mới, chưa phát huy tính chủ động sáng tạo, khả năng tập hợp, thu hút quần chúng bị
hạn chế.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo hội phần nhiều kiêm nhiệm hoặc tuổi đã cao, thiếu kỹ năng quản lý tổ chức hội, chưa nắm rõ các quy định của Đảng, Nhà nước về tổ chức và hoạt động hội. Việc công nhận hội có tính chất đặc thù ở một số địa phương chưa tuân thủ đầy đủ các quy định.
Sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác quản lý hội chưa được quy định rõ ràng; một số cơ quan, địa phương, cán bộ, công chức nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng và tác dụng của hội đối với phát triển xã hội.
* Từ thực tế trên, Sở Nội vụ có phương án giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và sắp xếp hợp lý các tổ chức hội đặc thù, Sở Nội vụ đã trình UBND tỉnh tiến hành một số giải pháp sau: trước mắt sẽ tạm thời ngưng xét công nhận hội có tính chất đặc thù để tiến hành sắp xếp hợp lý các tổ chức hội.
Song song đó, sở sẽ cho giải thể các tổ chức hội chưa đủ số lượng hội viên theo quy định (theo khảo sát hiện có 61 hội có tính chất đặc thù cấp xã chưa đủ số lượng hội viên).
Riêng đối với Hội Luật gia sẽ không tổ chức hội cấp xã mà tổ chức thành chi hội trực thuộc hội luật gia cấp huyện. Ngoài ra, sẽ hợp nhất các tổ chức hội có lĩnh vực hoạt động gần giống nhau, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có chức năng trong công tác quản lý hội.
Trong thời gian tới, Sở Nội vụ đã có kế hoạch kết hợp với Ban Dân vận, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng cơ bản về quản lý hội như kỹ năng tập hợp, thu hút quần chúng,… lồng ghép với việc triển khai, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về quản lý hội cho các đối tượng là cán bộ chủ chốt hội ở các
cấp hội.
Sau khi có chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với các tổ chức có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp trên. Tin rằng, trong thời gian tới, hoạt động của các tổ chức hội có tính chất đặc thù trong tỉnh sẽ được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
* Thưa ông, vấn đề kinh phí hoạt động cho hội đặc thù cũng đang là vấn đề “nóng”, trong thời gian tới, việc hỗ trợ kinh phí cho các hội có tính chất đặc thù được thực hiện như thế nào?
- Hiện nay, các hội được công nhận có tính chất đặc thù ở tỉnh ta gồm 17 hội hoạt động trong phạm vi toàn tỉnh; mỗi huyện- thị- thành có từ 7 đến 10 hội có phạm vi hoạt động trong huyện và mỗi xã- phường- thị trấn có từ 5 đến 9 hội có phạm vi hoạt động trong xã.
Với số lượng tương đối lớn nên trong tình hình kinh tế- xã hội hiện nay, việc hỗ trợ kinh phí cho các hội có tính chất đặc thù đang gặp nhiều khó khăn.
Trong năm 2013, 2014, Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan thống nhất phương án về kinh phí cho các hội có tính chất đặc thù như sau: sử dụng 50% tăng thu dự toán so với dự toán năm trước của cấp huyện, cấp xã (nếu có) hoặc sử dụng kết dư ngân sách cấp huyện, cấp xã để thực hiện. Trường hợp thiếu đề nghị báo cáo Sở Tài chính để xử lý cụ thể.
Tuy nhiên, giải pháp trên chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, về lâu dài cần phải có giải pháp phù hợp hơn.
Cùng với công tác sắp xếp lại các tổ chức hội theo hướng tinh, gọn, giảm đầu mối mà tôi đã trình bày ở trên để giảm số lượng hội đặc thù cần hỗ trợ kinh phí thì cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức hội có tính chất đặc thù cũng cần phải thay đổi với một số giải pháp như sau: Thay đổi cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các hội theo hướng khuyến khích giảm đầu mối.
Ví dụ: Nếu hội A ở cấp huyện không tổ chức ở cấp xã thành hội riêng mà chỉ tổ chức thành chi hội trực thuộc thì hội A sẽ được tăng một khoản kinh phí tương ứng.
Với cách làm này vừa khuyến khích giảm đầu mối các hội cấp xã, vừa tiết kiệm kinh phí hỗ trợ nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hội tại địa phương. Việc cấp kinh phí phải căn cứ trên quy mô tổ chức, nhiệm vụ được giao mà hỗ trợ chứ không thực hiện dàn trải như hiện nay.
* Có đại biểu đặt vấn đề: “Đối với hội đặc thù có phạm vi hoạt động cấp xã, thì đề nghị UBND tỉnh giao quyền cho UBND huyện- thị- thành được xem xét công nhận và quản lý các hội đặc thù này hoạt động đúng theo quy định của pháp luật”?
- Vấn đề này UBND tỉnh đã thực hiện phân cấp rồi. Cụ thể như về công nhận hội có tính chất đặc thù: Căn cứ Quyết định số 334/QĐ-UBND ngày 15/2/2011, UBND tỉnh đã giao cho UBND cấp huyện công nhận các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cấp huyện, cấp xã kể từ năm 2011.
Về quản lý các tổ chức hội nói chung, từ năm 2008, UBND tỉnh đã có Công văn số 3696/UBND-TH giao cho UBND cấp huyện thực hiện toàn diện công tác quản lý hội cấp xã.
*Cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn!
THANH TÂM- HỮU TÀI (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin