Phải xem đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng trong dân và hệ thống chính trị

02:02, 07/02/2013

Tính đến nay, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được BCĐ tỉnh tiến hành khẩn trương. Thực hiện chủ trương này, đã có một số ý kiến của các đơn vị, cá nhân đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long.

Tính đến nay, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được BCĐ tỉnh tiến hành khẩn trương. Thực hiện chủ trương này, đã có một số ý kiến của các đơn vị, cá nhân đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tham gia đóng góp ý kiến, Công an tỉnh có ý kiến tại khoản 1 Điều 117, thống nhất theo phương án 1: “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định các biện pháp bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật địa phương, các vấn đề quan trọng của địa phương theo phân cấp và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước tại địa phương”.

Tại Điều 87, ngành đề nghị thêm từ “tạm”, cụ thể “Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì không được bắt (tạm) giam, truy tố đại biểu Quốc hội…”.

Tại khoản 2, Điều 5 đề nghị thêm cụm từ “lợi dụng các vấn đề dân tộc để làm trái pháp luật và chính sách của nhà nước”, cụ thể “Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc; các dân tộc tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; lợi dụng các vấn đề dân tộc để làm trái pháp luật và chính sách nhà nước”.

Bởi vì, các quy định trong lĩnh vực tôn giáo, dân tộc trong Hiến pháp 1992 vẫn còn nguyên giá trị và cần tiếp tục kế thừa. Mặt khác, hiện nay các thế lực thù địch đang ráo riết lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá ta, do đó cần bổ sung cụm từ trên.

Tòa án nhân dân tỉnh đóng góp thêm tại khoản 2 Điều 21 (điều mới) “Hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với một số ít tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định trong luật”.

Theo xu hướng chung trên thế giới hiện nay có rất nhiều nước đã bỏ án tử hình nên không cần thiết ghi trong Hiến pháp. Hiện, Bộ luật Hình sự còn 9 tội danh có khung hình phạt tử hình, với số lượng này thì không thể nói là ít. Ngoài ra, nếu trong quá trình phòng chống tội phạm muốn tăng hoặc giảm án tử hình thì phải xem xét đến điều luật này.

Do vậy, hình phạt tử hình quy định cụ thể như trong Bộ luật Hình sự hiện hành là đủ. Ngành cũng đề nghị thêm vào khoản 2 Điều 109 cụm từ “Thẩm phán và hội thẩm nhân dân được pháp luật bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản”. Trên thực tế, do làm nhiệm vụ mà không ít thẩm phán bị trả thù, tạt a xít, bị lời lẽ xúc phạm danh dự, nhân phẩm sau khi xét xử.

Ngoài 2 ngành trên, cũng có một số ý kiến của các tổ chức cá nhân gởi đến BCĐ tỉnh, về tên gọi, đa số ý kiến đại biểu đề nghị lấy tên là “Sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. Vì mức độ sửa đổi lần này tương đối nhiều (98 điều sửa đổi, bổ sung và 13 điều mới).

Bên cạnh, việc sửa đổi dựa trên nền tảng của Hiến pháp năm 1992 và có bổ sung mới. Tại khoản 3, Điều 5 đề nghị thêm cụm từ “chữ viết quốc gia là chữ quốc ngữ”. “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt, chữ viết quốc gia là chữ quốc ngữ. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết giữ gìn bản sắc dân tộc…”.
 
Đề nghị bỏ khoản 1 của Điều 21: “Mọi người có quyền sống”, khoản này không cần thiết phải đưa vào Hiến pháp vì quyền này đã được tôn trọng trong xã hội dân chủ phát triển như hiện nay. Ngoài ra còn nhiều ý kiến đề nghị tách “quyền con người”, “quyền của công dân” và “nghĩa vụ của công dân” thành các điều riêng…

Theo BCĐ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tỉnh, sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng của quốc gia, liên quan trực tiếp đến cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ở nước ta, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân nên nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp.

Trước đây, việc xây dựng, ban hành Hiến pháp của các năm 1959, 1980, 1992 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp vào năm 2001 đều được tiến hành tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Hiện, BCĐ tỉnh phân thành 4 khu vực lấy ý kiến, đồng thời Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long, Báo Vĩnh Long mở chuyên trang, chuyên mục để đăng tải kịp thời các ý kiến đóng góp, cũng như mở kênh thông tin tiếp nhận các ý kiến của nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Ông Phạm Văn Lực- Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ của tỉnh lưu ý, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này là đợt sinh hoạt chính trị- pháp lý quan trọng, rộng lớn trong nhân dân và cả hệ thống chính trị.

Đồng thời phát huy tốt quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp. Các địa phương, đơn vị được phân công phải làm tốt công tác chuẩn bị, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân đến tham dự đông đủ. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác và báo cáo về tỉnh theo đúng thời gian đề ra (hạn chót ngày 5/3/2013).

Bài, ảnh: THANH TÂM

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh