Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Người “nổ súng” chống chủ nghĩa cá nhân

07:12, 22/12/2012

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người đầu tiên “nổ súng” chống chủ nghĩa cá nhân trong quân đội. Lời nói của đồng chí có sức thuyết phục vì bản thân đồng chí sống trong sáng, giản dị, khiêm tốn, đoàn kết chân thành.

Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 68 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (22-12-1944 / 22-12-2012); Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, người để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị của quân đội ta. Bài viết được lược thuật từ cuốn sách “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người đầu tiên “nổ súng” chống chủ nghĩa cá nhân trong quân đội. Lời nói của đồng chí có sức thuyết phục vì bản thân đồng chí sống trong sáng, giản dị, khiêm tốn, đoàn kết chân thành.

Những lời dạy bảo chân tình của đồng chí mãi mãi còn nguyên giá trị. Bằng lời nói thân mật, có sức truyền cảm mạnh mẽ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã vạch ra nguồn gốc và hoàn cảnh phát sinh của chủ nghĩa cá nhân, nêu lên những biểu hiện, hình thái và sự phát triển của nó, phân rõ chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể, chỉ ra rằng cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể diễn ra gay gắt hằng ngày, hằng giờ và đề ra phương hướng phát huy chủ nghĩa tập thể, khắc phục chủ nghĩa cá nhân cho cán bộ và nhân dân ta.

Đồng chí viết: “Chủ nghĩa cá nhân thể hiện ra từng nơi, từng lúc khác nhau và từng trình độ, cương vị của từng người”.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh còn nêu ra những biểu hiện xấu của người chủ nghĩa cá nhân rằng: “Người cá nhân chủ nghĩa thì ngồi không yên, đứng không yên, như bị kiến đốt. Thấy cấp trên được đề bạt cũng buồn. Khi chưa được đề bạt thì mong sao được đề bạt, lúc được đề bạt rồi lại chóng chán, muốn làm sao được “đổi ngôi” mau hơn nữa. Thấy đồng chí có gì hơn mình cũng không vui, kém người cái gì đêm nằm đã phải giở mình luôn”.

Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ Quân đội năm 1960. Ảnh tư liệu

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho rằng: “Chủ nghĩa cá nhân là một vật chướng ngại, cản bước tiến của chủ nghĩa xã hội, thậm chí có nơi, có lúc tự giác hoặc không tự giác, nó phá hoại từng bộ phận của sự nghiệp chủ nghĩa xã hội.
 
Trong kháng chiến chống xâm lược, chủ nghĩa cá nhân biểu hiện trước hết là tư tưởng công thần, kèn cựa, địa vị.

Trong hòa bình xây dựng đất nước, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân không những vẫn còn tồn tại mà phát triển ở mức tinh vi, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, không phân biệt được đúng sai, chỉ thấy lóa mắt bởi đồng tiền, choáng ngợp trước sức mạnh của vật chất, một bộ phận cán bộ vì thế bị thoái hóa biến chất, hành động phi pháp, tham nhũng”.

Một điểm khác là đồng chí Nguyễn Chí Thanh xuất thân là người nông dân, không được học nhiều, cả cuộc đời đi kháng chiến, hoạt động chủ yếu là về quân sự và nông nghiệp.

Nhưng đồng chí là người rất say mê, am hiểu về văn hóa, văn nghệ. Sự am hiểu của đồng chí không chỉ ở góc độ của người thưởng thức, mà là sự cảm nhận sâu sắc. Văn hóa, văn nghệ là tâm hồn dân tộc, là động lực phát triển của mỗi dân tộc, trong từng trường hợp cụ thể thì đó là động lực cho một cuộc chiến đấu, động lực cho một chiến dịch… được thể hiện bằng vũ khí văn hóa-nghệ thuật qua hình thức thơ, văn, nhạc.

Với một cách nhìn sâu sắc và đầy bản lĩnh chính trị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã nhận thức được đó chính là sức mạnh bên trong của mỗi người chiến sĩ khi ra chiến trường.

Cuối năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được phân công làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Từ một vị tướng cầm quân đánh giặc, chuyển sang cương vị người chỉ đạo một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước, trực tiếp với đời sống, sự đói no của hàng chục triệu người.

Hôm giao nhiệm vụ, Bác Hồ đã nói: “Phong trào mới nhóm, trầm trầm. Chú hãy cố gắng tìm cho được điển hình tốt, rút kinh nghiệm và phát huy nó lên, để đánh tan bầu không khí kém phấn khởi”.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đi sâu nghiên cứu, điều tra nhiều hợp tác xã ở miền Bắc, phát hiện và tổng kết kinh nghiệm của Hợp tác xã Đại Phong (Lệ Thủy, Quảng Bình), phát động phong trào thi đua với Đại Phong, đem lại những thành tựu to lớn về phát triển hợp tác xã và sản xuất nông nghiệp; góp phần to lớn vào việc xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Giữa năm 1964, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân miền Nam ở vào thời điểm bước ngoặt. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được điều vào Nam giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam , Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam .
 
Tư tưởng chiến lược về quân sự của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thể hiện rõ nhất trong giai đoạn tìm phương pháp, tìm cách đánh Mỹ. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Không ai quên cái câu anh Nguyễn Chí Thanh nói trong bữa tối hôm nào, cùng với anh em văn nghệ: “Phương châm đánh Mỹ à? Chúng ta đã đánh Mỹ bao giờ mà có phương châm? Phương châm là Mỹ nó đến thì lập tức đánh ngay và nhờ đánh thế rồi mới có phương châm được…”.

Nắm bắt được ý tưởng từ chiến trường, từ người chiến sĩ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đưa khẩu hiệu: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”. Khẩu hiệu này đã có từ lâu, nhưng lấy đó làm phương châm chủ đạo trong cách đánh, tổ chức chiến dịch và thực hành chiến thuật để đánh thắng Mỹ thì đó là của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Có thể nói, đây là cách đánh đặc thù của Việt Nam , của ông cha ta, đó là cách đánh gần, đánh bằng vũ khí trang bị của ta, buộc kẻ địch phải đánh theo cách đánh của ta, nó đã giúp cho dân tộc ta thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một người lời nói đi đôi với việc làm, lý luận gắn liền với thực tiễn, đạo đức đi đôi với tài năng, chính trị và quân sự song toàn. Bác Hồ đã nhận xét: “Chú Thanh là một người thật thà, gan góc và kiên quyết”.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh