Xuất ngũ trở về địa phương, những người lính trẻ này tiếp tục tham gia sinh hoạt CLB cựu quân nhân (CQN)- đây chính là “kênh” nối kết, động viên nhau giữ vững và phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.
Xuất ngũ trở về địa phương, những người lính trẻ này tiếp tục tham gia sinh hoạt CLB cựu quân nhân (CQN)- đây chính là “kênh” nối kết, động viên nhau giữ vững và phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ trồng chôm chôm đạt hiệu quả mà anh Trương Văn Mười (thứ 2 bên trái) đã nhiệt tình hỗ trợ cho CLB.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, hầu hết CQN đều có tuổi đời khá trẻ, chưa có việc làm, lại thiếu vốn sản xuất. Để mưu sinh, nhiều người phải đi làm ăn xa tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh...
Trong khi đó, các CLB CQN hoạt động theo nguyên tắc “tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm, tự trang trải về tài chính”. Đây cũng là “bài toán” khó đặt ra cho các CLB.
Để “gỡ rối”, anh Trương Văn Mười- Chủ nhiệm CLB CQN ấp Hòa Thuận (xã Hòa Ninh- Long Hồ) đã xuất tiền túi 10 triệu đồng cho đồng đội mượn vốn chăn nuôi, trồng trọt, mua bán nhỏ... Không những vậy, anh còn bỏ quỹ trên 5 triệu đồng để cả 4 CLB trong xã có kinh phí sinh hoạt. Hỏi về chuyện “mạnh tay” chi cho các CLB, anh Mười cười tươi: “Chuyện gì giúp được cho đồng đội, tôi luôn sẵn lòng”.
Nhớ lại thời điểm anh xuất ngũ trở về, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào một vụ lúa mùa/năm. Lúc đó, nhà nghèo đến mức... không có vách, phải dùng vỏ bao đựng phân bón, xi măng để tạm che mưa nắng. Nhờ lên vườn trồng chôm chôm đạt hiệu quả mà đời sống kinh tế gia đình anh dần khá lên.
Theo anh Mười, cho mượn vốn đồng nghĩa với việc hỗ trợ “cần câu cơm” cho đồng đội theo kiểu người đi trước, tạo điều kiện, hướng dẫn, giúp đỡ người đi sau. Qua hơn 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch 127/2007/TTLT của Bộ Quốc phòng, Hội Cựu chiến binh Việt Nam về vận động, tập hợp CQN tham gia CLB, ban liên lạc truyền thống của cơ sở; những người “đầu tàu”- chủ nhiệm các CLB đã có nhiều cách làm hay để thu hút các thành viên tham gia.
Bằng tình cảm chân thành, các thành viên CLB CQN ấp Hòa Thuận có những hoạt động đầy nghĩa tình như: làm nhà giúp đồng đội, làm đường giao thông nông thôn... Do địa phương chủ yếu là làm vườn, anh Nguyễn Văn Thuấn- Chủ nhiệm CLB CQN ấp Hòa Lợi tổ chức cho các thành viên tham gia góp vốn xoay vòng 100.000 đ/người/tháng. Mỗi tháng, thành viên nhận được 1,5 triệu đồng để mua phân bón, chăm sóc vườn...
Khá thành công với mô hình trồng nhãn IDO; vào mùa vụ, anh Thuấn luôn ưu tiên tạo việc làm cho CQN với mức thu nhập 150.000 đ/người/ngày. Nhiều CQN trong ấp giờ cũng phát đạt nhờ trồng nhãn, thu mua nhãn... “Tạo điều kiện để CQN có cuộc sống ổn định cũng là cách để tập hợp thành viên tham gia sinh hoạt thuận lợi hơn”- anh Thuấn cho biết.
Theo ông Nguyễn Hữu Vinh- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Ninh (Long Hồ): Ngay từ những ngày đầu vận động thành lập CLB CQN, hội đã chủ động tham mưu với cấp ủy, phối kết hợp để nắm nguồn bộ đội xuất ngũ trở về địa phương, tạo điều kiện cho CQN được học nghề, hỗ trợ vốn, tạo việc làm để “giữ chân” anh em gắn bó với CLB.
Hiện, toàn tỉnh đã thành lập 317 CLB CQN với gần 6.400 thành viên, đạt trên 52% tổng số CQN. CLB nhằm tập hợp, phát huy vai trò, tiềm năng của CQN đã qua thử thách, rèn luyện trong quân đội; phát huy vai trò, trách nhiệm của mình với gia đình, xóm ấp và địa phương.
Ông Nguyễn Thái Răng- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Long Hồ:
Từ năm 2008 đến nay, đã thành lập 27 CLB CQN ở xã và ấp, với 707 thành viên. Trong tháng 9 này, dự kiến sẽ ra mắt thêm 8 CLB ở các xã Phước Hậu, Thạnh Quới và Bình Hòa Phước.
|
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin