Nâng chất nguồn nhân lực

01:11, 07/11/2013

2 năm thực hiện Chương trình hành động số 09 của Tỉnh ủy về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến 2020 đã tạo sự chuyển biến sâu sắc, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà…

2 năm thực hiện Chương trình hành động số 09 của Tỉnh ủy về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến 2020 đã tạo sự chuyển biến sâu sắc, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà…

Chương trình hành động số 09 của Tỉnh ủy là chương trình hành động chuyên đề của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh, là một trong hai khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội IX nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, khoa học kỹ thuật các cấp, đáp ứng cho nhu cầu phát triển giai đoạn 2010- 2015 và chuẩn bị nguồn cán bộ cho giai đoạn 2015- 2020…”


Học viên lớp cao cấp lý luận chính trị tập trung khóa 27 trong một giờ thảo luận trên lớp.

Chuyển biến tích cực

2 năm thực hiện, 6 nội dung của chương trình chuyển biến lớn và khá rõ nét. Chuyển biến tích cực nhất là lĩnh vực phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống chính trị, công tác đào tạo ngày càng được chú trọng, số cán bộ đào tạo đạt chuẩn và nâng chuẩn trong thời gian gần đây khá đông, trong đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đương chức, cán bộ nguồn, trẻ, nữ… đa dạng phương thức, loại hình đào tạo ở các trường trung ương, khu vực và ở tỉnh.
 
Đến nay, đội ngũ cán bộ các cấp đã qua đào tạo chuyên môn và lý luận chính trị tăng lên đáng kể. Cán bộ có trình độ sau đại học bước đầu được chú trọng. Nổi bật, về chuyên môn, gần 54% cán bộ chủ chốt cấp xã đạt trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học và gần 24% trình độ chính trị đạt cao cấp.
 
Cán bộ lãnh đạo quản lý trưởng, phó ngành tỉnh; cán bộ chủ chốt huyện- thị- thành trình độ cao đẳng, đại học trên 85%; sau đại học 9,29% và trình độ chính trị cao cấp, cử nhân gần 65%.
 
Trình độ cán bộ trưởng, phó phòng cấp sở, ban, ngành tỉnh; trưởng phó phòng cấp huyện có sự chuyển biến vượt bậc, với 6,29% có trình độ chuyên môn sau đại học; 78,48% cao đẳng, đại học. Về lý luận chính trị cao cấp, cử nhân đạt trên 41%.

Trong từng ngành, từng lĩnh vực, công tác đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng. Chỉ trong 2 năm, ngành giáo dục đào tạo 26 tiến sĩ, 85 thạc sĩ; ngành y tế đào tạo 35 bác sĩ chuyên khoa I, 24 bác sĩ chuyên khoa II, 6 thạc sĩ, 107 bác sĩ, 65 cử nhân.

Tỉnh còn phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển thuộc Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức 5 lớp đào tạo cho quản lý cấp cao gồm các đối tượng là giám đốc, phó giám đốc, trưởng, phó phòng và chủ doanh nghiệp tham gia…

Một nỗ lực lớn của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là việc phối hợp cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở 2 lớp sau ngành xây dựng Đảng và quản lý kinh tế cho 103 cán bộ chủ chốt và cán bộ quy hoạch các chức danh chủ chốt của tỉnh theo học.

Vấn đề đặt ra

Tỉnh ủy trong chỉ đạo có tập trung cao cho các chương trình mục tiêu, trong đó có chọn ra những chương trình phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những chương trình mang tính đột phá.
 
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn không ít hạn chế. Phải nhìn nhận rằng, có một số cấp ủy, thủ trưởng chưa quan tâm đúng mức về công tác quy hoạch, đào tạo nên chưa có sự chủ động tích cực.
 
Do vậy, công tác xây dựng phát triển nguồn nhân lực chưa đi vào chiều sâu, chất lượng chưa cao. Việc đào tạo nguồn nhân lực ở một số lĩnh vực hành chính và sự nghiệp công, do khống chế về chỉ tiêu biên chế, chỉ tiêu của các học viện có hạn.

Về phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học và sau đại học, phần lớn phụ thuộc vào các trường của trung ương, chi phí lớn, trình độ ngoại ngữ của công chức, viên chức hạn chế nên việc chọn cử tham gia đào tạo sau đại học rất khó khăn.

Thực tế cho thấy người tốt nghiệp ra trường không có biên chế để bố trí công tác, thạc sĩ, tiến sĩ phải thi tuyển, thi cạnh tranh vị trí việc làm nên thiếu động viên khuyến khích cán bộ có trình độ cao vào công tác cơ quan hành chính và sự nghiệp công lập…

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đã từng trăn trở: Đội ngũ cán bộ công chức tỉnh nhà, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý đầu ngành nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu.
 
Đối với chất lượng nguồn nhân lực ngành giáo dục, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, giảng viên có trình độ cao còn rất ít. Tỷ lệ sinh viên/10.000 dân thấp hơn bình quân cả nước và khu vực. Y- bác sĩ ngành y tế tuy nỗ lực rất lớn nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu so với yêu cầu, chưa có đội ngũ y- bác sĩ giỏi nhiều…

Từ nay đến năm 2015, chỉ tiêu 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý trưởng, phó ngành tỉnh, huyện- thị- thành có trình độ đại học chuyên môn, 100% có trình độ cao cấp, cử nhân chính trị là có khả năng đạt.
 
Riêng chỉ tiêu 30% có trình độ thạc sĩ trở lên có khả năng không đạt do trình độ ngoại ngữ của cán bộ thấp, hạn chế khi thi đầu vào.

Chỉ tiêu BCH đảng bộ xã- phường- thị trấn 100% có trình độ trung cấp lý luận chính trị, chuyên môn trở lên, trong đó có 50% cán bộ chủ chốt xã- phường- thị trấn có trình độ đại học và trình độ lý luận chính trị cao cấp thì chỉ tiêu về trình độ về chuyên môn có thể đạt và vượt nhưng trình độ về cao cấp lý luận chính trị chỉ đạt 15- 20%.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh trong thời gian tới, cần có sự quan tâm quyết liệt hơn nữa. Phải có chiến lược, quy hoạch trong công tác đào tạo. Song song đó, phải làm thế nào thu hút và giữ chân người tài!

Có thể nói, mỗi giai đoạn lịch sử trình độ phát triển đòi hỏi phải có nguồn nhân lực phù hợp. Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có sức khỏe, học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao được coi là điều kiện để tăng trưởng nhanh, rút ngắn khoảng cách lạc hậu.

Do vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả nước nói chung, Vĩnh Long nói riêng thực sự là một đòi hỏi vừa cấp bách, vừa cơ bản, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

Bài, ảnh: THANH VĂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh