Chi bộ không chỉ là hạt nhân chính trị ở cơ sở, nơi gắn kết đảng viên với tổ chức đảng mà còn là cầu nối quan trọng và trực tiếp của Đảng với nhân dân.
Chi bộ không chỉ là hạt nhân chính trị ở cơ sở, nơi gắn kết đảng viên với tổ chức đảng mà còn là cầu nối quan trọng và trực tiếp của Đảng với nhân dân.
Đó là những vấn đề mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên nhắc nhở đội ngũ những người chủ trì công tác xây dựng Đảng ở cơ sở. Nhân dịp kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu một số buổi đối thoại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các bí thư chi bộ, bí thư cấp ủy cơ sở trong thời gian gần đây.
Việc ma chay, cưới xin có lãnh đạo không?
Ngày 6-1-2013, đến thăm và làm việc tại xã Bản Lầu (Mường Khương, Lào Cai), một xã biên giới nhiều năm nay có thành tích vượt bậc trong xóa đói, giảm nghèo, Tổng Bí thư rất vui, nhìn khắp lượt cán bộ, đồng bào và hỏi:
- Ở đây có đồng chí nào là bí thư chi bộ không, mời lên đây nói chuyện với tôi.
Bác Nông Văn Dùng, Bí thư Chi bộ bản Na Nhung 1, trong bộ quân phục cũ bạc màu, ngồi phía cuối hội trường, xung phong lên nói chuyện. Tổng Bí thư hỏi:
- Chi bộ đồng chí sinh hoạt có đều không, nội dung sinh hoạt chủ yếu là gì?
Bác Dùng báo cáo: Trước đây, đảng viên ở Na Nhung 1 phải sinh hoạt trong chi bộ ghép 3 bản với nhau. Mấy năm gần đây mới tách riêng, chi bộ chỉ có 5 người nhưng sinh hoạt rất đều vào ngày 25 hằng tháng.
Nội dung sinh hoạt chủ yếu là quán triệt các nghị quyết của cấp ủy đảng cấp trên, bàn biện pháp lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong bản và thường xuyên tổ chức phê bình những khuyết điểm để đảng viên sửa chữa, tiến bộ.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bản Lầu (Lào Cai).
|
Nghe đến đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hỏi thêm:
- Trong bản có đồng bào 5 dân tộc cùng chung sống, vậy vấn đề ma chay, cưới xin, chi bộ có lãnh đạo không? - bác Dùng thưa:
- Chúng tôi rất quan tâm đến hai việc này, vì đây là hai việc vẫn còn nhiều tập tục lạc hậu. Hiện tại, qua vận động quyết liệt của đảng viên trong bản, bà con đã nhất trí làm lễ tang, hoàn tất việc chôn cất người chết trong vòng 48 tiếng.
Khi ma chay thì cả bản cùng lo, mỗi gia đình trong bản cùng góp 2kg gạo hỗ trợ gia chủ. Còn việc cưới xin thì không ăn cỗ linh đình trong nhiều ngày như trước, cỗ chỉ mời người trong họ, người không có quan hệ thân thích chỉ đến vui văn nghệ thôi.
Cuối buổi, Tổng Bí thư còn bất ngờ hỏi:
- Trong bản đã có nhiều nhà giàu, có nhà mua được cả ô tô, vậy nhà bí thư chi bộ có giàu không? - bác Dùng hơi lúng túng, thưa:
- Nhà tôi thì lại chưa giàu. Các cháu chỉ có một nửa héc-ta chè nên thu nhập cũng có hạn ạ.
Tổng Bí thư vui vẻ nói:
- Thế vẫn là hạn chế đấy nhé, đảng viên ở nông thôn phải nghĩ cách làm giàu để nêu gương cho bà con. Đồng chí tuổi cao, không làm được nhiều nhưng phải cùng con cháu nghĩ cách nhé.
Không được để “nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị”
Tháng 12-2012, đến thăm xã Đông Thanh (Lâm Hà, Lâm Đồng), sau khi nghe báo cáo tình hình mọi mặt của xã, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hỏi đồng chí Trần Ngọc Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã:
- Tôi đang rất quan tâm đến cơ chế, mô hình bảo vệ rừng, xã ta lại là nơi bảo vệ rừng rất tốt, kinh nghiệm của các đồng chí là gì?
- Trước hết, chúng tôi làm thật tốt công tác tuyên truyền, từ trưởng thôn đến từng em nhỏ đều rất nhớ câu “mất rừng là mất nước”. Nước ở đây là nguồn nước để tưới cà phê, bà con sống dựa vào cây cà phê, nên rất hiểu vấn đề. Mỗi lần họp để tuyên truyền bảo vệ rừng, bà con đến rất đông, có nhà đến cả nhà.
Từ đó, xã lập được 40 tổ an ninh, 22 tổ tự quản bảo vệ rừng, chính quyền mua đèn pin, dùi cui để anh em đi tuần tra ban đêm. Hiện đã có 4/7 thôn trong xã, người dân ủng hộ kinh phí để bồi dưỡng mỗi người đi tuần giữ rừng 20.000 đồng/đêm - đồng chí Ngọc báo cáo. Tổng Bí thư hỏi tiếp:
- Phong trào bảo vệ rừng trong nhân dân rất tốt, nhiều phong trào khác cũng rất tốt nhưng vì sao công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở xã ta lại chưa tốt.
Ông Ngọc giãi bày: Đúng là thanh niên ở đây chỉ ham làm cà phê chứ không ham sinh hoạt Đoàn. Nền nếp sinh hoạt đã chưa tốt thì các mặt khác cũng không thể tốt được.
Điểm yếu này có nhiều nguyên nhân, trước hết vì những thanh niên có trình độ đều thoát ly quê hương ra thành phố lập nghiệp, số ở nhà có trình độ văn hóa thấp, không xây dựng được “thủ lĩnh phong trào”… Hơn nữa, một bộ phận thanh niên hiện nay chỉ thích làm kinh tế, không thích chính trị.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và chia quà cho các cháu học sinh Trường Tiểu học bán trú Trạm Tấu (Yên Bái).
|
Tổng Bí thư nghe ông Ngọc rất chăm chú, cuối buổi mới tâm sự:
- Hiện nay, ở một số nơi có tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị”, đó là lỗi của chúng ta. Cụ thể như công tác Đoàn của xã ta thì thấy, cấp ủy chưa quan tâm thỏa đáng đến đoàn thể quần chúng. Việc tập hợp thanh niên, không được miễn cưỡng mà phải đồng hành, chia sẻ với họ.
Thanh niên rất ham làm kinh tế, vậy vốn liếng thế nào, đưa khoa học kỹ thuật vào thế nào? Đoàn mà vào cuộc, liệu có hấp dẫn được thanh niên không? Phải bắt đầu từ những việc thiết thực như thế, rồi mới tỏa ra làm những việc khác. Rồi phải phát triển đảng viên là thanh niên, tôi thấy cả năm các đồng chí kết nạp 9 đảng viên là rất ít. Không có hạt nhân thì không thúc đẩy được phong trào.
Chi bộ là cầu nối quan trọng nhất
Tháng 11-2012, đến thăm xã Long Mỹ, huyện Mang Thít (Vĩnh Long), một xã vùng ven đô có nhiều thành tích trong xây dựng môi trường văn hóa, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội và chuyển đổi nghề cho nông dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui vẻ nói với đồng chí Trần Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Long Mỹ:
- Tôi vẫn nói công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, đến đây gặp đồng chí nữ Bí thư Đảng ủy, nguyên là kỹ sư nông nghiệp thì thấy đúng như thế. Kinh nghiệm của đồng chí, đã giúp bà con và địa phương trong lựa chọn cây giống, con giống; trong lãnh đạo xây dựng nông thôn mới cũng có rất nhiều tiến bộ. Vậy công tác xây dựng Đảng ở đây thế nào, có ngang tầm nhiệm vụ không?
Đồng chí Trần Thu Hà báo cáo với Tổng Bí thư: Công tác xây dựng Đảng rất được coi trọng, điển hình nhất là triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Việc tự phê bình và phê bình trong Đảng ủy làm nghiêm túc, chỉ rõ khuyết điểm để sửa chứ không làm chung chung. Có đảng ủy viên, phần tự kiểm điểm chỉ viết có hai dòng khuyết điểm, Đảng ủy phê bình và định hướng viết lại.
Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều trăn trở, đáng lo ngại nhất là ngay cả một số đảng viên cũng không hào hứng với xây dựng Đảng. Vừa qua, Đảng ủy xã gửi rất nhiều văn bản mời góp ý kiến cho Đảng ủy nhưng hồi âm lại chẳng được bao nhiêu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ với đồng chí Trần Thu Hà những vấn đề trên và tâm sự:
- Qua đây, chúng ta càng thấm thía quan điểm của Bác Hồ, tự phê bình và phê bình phải như rửa mặt hằng ngày, phải làm thường xuyên, liên tục, không phải một lần là xong. Có những khuyết điểm, phải góp ý nhiều lần mới thông, mới rõ.
Tự phê bình ở chi bộ là quan trọng nhất, vì các đồng chí hiểu rõ nhau. Bên cạnh chi bộ thì phải dựa vào dân, dựa vào đoàn thể để phê bình và đấu tranh với những nhóm lợi ích che chắn nhau, móc ngoặc nhau để làm hỏng công tác tự phê bình.
Rồi đồng chí Tổng Bí thư góp ý thêm: Chi bộ có vai trò rất quan trọng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng bắt đầu từ đổi mới hoạt động chi bộ. Long Mỹ là xã có hơn 5000 dân nhưng mới có 78 đảng viên là quá ít, cần chú trọng làm công tác phát triển đảng.
Chỉ có như vậy, chi bộ mới được tiếp thêm sức trẻ, sức chiến đấu để hoàn thành tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, là hạt nhân chính trị ở cơ sở.
Công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, phải song hành cả những biện pháp ngăn ngừa, chặn đứng cái tiêu cực đồng thời phải không ngừng bồi đắp, bổ sung những yếu tố mới, tích cực. Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, Đảng ta sẽ dần mạnh lên, xứng đáng với niềm mong đợi, trông chờ của nhân dân.
Theo QĐND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin