Chỉ cần “bỏ ống heo” khoảng 2.500 đ/ngày, các hội viên cựu chiến binh (HV-CCB) xã Hiếu Nghĩa- Vũng Liêm đã có thể tham gia góp vốn 300.000 đ/vụ lúa để giúp đồng đội của mình được lợp mái tôn hay lót nền nhà. Từ những việc làm nhỏ này, nhiều CCB được an cư.
CCB Trần Văn Dây (bìa phải) giờ đã được “an cư” nhờ tham gia tổ hùn vốn.
Chỉ cần “bỏ ống heo” khoảng 2.500 đ/ngày, các hội viên cựu chiến binh (HV-CCB) xã Hiếu Nghĩa- Vũng Liêm đã có thể tham gia góp vốn 300.000 đ/vụ lúa để giúp đồng đội của mình được lợp mái tôn hay lót nền nhà. Từ những việc làm nhỏ này, nhiều CCB được an cư.
Những cơn mưa nặng hạt vào chiều tháng 5 không làm chúng tôi chùn bước khi đến thăm nhà CCB Trần Văn Dây (Tổ 10, ấp Hiếu Văn). Theo lời của ông Phạm Chương- Chi hội trưởng CCB ấp Hiếu Văn: “Đây là một trong những HV có hoàn cảnh khó khăn nhưng được “an cư” nhờ tham gia tổ hùn vốn lợp mái tôn và được mượn vốn hỗ trợ không tính lãi của hội”.
Năm 1974, khi mới 17 tuổi, ông Dây tham gia chống Mỹ. Sau đó, tiếp tục tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường K. Gần chục năm sau (1982), ông xuất ngũ trở về và được cha mẹ cho ra riêng với 3 công đất ruộng…
Khi 5 người con của ông lần lượt ra đời thì cuộc sống của vợ chồng ông càng vất vả hơn. Vừa làm nông, ông kiêm thêm nghề thợ mộc để trang trải cuộc sống gia đình, nhưng cái nghèo vẫn đeo bám.
“Căn nhà lá tạm bợ qua năm tháng đã không chống chịu được trước mùa mưa bão. Cần lắm một chỗ ở an cư, nhưng để lo cho cái ăn đã khó thì làm sao có tiền để sửa lại căn nhà?!...”- ông Dây nhớ lại.
Cũng như ông Dây, nhiều CCB sau những năm tháng cống hiến sức lực, trí tuệ và cả xương máu, khi xuất ngũ trở về, phải tiếp tục đấu tranh “diệt giặc đói”. Nhiều CCB phải đi làm ăn xa xứ hoặc sống trong nhà tạm bợ, dột nát.
Để giúp HV vượt qua khó khăn, có mái nhà lành, từ tháng 6/2006, ông Phạm Chương đã vận động HV tham gia tổ “hùn vốn lợp mái tôn”.
Bước đầu, chỉ có 7 người tham gia. Theo đó, cứ mỗi vụ lúa (4 tháng), mỗi người góp 300.000đ và ưu tiên cho đồng đội gặp khó khăn được nhận vốn trước. Bên cạnh, chi hội còn huy động nguồn vốn cố định gần 2,3 triệu đồng do HV đóng góp giúp cho đồng đội khó khăn mượn trong 6 tháng (không tính lãi) để sửa chữa nhà hay đầu tư sản xuất, kinh doanh…
Ông Dây kể: Từ khi tham gia tổ hùn vốn lợp mái tôn và được hội cho mượn vốn, cộng với số tiền tích cóp được, tôi mới có điều kiện sửa dần căn nhà và có được chỗ ở ổn định như hôm nay.
Chi hội trưởng CCB ấp Hiếu Văn nói: Thấy được việc làm thiết thực trên, tổ hùn vốn của chúng tôi ngày càng thu hút nhiều HV tham gia (hiện có 12 hộ tham gia- PV). Lúc đầu, chủ yếu là hùn vốn lợp mái tôn. Về sau, chúng tôi hùn vốn để lót gạch men. Bước sang đợt thứ 3, số tiền này được dùng để xây nhà tắm hoặc sửa chữa nhà theo nhu cầu của từng người.
Xuất ngũ trở về, ông Nguyễn Văn Năm (Tổ 3, ấp Hiếu Trung A) được cha mẹ cho miếng đất nhỏ cất căn nhà. Không có đất sản xuất, vợ chồng ông phải làm phụ hồ, bán bánh mì đắp đổi qua ngày và lo cho 2 con ăn học.
Năm 2008, nhận được số tiền hùn vốn, ông bà mừng húm, liền mua tôn lạnh về lợp ngay. Ông Năm thật thà nói: Nếu không hùn vốn và không được hội cho mượn thêm chút đỉnh thì dễ gì có chỗ ở ổn định như hôm nay.
Còn ông Phạm Văn Khương (Tổ 16, ấp Hiếu Văn) thì lúc cất nhà cũng là lúc ông nhận tiền lợp tôn (hơn 3 triệu đồng), sẵn tiện làm luôn 1 lèo nên giờ có nhà ở thoải mái, ông mừng lắm! “Đợt sau nhận tiền, tui sẽ lót gạch men cho sạch sẽ”- ông nói.
Theo ông Khương: “Chúng tôi luôn ưu tiên nhường cho đồng đội khó khăn nhận trước. Những người có điều kiện sống tốt hơn thì nhận sau cũng không lỗ lã gì. Có hội đứng ra làm trung gian, lại còn cho mượn thêm vốn (nếu gặp khó khăn). Đây là việc làm rất hay”.
CCB Nguyễn Văn Năm (bìa phải) có chỗ ở ổn định nhờ được hội hỗ trợ.
“Sắp tới, tôi dự kiến sẽ chia ra làm 2 tổ. Gồm 1 tổ xây dựng cơ bản, có trên 10 đồng chí tham gia với số tiền góp vốn 1.000.000 đ/người. Tổ còn lại, dự kiến là tổ sửa chữa nhà với số tiền góp vốn hơn 300.000 đ/người để đáp ứng theo khả năng và nhu cầu từng người”- ông Nguyễn Văn Chiến- Chi hội trưởng CCB ấp Hiếu Trung cho biết.
Theo ông Nguyễn Hồng Phong- Phó Chủ tịch Hội CCB xã Hiếu Nghĩa: Đến nay, mô hình “góp vốn xoay vòng sửa chữa nhà” đã được nhân rộng ra 4 ấp (Hiếu Văn, Hiếu Trung A, Hiếu Hạnh và Hiếu Thảo) với hơn 50 HV tham gia.
Theo đó, mỗi vụ lúa sẽ có 4 HV được nhận vốn với số tiền bình quân hơn 3,8 triệu đồng/người, nhằm đáp ứng nhu cầu sửa chữa và nâng cấp nhà. Sắp tới, hội dự kiến sẽ nhân rộng mô hình ra 9/9 ấp và phấn đấu vận động mỗi năm cất 1- 2 căn nhà cho HV khó khăn về nhà ở, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn thêm khang trang, đổi mới. Đặc biệt là chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí về nhà ở.
Ông Nguyễn Văn Chiến- Chi hội trưởng CCB ấp Hiếu Trung A kể: Bước đầu, chúng tôi phải mất đến 3 tháng mới vận động được 17 người tham gia với số tiền góp vốn 300.000 đ/người/vụ lúa. Từ năm 2010 đến nay, chúng tôi đã tăng số tiền góp vốn lên 500.000 đ/người/vụ do vật giá tăng cao và để cho HV có đủ tiền lót gạch men. Ngoài ra, hội còn huy động được nguồn vốn cố định gần 4,5 triệu đồng cho HV mượn trong 6 tháng. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin