“Chuồng heo đất” nghĩa tình

06:05, 09/05/2013

Làm cách nào để hội viên phụ nữ tiếp cận vốn mà không phải vay? Một trong những việc làm thiết thực, hiệu quả được duy trì “từ lâu lắm” của tổ phụ nữ 47 (Khóm 2, Phường 3- TP Vĩnh Long) chính là việc nuôi heo đất tiết kiệm.

Làm cách nào để hội viên phụ nữ tiếp cận vốn mà không phải vay? Một trong những việc làm thiết thực, hiệu quả được duy trì “từ lâu lắm” của tổ phụ nữ 47 (Khóm 2, Phường 3- TP Vĩnh Long) chính là việc nuôi heo đất tiết kiệm.
 
Cứ mỗi tháng, heo “xuất chuồng” và số tiền ấy cứ quay vòng giúp đỡ cho hội viên trong tổ. Số tiền tuy không nhiều nhưng kịp thời giúp nhiều chị vượt qua lúc thắt ngặt, khốn khó….


Số tiền mỗi lần bỏ ống heo không nhiều nhưng thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau lúc khó khăn.

Việc làm thường ngày

Theo chân chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng- Tổ trưởng tổ phụ nữ 47, chúng tôi đến thăm “các hộ chăn nuôi”. Dù không được hẹn trước nhưng cuộc trò chuyện không vì thế mà kém phần rôm rả.
 
Chị Lê Thị Ngọc Giàu xởi lởi: “Tôi nuôi heo đất từ lúc tổ phụ nữ phát động, cũng hơn 4 năm rồi. Không nhớ mình đã nuôi được bao nhiêu chú heo nhưng đối với gia đình tôi giờ đã thành thói quen. Tôi một con, ông xã cũng một con. Cứ sáng đi chợ thì nhín vài ngàn, còn khi có lương thì nhiều hơn!”


Một hội viên: “Tiền tiết kiệm nuôi heo đất của tổ phụ nữ hỗ trợ tôi phần nào trong việc mua phân và hạt giống”.

Giống gia đình chị Giàu, chị Phạm Thị Thu Cúc từ lâu cũng nuôi một “chú heo”. Đồng vô đồng ra từ tiệm uốn tóc, mỗi ngày tiết kiệm vài ngàn, nhưng mỗi lần đập heo, chị cũng “có khoản tiền kha khá”. Chị thừa nhận: Lúc đầu tham gia mình nghĩ đơn giản là vui thôi nhưng đến giờ tôi thấy việc làm này cũng rất ý nghĩa. Không chỉ sự tiết kiệm mà còn ở cái tình, cái nghĩa với nhau!”

Chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng sở hữu 3 chú heo no tròn, nặng trịch. Chị khoe: “Heo của mình được chăm sóc kỹ lắm. Ngày nào cũng được cho ăn từ tiền bán nước đá, “nhín chút xíu” tiền chợ. Tới kỳ lãnh lương thì rộng rãi hơn, heo cũng sẽ no hơn!”

Ngoài những chú heo do cá nhân tự nuôi, 70 hội viên tổ phụ nữ 47 cùng đồng lòng nuôi heo của tập thể. Mỗi tháng 2 lần họp tổ, ngoài chuyện chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, một việc mọi người không quên là cho những chú heo này “ăn”. “Số tiền không giới hạn. Ai có nhiều thì bỏ nhiều, ai ít thì bỏ ít. Chủ yếu là tấm lòng thôi. Từ 4 con làm vốn ban đầu, đến nay tập thể tổ đã nuôi được 12 heo đất!”- chị Phượng nói.

Việc làm tình nghĩa

Các hội viên trong tổ phụ nữ khoe với chúng tôi” “Buổi sinh hoạt 29 hàng tháng vui lắm. Ai cũng háo hức chờ mổ heo xem tháng này nuôi khéo thế nào, heo mập ốm ra sao”.

Đúng như lời chị Thu Cúc “nuôi heo không chỉ vui mà còn thấy cái tình, cái nghĩa của chị em với nhau”, bởi không chỉ những chú heo “tập thể” mà chủ nhân của những chú heo của cá nhân cũng tự nguyện mang heo của mình về đây “góp ít làm nhiều”.

Số tiền thu được sử dụng thế nào cũng được tổ tính toán, cân nhắc để rồi cuối cùng tất cả đồng lòng hàng tháng sẽ dùng hỗ trợ cho 4 chị. Chị em nào khó khăn “lên tiếng” thì được giúp vốn trước, cứ thế mà xoay vòng.


Cô Thành vui mừng “cám ơn tổ phụ nữ đã giúp tiền cho tôi”.

Trò chuyện với chúng tôi, cô Dương Thị Thành không ngớt lời “cám ơn tổ phụ nữ đã giúp tiền cho tôi”. Cô khoe mình vừa được nhận vốn, “vài trăm thôi nhưng cũng phần nào hỗ trợ tôi duy trì gánh tàu hủ này”. Tới thăm vườn rau của chị Huỳnh Thị Hồng khi mặt trời gần đứng bóng. Lau vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán, chị kể:
 
“Trước đây tôi đi phụ hồ, thu nhập cũng tạm ổn nhưng cực lắm. Khi được hỗ trợ vốn, tôi mượn đất trồng rau màu, thời gian chủ động hơn và có tiền để dành nữa đó. “Mới hôm kia tiếp tục nhận vốn, mừng quá trời”. Chỉ tay về giàn đậu cho trái đợt… cuối cùng, chị lên kế hoạch: Nay mai tôi dỡ bỏ giàn đậu, mùa này tôi trồng dưa leo”.

Chị Mỹ Phượng cho biết: “Hộ viên trong tổ gồm nhiều thành phần khác nhau. Chị làm thợ may, chị chăn nuôi, chị nội trợ, chị bán vé số,… Có chị khá nhưng cũng có chị còn khó khăn. Duy trì phong trào này chị em cũng phấn khởi lắm.

Số tiền hỗ trợ hàng tháng không nhiều nhưng cũng giúp đỡ phần nào cho chị em lúc khốn khó. Có chị bày tỏ không có phong trào này không biết sẽ “quay” thế nào. Nghe vậy, bản thân những người làm công tác hội như chúng tôi dù cực nhưng cũng thấy vui!”

Chỉ vài trăm ngàn không thể giúp cho người nhận vốn có thể làm giàu hay thoát được cảnh nghèo nhưng cũng không thể phủ nhận hiệu quả số tiền này khi kịp thời đến tay các chị trong lúc khó khăn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của các hội viên. Việc làm của Tổ phụ nữ 47 ấm áp và ý nghĩa là thế!

Bài, ảnh: CẨM HUỆ- HỒ VĂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh